Hiện nay trên thị trường các thuốc trị bệnh ở mũi họng ngoài dạng uống, dạng tiêm còn có thuốc ở dạng xịt. Một số thuốc thường gặp như thuốc làm co mạch (làm thông mũi khi bị ngạt mũi), thuốc chứa corticoid trị viêm mũi, viêm xoang... Các thuốc ở dạng phun mù này được dùng khá phổ biến. Tuy nhiên, người bệnh cần phải biết cách dùng đúng mới đạt hiệu quả điều trị để tránh hoặc hạn chế các tai biến do thuốc gây ra.
Bình xịt định liều.
Nguyên tắc chung khi dùng các loại thuốc ở dạng này là khi bấm nút, thuốc sẽ được phun ra dưới dạng các hạt thuốc nhỏ li ti. Các hạt thuốc này sẽ vào sâu được trong hốc mũi, các xoang, đường hô hấp dưới...
Cách dùng: Bấm nút xịt để luồng thuốc phun ra, khi hít vào thở đều chừng 30 giây sau đó xịt lần thứ hai (nếu cần). Có hai loại bình phun (xịt): loại có van định liều và loại phun liên tục.
Với loại bình có van định liều, khi bấm nút mở van thuốc được đẩy ra với một liều lượng xác định và số lần ấn nút được tính theo liều lượng cần điều trị. Đối với loại bình này thường là chứa thuốc corticoid trị các bệnh viêm mũi, viêm xoang... Thuốc được dùng theo chỉ định của bác sĩ. Người bệnh cần tuân thủ tuyệt đối về liều lượng, số lần dùng trong ngày và thời gian dùng (liệu trình điều trị). Nói chung đối với loại thuốc này không nên xịt nhiều lần trong ngày. Trường hợp phải xịt trong thời gian dài, liên tục cần phải theo dõi, cân nhắc tới tác động toàn thân của corticoid như khi uống hoặc tiêm. Bởi corticoid có nhiều tác dụng phụ nguy hiểm như: gây tăng huyết áp, gây giữ nước, muối, gây béo giả, đái tháo đường, loãng xương... nhất là đối với người có tiền sử các bệnh trên. Với các thuốc xịt gây co mạch không nên xịt liên tiếp nhiều lần và dùng lâu dài vì có thể gây viêm mũi do thuốc, việc chữa trị sẽ rất khó khăn.
Bình xịt không định liều.
Đối với loại bình không có van định liều khi bấm nút mở van thuốc được phun ra liên tục và chỉ ngừng khi ta bỏ tay, nút bấm sẽ trở về vị trí cũ và van đóng lại. Tuy nhiên không nên xịt liền 4 cái và mỗi ngày chỉ xịt chỉ nên từ 1- 4 lần.
Trường hợp trong khi xịt thuốc gây sặc, ho hoặc hắt hơi, người bệnh nên ngừng vài phút rồi mới xịt tiếp. Để thuốc đạt hiệu quả cao, trước khi xịt nên súc họng hay xì và hút sạch mũi để thuốc tới được niêm mạc.