Cách dùng thuốc ngoài da

02-01-2017 07:36 | Thông tin dược học
google news

SKĐS - Da là “chiếc áo bảo hộ”, có lớp nhũ tương của bã nhờn và mồ hôi chống chọi với tác nhân lý hóa bên ngoài. Lớp sừng tạo nên hàng rào biểu bì, hàng rào này bền hơn những biểu mô phủ khác.

Thuốc khuếch tán thụ động qua biểu bì, qua tuyến bã, nang lông. Lớp sừng là nơi dự trữ thuốc, giữ được thuốc cả sau khi tắm rửa, như sau khi bôi hormon hoặc một số thuốc kháng sinh và sát khuẩn có thể ở lâu trong da hàng tuần, giúp cho thuốc có tác dụng tại chỗ. Tuy nhiên, một số chất tan trong lipid, dễ thấm qua da cho tác dụng toàn thân, gây độc.

Khi da bị tổn thương (mất đi lớp sừng) sẽ làm cho thuốc, chất độc dễ xâm nhập, tạo tác dụng toàn thân. Thuốc dùng ngoài da dưới các dạng thuốc mỡ, cao dán, nước hoa, thuốc xoa bóp có tác dụng nông tại chỗ để sát khuẩn, chống nấm, thuốc làm săn da. Một số khác như tinh dầu, salicylat, hormon… có khi thấm được qua hàng rào biểu bì vào tới chân bì.

Khi bôi thuốc xoa bóp mạnh hoặc dùng thuốc giãn mạch tại chỗ gây sung huyết làm tăng nhiệt độ da, giúp thuốc dễ di chuyển vào nang lông và tuyến bã sẽ làm tăng tốc độ hấp thu của thuốc vào da.

Cần lưu ý, thuốc bôi ngoài da không những có tác dụng tại chỗ mà còn có cả tác dụng toàn thân, thuốc bôi ngấm vào da, ngấm vào mạch máu, tác động vào thần kinh qua đó tác động lên toàn bộ cơ thể. Vì vậy, sử dụng thuốc bôi ngoài da phải phù hợp với tính chất bệnh lý, giai đoạn bệnh, mức độ bệnh, vùng da, thậm chí phải căn cứ vào cả tuổi, giới, nghề nghiệp. Ví dụ, ở trẻ sơ sinh, da của lứa tuổi này có lớp sừng mỏng manh, tính thấm mạnh nếu bôi bột talc có tỷ lệ hexaclorophen cao để sát khuẩn sẽ gây triệu chứng ngộ độc toàn thân. Không được dùng ethanol xoa bóp ngoài da cho trẻ sơ sinh. Đối với bệnh eczema cấp đang gây tổn thương da, chảy dịch, mủ, vảy tiết chỉ cần dùng dung dịch đắp gạc, ngâm rửa thuốc màu. Giai đoạn eczema mạn dùng dạng mỡ giảm viêm, bạt sừng. Đối với vị trí da, vùng nếp kẽ nên hạn chế bôi dạng mỡ tránh gây bí da, gây cản trở chức năng hô hấp của da…

Với các tổn thương có nhiều dịch mủ, vảy tiết nên cho ngâm rửa, đắp gạc các dung dịch sát khuẩn 1 - 5 ngày cho giảm viêm, sạch mủ, bong vảy tiết, sau đó dùng tiếp các thuốc bôi phù hợp với giai đoạn sau.

Không nên bôi một thuốc thời gian quá dài, cũng không nên liên tục thay thuốc làm khó đánh giá kết quả điều trị cũng như nhận định chẩn đoán đúng sai… thường một đợt bôi thuốc khoảng 10-15 ngày. Trong quá trình dùng thuốc cần theo dõi kỹ bệnh nhân để có thể điều chỉnh kịp thời và theo dõi phản ứng da của từng bệnh nhân vì thuốc bôi cũng có thể gây dị ứng…


DS. Hoàng Thu Thủy
Ý kiến của bạn