Ngọc Hà (Vĩnh Phúc)
Theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), tẩy giun là biện pháp dự phòng quan trọng, đặc biệt ở các đối tượng có nguy cơ cao như trẻ em bên cạnh các biện pháp vệ sinh môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm và vệ sinh cá nhân.
Chu trình tái nhiễm của giun giữa môi trường xung quanh.
Đối với trẻ em, chỉ nên bắt đầu tẩy giun định kỳ khi trẻ được 2 tuổi trở lên. Trong trường hợp bé dưới 2 tuổi, nếu phát hiện hoặc nghi ngờ nhiễm giun sán thì bạn nên đưa trẻ đi khám và làm xét nghiệm tầm soát, đến khi đã có bằng chứng chính xác của việc nhiễm giun sán thì trẻ sẽ được điều trị theo sự hướng dẫn của bác sĩ. Trẻ cần bắt đầu tẩy giun định kỳ mỗi 6 tháng một lần.
Trên thị trường hiện nay, những loại thuốc tẩy giun chủ yếu có chứa hai hoạt chất mebendazol và albendazol, có tác dụng tẩy sạch hoặc làm giảm đáng kể số lượng giun ra khỏi ruột.
Để thuốc phát huy tác dụng tốt nhất thì bạn nên cho trẻ uống sau bữa ăn tối 2 tiếng hoặc uống vào sáng sớm khi bụng đói. Trong khoảng 24 giờ sau khi uống thuốc, bạn cần phải quan sát phản ứng của bé, nếu có các biểu hiện như: Đau đầu, nổi mề đay, mệt mỏi, buồn nôn, đau bụng... Nếu ở mức nhẹ thì không cần phải lo ngại nhưng nếu triệu chứng với phản ứng nặng hơn như nôn nhiều, sốt, mệt rã rời... thì bạn cần phải đưa trẻ đến bệnh viện gần nhất để thăm khám.
Ngoài ra để hạn chế việc tái nhiễm giun cho trẻ, bạn nên tạo cho trẻ thói quen rửa tay sạch sẽ khi ăn; ăn thức ăn sạch, nấu kỹ và bảo quản tốt; diệt ruồi, gián, rửa sạch sẽ đồ chơi, không để trẻ bò lê dưới đất...