Khi nhỏ một giọt thuốc vào mắt, dược chất sẽ được vận chuyển tới nơi tác dụng dưới tác động của hệ thống nước mắt, đặc điểm cấu tạo sinh lý của các hàng rào mô giác mạc và kết mạc. Việc nắm được một số đặc điểm sinh lý của mắt liên quan đến sự hấp thu dược chất từ thuốc nhỏ mắt và cách sử dụng thuốc tra, nhỏ mắt sẽ góp phần nâng cao hiệu quả điều trị, giúp người bệnh sử dụng thuốc an toàn, hợp lý.
Đặc điểm sinh lý của hệ thống nước mắt
Nước mắt của người bình thường được tiết ra liên tục từ tuyến nước mắt với tốc độ khoảng 1 microlit (µl) trong 1 phút, tạo ra một màng nước mắt bao phủ toàn bộ bề mặt của giác mạc và kết mạc. Màng nước mắt này có tác dụng bảo vệ mắt chống nhiễm khuẩn, giữ cho mắt không bị khô và được chứa ở túi cùng kết mạc khoảng 20µl-30µl. Dịch nước mắt thừa ở túi cùng kết mạc được rút vào túi nước mắt qua các ống tiểu quản nhờ áp suất âm ở túi nước mắt. Khi chớp mắt, túi nước mắt bị ép và nước mắt được bơm vào ống mũi lệ đổ vào khoang miệng khoảng 2µl mỗi lần chớp mắt. Nước mắt là một dịch nước trong suốt có pH khoảng 7,4, có chứa các chất điện giải như Na , K , Ca , Cl, HCO3.
Dùng thuốc nhỏ mắt đúng giúp nâng cao hiệu quả trị bệnh. Ảnh: TM
Khi nhỏ một giọt thuốc vào vùng trước giác mạc, phần thừa ngoài sức chứa của mắt sẽ trào ra má, phần còn lại được tháo vào ống mũi lệ và quá trình này tiếp diễn cho đến khi thể tích dịch nước mắt trở lại bình thường, làm cho liều thuốc đã nhỏ bị mất đi đáng kể. Hơn nữa, khi thể tích nước mắt đã trở lại bình thường thì sự tiết nước mắt vẫn tiếp diễn, nước mắt tiết ra tiếp tục pha loãng lượng thuốc còn lại, làm giảm nồng độ dược chất, làm giảm tốc độ và mức độ khuếch tán dược chất qua giác mạc.
Tác động của hệ thống nước mắt càng bất lợi khi thuốc nhỏ mắt có pH càng khác 7,4 và được đệm bằng các hệ đệm có dung lượng đệm cao vượt quá khả năng tự điều chỉnh của nước mắt, thuốc sẽ gây kích ứng mạnh ở mắt, mắt buộc phải phản xạ lại bằng cách tăng tiết nước mắt. Nước mắt tiết ra càng nhiều nồng độ dược chất càng bị pha loãng, quá trình khuếch tán dược chất qua giác mạc càng giảm do nồng độ giảm. Nước mắt tiết ra càng nhiều, liều thuốc đã nhỏ càng bị trôi rửa nhanh chóng, thời gian tiếp xúc của thuốc với niêm mạc càng ngắn, dược chất càng ít được hấp thu.
Cách sử dụng đúng thuốc nhỏ, tra mắt
Trong trường hợp người bệnh được kê từ hai loại thuốc tra, nhỏ mắt trở lên thì thứ tự nhỏ - tra thuốc như sau:
Các loại thuốc nhỏ mắt dạng dung dịch, hỗn dịch nhỏ trước. Thuốc tra mắt dạng gel, mỡ nhỏ sau. Nên tra thuốc mỡ vào buổi trưa, tối trước khi đi ngủ vì thuốc mỡ làm giảm hấp thu thuốc nước và để các hoạt chất trong thuốc mỡ tan ra, ngấm và lưu lại lâu hơn trên tế bào biểu mô giác mạc.
Khi nhỏ các loại thuốc phải cách nhau khoảng từ 10-15 phút.
Lọ, typ thuốc khi đã mở nắp chỉ nên sử dụng từ 15 đến 30 ngày (hoặc theo hướng dẫn của nhà sản xuất) để tránh nhiễm khuẩn và đảm bảo chất lượng thuốc.
Đối với thuốc dạng hỗn dịch cần lắc kỹ trước khi sử dụng. Thuốc dạng đơn liều (không chứa chất bảo quản) chỉ sử dụng trong ngày. Nếu thuốc là loại có độc tính cao phải tuân thủ nghiêm ngặt hướng dẫn cách nhỏ, tra thuốc theo hướng dẫn sử dụng đi kèm với thuốc hoặc chỉ định của bác sĩ.
Ví dụ: Thuốc nhỏ mắt atropin 0,5% là thuốc rất hay dùng có tác dụng làm liệt điều tiết, giúp xác định chính xác tật khúc xạ như cận thị, viễn thị, loạn thị.
Cách nhỏ: Vành mi dưới, nhỏ một giọt thuốc vào túi cùng kết mạc mắt, lấy bông thấm hết thuốc tràn ra ngoài mí mắt rồi dùng bông chẹn vào điểm lệ ở góc trong của mắt khoảng 2 phút để bông thấm hết thuốc thừa, tránh tác dụng phụ không mong muốn của thuốc (như sốt, đỏ mặt, khô họng, tim đập nhanh… vì dùng atropin 0,5% nhỏ mắt, nhất là ở trẻ em có thể gây ra ngộ độc toàn thân.
Kiểm soát chặt chẽ hạn sử dụng của thuốc, không sử dụng thuốc đã hết hạn.