Cách dùng thuốc qua đường tiêu hóa

05-01-2017 08:16 | Thông tin dược học
google news

SKĐS - Đường tiêu hóa hay còn gọi là ống tiêu hóa bao gồm miệng, thực quản, dạ dày, ruột non, ruột già, trực tràng.

Đây là đường dùng thuốc phổ biến và rất thuận lợi. Tuy nhiên, cách sử dụng như thế nào để an toàn và hiệu quả?

Thuốc đặt dưới lưỡi

Miệng không phải là nơi hấp thu thức ăn nhưng tại đây có một màng lưới mao mạch khá phong phú, đặc biệt là hai bên má và dưới lưỡi, rất thuận tiện cho việc hấp thu thuốc. Thuốc đặt dưới lưỡi với tác dụng toàn thân phải “mòn dần” và giải phóng dược chất từ từ. Dược chất sau khi hòa tan trong nước bọt (có pH khoảng 6,5), được hấp thu qua màng niêm mạc mỏng ở dưới lưỡi và đi về tĩnh mạch cảnh. Nghĩa là thuốc được đưa thẳng vào vòng tuần hoàn (vào tĩnh mạch cảnh rồi vào tim), do đó tác dụng xuất hiện nhanh, lại không qua gan nên tránh được sự phá hủy của men chuyển hóa thuốc ở gan. pH của nước bọt là 6,5 là một lợi thế vì ít ảnh hưởng đến độ bền của thuốc nhạy cảm với môi trường kiềm và acid. Đây là một đường đưa thuốc thuận tiện, dễ thực hiện lại an toàn vì nếu có hiện tượng quá liều thì lập tức có thể loại trừ thuốc ngay.

Để đặt dưới lưỡi, viên thuốc phải mỏng (tránh gây cộm), giải phóng dược chất nhanh (rã trong vòng 1-2 phút). Dạng đặt dưới lưỡi thường áp dụng cho nhóm thuốc tim mạch và hormon.

Nhược điểm của đường đưa thuốc này là khi đặt thuốc thường gây phản xạ tiết nước bọt kèm theo phản xạ nuốt, làm cho một lượng thuốc bị mất đi do trôi xuống dạ dày và ruột. Vì vậy, khi dùng viên ngậm phải hạn chế phản xạ nuốt. Đường đưa thuốc này chỉ dùng với những thuốc không gây loét niêm mạc miệng, dễ dàng hấp thu tại chỗ và dùng liều nhỏ.Dùng thuốc qua đường uống cần phải uống nhiều nước.

Dùng thuốc qua đường uống cần phải uống nhiều nước.

Thuốc đặt trực tràng

Thuốc đưa vào trực tràng có ở dạng viên đạn. Tá dược béo giải phóng dược chất theo cơ chế tan chảy ở thân nhiệt, còn tá dược thân nước giải phóng theo cơ chế hòa tan trong dịch cơ thể. Thuốc đạn giải phóng dược chất nhanh, sau khi hòa tan được hấp thu vào tĩnh mạch trực tràng đi về tĩnh mạch chủ, phần lớn (50-70%) thuốc không qua tĩnh mạch cửa gan sau khi hấp thu nên tránh được sự phân hủy tại gan, ngoài ra tránh được tác động của dịch vị và hệ men của đường tiêu hóa so với dùng dưới dạng uống.

Thuốc đạn rất thích hợp cho người khó uống thuốc (sốt cao, trẻ nhỏ...) hoặc không uống được (tắc ruột, nôn nhiều, hôn mê); thuận tiện với những thuốc có mùi vị khó chịu, dễ gây buồn nôn, những chất kích ứng đường tiêu hóa mạnh.

Tuy nhiên, nhược điểm của thuốc đạn là sinh khả dụng thất thường vì quá trình hấp thu phụ thuốc nhiều yếu tố như bản chất của dược chất và tá dược, kỹ thuật bào chế, sinh lý trực tràng trong thời gian bị bệnh. Dạng bào chế thường là viên đạn dễ chảy ở nhiệt độ cao nên khó bảo quản, đặc biệt ở khí hậu nóng như ở nước ta trong điều kiện không có tủ lạnh, giá thành đắt.

Thuốc dùng đường uống

Đường uống là đường đưa thuốc phổ biến nhất, chính vì vậy trong điều trị có tới 80% thuốc được đưa qua đường này.

Tuy nhiên, thuốc dùng qua đường uống thường phải chịu một số tác động bất lợi tới sinh khả dụng của thuốc như: Phải trải qua một bậc thang pH thay đổi quá nhiều (từ khoảng pH là 1 ở dạ dày cho đến pH là 8 ở đại tràng), trong đó nhiều dược chất chỉ bền hay chỉ được hấp thu ở một khoảng pH nhất định; bị tác động bởi hệ men, hệ vi khuẩn trong đường tiêu hóa; bị chuyển hóa qua gan lần đầu; bị ảnh hưởng bởi thức ăn... Do vậy khi chọn dạng uống, chú ý hạn chế đến mức tối đa tác động bất lợi nói trên.

Nhìn chung, nếu thuốc dùng dạng viên thì sinh khả dụng đều phụ thuộc rất nhiều vào thời gian lưu lại của thuốc trong dạ dày. Thuốc ra khỏi dạ dày để đến vùng hấp thu nhanh hay chậm lại phụ thuộc vào nhiều yếu tố: thời điểm dùng thuốc, chế độ ăn uống, trạng thái của người bệnh... Thời gian viên thuốc lưu lại ở dạ dày biến động như vậy làm cho quá trình hấp thu dược chất về sau cũng thay đổi rất nhiều. Đặc biệt là viên bao tan ở ruột, nếu nằm lại dạ dày lâu quá thì vỏ bao có thể rã ngay trong dạ dày, làm hỏng hoạt chất, còn viên ra khỏi dạ dày nhanh quá thì chưa chắc đã kịp tan rã để giải phóng dược chất ở vùng hấp thu tối ưu ở ruột.

Nếu thuốc được uống lúc đói, lại uống với nhiều nước, người bệnh vận động nhiều thì viên thuốc ra khỏi dạ dày nhanh (khoảng 10-30 phút). Ngược lại, nếu uống khi no, thức ăn có nhiều chất béo, nhiều đường, viên rơi vào hang vị và bị thức ăn che lấp ở trên, lại chỉ uống với ngụm nhỏ nước, người bệnh nằm yên không vận động thì viên nằm lại ở dạ dày lâu (khoảng 4-8 giờ).

Vì vậy, để đảm bảo phát huy được đầy đủ tác dụng của các thuốc dạng uống, cần hướng dẫn người dùng tuân thủ đúng chế độ dùng thuốc sau:

Nếu dùng dạng viên (cả dạng viên nén lẫn viên nang), lượng nước đưa thuốc đều phải nhiều (một cốc nước to khoảng 150-200ml).

Với trẻ em và người cao tuổi, nên dùng thuốc pha thành dung dịch, hỗn dịch, viên sủi bọt... để tránh nghẹn, sặc hoặc dính thực quản. Đối với thuốc dạng hỗn dịch cần lắc kỹ để chai thuốc thành một dung dịch đồng nhất trước khi dùng.


DS. Hồ Thị Kim Trâm
Ý kiến của bạn