Hà Nội

Cách dùng thuốc trị hen an toàn cho người cao tuổi

26-11-2019 09:04 | Thông tin dược học
google news

SKĐS - Bệnh hen là bệnh mạn tính dễ gặp ở người cao tuổi. Người bệnh hen cần tuân thủ nghiêm ngặt chỉ định dùng thuốc để kiểm soát bệnh.

Bệnh hen là bệnh mạn tính dễ gặp ở người cao tuổi. Người bệnh hen cần tuân thủ nghiêm ngặt chỉ định dùng thuốc để kiểm soát bệnh. Thế nhưng việc dùng thuốc trị hen ở người cao tuổi sao cho an toàn và hiệu quả thì không dễ dàng.

Các thuốc điều trị bệnh hen

Thuốc dùng để điều trị hen gồm hai nhóm chính là thuốc chống co thắt phế quản để cắt cơn hen và thuốc chống viêm.

Thuốc chống co thắt phế quản

Các thuốc nhóm kích thích ß2 adrenergic (còn gọi là thuốc chủ vận ß2) hiện là thuốc hiệu quả và hay dùng nhất trong việc cắt cơn hen. Trong các thuốc thuộc nhóm này, người ta chia làm hai loại căn cứ vào thời gian tác dụng của thuốc gồm:

Thuốc tác dụng ngắn là: Salbutamol, terbutalin (bricanyl), fenoterol, có khởi phát tác dụng nhanh và thời gian tác dụng chỉ kéo dài từ 4 - 6 giờ. Có thể dùng thuốc dạng viên.

Thuốc tác dụng kéo dài: salmeterol, formoterol có thời gian tác dụng kéo dài khoảng 12 giờ. Các thuốc dùng để cắt cơn hen này nên dùng dưới dạng hộp có liều định chuẩn (MDI) để xịt họng khi có cơn khó thở hoặc dạng ống khí dung. Để dự phòng cơn hen về đêm thì nên dùng salbutamol tác dụng kéo dài hoặc salmeterol uống buổi tối.

Thuốc nhóm kháng cholinergic: Tác dụng giãn cơ trơn do ức chế thụ cảm thể muscarinic ở cơ trơn phế quản, ức chế phó giao cảm, tác dụng cắt cơn hen kém hiệu quả hơn so với nhóm kích thích ß2 adrenergic, tác dụng chậm hơn nhưng thời gian kéo dài hơn. Thuốc hay được sử dụng trong nhóm này là ipraptopium bromide (hộp xịt họng) hoặc dùng dạng phối hợp với fenotenol hoặc dùng dạng xịt họng đóng trong hộp có liều định chuẩn.

Thuốc nhóm methylxanthin: Do có một số tác dụng phụ và tác dụng giãn phế quản kém hơn thuốc nhóm kích thích ß2 adrenergic, hiện nay ít được dùng trong điều trị hen phế quản so với trước đây. Các thuốc phổ biến của nhóm này là: theophylin viên, synthophylin (diaphylin) tiêm tĩnh mạch chậm hoặc truyền tĩnh mạch.

Thuốc chống viêm

Các thuốc hay dùng là prednisolon, methylprednisolon dùng đường tiêm trong cơn hen cấp tính nặng. Khi đã cắt cơn thì nên dùng thay bằng đường uống hoặc corticosteroide tại chỗ. Corticosteroid dùng tại chỗ: becotid (beclomethasone), pulmicort (budesonide), dùng dạng xịt hít. Nếu hen chưa ổn định có thể khí dung.

Lưu ý: Hiện nay, xu hướng hay dùng dạng thuốc phối hợp giữa corticoid tại chỗ với một thuốc kích thích ß2 adrenergic tác dụng kéo dài. Ví dụ, ống hít symbicort (formoterol với budesonide) hoặc hộp xịt seretide (salmeterol với fluticasone) để kiểm soát hen. Nếu bệnh nhân tuân thủ điều trị, kết quả kiểm soát hen rất tốt.Cho bệnh nhân uống thuốc tại Khoa Phổi Bệnh viện 108. Ảnh: TM

Cho bệnh nhân uống thuốc tại Khoa Phổi Bệnh viện 108. Ảnh: TM

Trở ngại trong dùng thuốc trị hen cho người cao tuổi

Việc dùng thuốc cho người cao tuổi sao cho an toàn và đạt hiệu quả cao nhất là vấn đề lớn của y khoa. Với bệnh mạn tính như hen, việc dùng thuốc điều trị cần phải thường xuyên, liên tục, đúng liều lượng sẽ vấp phải không ít khó khăn. Do người cao tuổi thường mắc nhiều bệnh: tăng huyết áp, đái tháo đường, bệnh tim mạch, xương khớp... nên hằng ngày phải dùng đều đặn nhiều thứ thuốc, đôi khi sự tương tác giữa các thuốc làm giảm hiệu quả và gây ra nhiều tác dụng phụ.

Người cao tuổi do trí nhớ giảm sút nên thường quên uống thuốc hoặc bỏ thuốc, làm tái phát cơn hen mặc dù đã được kiểm soát. Hơn nữa, người bệnh không nhận biết sớm các triệu chứng bệnh trở nặng nên rất khó có thể xử trí kịp thời.

Khả năng hấp thụ, chuyển hóa, sự đáp ứng với thuốc và đào thải thuốc trong cơ thể của người cao tuổi cũng giảm sút nên người bệnh cao tuổi dễ gặp tác dụng phụ và tai biến do dùng thuốc nhiều hơn người trẻ. Người bệnh cao tuổi thường rất nhạy cảm với các tác dụng phụ của thuốc, nhất là những người có bệnh tim mạch kết hợp. Khả năng đào thải thuốc kém cũng làm cho bệnh nhân hen lớn tuổi có nguy cơ cao bị ngộ độc thuốc.

Việc sử dụng thuốc dạng hít và khí dung cũng cần phải dùng đúng kỹ thuật thì mới mang lại hiệu quả, nhưng người cao tuổi do mắt kém nên việc sử dụng thuốc qua các thiết bị máy móc sẽ kém chuẩn xác, nên giảm hiệu quả điều trị.

Và những lưu ý khi dùng thuốc

Việc phải dùng nhiều loại thuốc để trị nhiều bệnh ở người cao tuổi cũng là vấn đề cần lưu ý khi dùng thuốc điều trị hen. Khi đi khám bệnh, người cao tuổi cần thông báo cho bác sĩ các loại thuốc đang dùng. Khi điều trị ở nhà, người bệnh cao tuổi cần tuyệt đối tuân thủ chỉ định của bác sĩ về liều lượng, thời điểm dùng mỗi loại thuốc để tránh tương tác bất lợi giữa các loại thuốc với nhau. Cần lưu ý tránh sử dụng một số loại thuốc thường dùng có thể gây kịch phát cơn hen hoặc làm triệu chứng hen nặng thêm như: Aspirin và các thuốc kháng viêm điều trị viêm khớp, giảm đau. Thuốc ức chế beta điều trị tăng huyết áp và bệnh tim hoặc thuốc nhỏ mắt có chứa chất ức chế beta điều trị glaucome có thể làm cho cơn hen nặng hơn.

Những bệnh nhân uống thuốc chống viêm hoặc dùng đường hít kéo dài trong điều trị các đợt hen cấp có nguy cơ cao bị loãng xương nên cần được bổ sung canxi và vitamin D để dự phòng loãng xương.

Để phòng bệnh hen và nâng cao hiệu quả khi dùng thuốc trị hen cho người cao tuổi, cần hạn chế cho bệnh nhân tiếp xúc với tác nhân gây bệnh như len, dạ, bụi, khói thuốc, các chất khử mùi, các loại dầu thơm...; tránh dùng thực phẩm và gia vị làm bùng phát cơn hen.

Trong quá trình điều trị hen, nếu bệnh nhân có nhưng dấu hiệu: cơn hen rất nặng hoặc không đáp ứng tốt với điều trị có tiền sử phải nhập viện hoặc phải dùng máy trợ thở trong cơn hen cấp, bệnh nhân mắc kèm bệnh nặng về phổi hoặc tổn thương phổi như viêm phổi hoặc tràn khí màng phổi (xẹp phổi)... thì cần đưa bệnh nhân nhập viện ngay.


DS. Thanh Hoài
Ý kiến của bạn