Hà Nội

Cách dùng thuốc đặt âm đạo

15-03-2023 10:04 | An toàn dùng thuốc

SKĐS - Thuốc đặt âm đạo được sử dụng để điều trị các bệnh viêm nhiễm phụ khoa. Dùng đúng chỉ định và đúng cách, thuốc sẽ mang lại hiệu quả điều trị...

1. Thuốc đặt âm đạo là gì?

Thuốc đặt âm đạo là thuốc ở thể rắn, chứa dược chất, thường có hình bầu dục (hình trứng) hoặc hình viên đạn (thuốc đạn)... dùng tay hoặc dụng cụ chuyên dụng để đưa vào âm đạo. Tại đây, nhờ nhiệt độ cơ thể, thuốc tan thành chất lỏng, giải phóng thuốc và cho tác dụng điều trị...

Ưu điểm của thuốc đặt âm đạo là:

  • Hấp thụ nhanh
  • Không gây buồn nôn và nôn
  • Yêu cầu liều điều trị thấp, giảm tác dụng phụ toàn thân tiềm ẩn...

Các loại thuốc đặt âm đạo bao gồm:

  • Thuốc chứa một kháng sinh để đặc trị một tác nhân gây bệnh cụ thể.
  • Thuốc chứa nhiều loại kháng sinh để điều trị cùng lúc nhiều tác nhân gây bệnh.
  • Thuốc chứa các acid lactic, glycogen có tác dụng cân bằng pH âm đạo.
  • Thuốc chứa hormone estrogen...
Thuốc đặt âm đạo khi nào sử dụng? - Ảnh 2.

Thuốc đặt âm đạo được sử dụng để điều trị các bệnh phụ khoa.

2. Thuốc đặt âm đạo dùng trong trường hợp nào?

Thuốc đặt âm đạo được sử dụng tại chỗ để điều trị các bệnh phụ khoa như: Viêm âm đạo do vi khuẩn, nhiễm trùng nấm men (candida) và nhiễm ký sinh trùng (trichomonas) hoặc toàn thân (liệu pháp hormon).

- Viêm âm đạo do vi khuẩn là do sự thay đổi trong sự cân bằng bình thường của vi khuẩn âm đạo. Nhiễm trùng nấm men âm đạo là tình trạng nhiễm trùng âm đạo và các mô ở cửa âm đạo (âm hộ). Trichomonas là một bệnh nhiễm trùng lây truyền qua đường tình dục do ký sinh trùng gây ra. Các triệu chứng của nhiễm trùng âm đạo bao gồm ngứa, có mùi hôi và dịch tiết màu trắng nặng bất thường từ âm đạo.

- Thuốc đặt âm đạo cũng được sử dụng để điều trị khô âm đạo.

- Thuốc đặt âm đạo cũng có thể được kê đơn cho những phụ nữ mang thai có lượng progesterone thấp trong ba tháng đầu.

- Một số biện pháp tránh thai, như chất diệt tinh trùng cũng có thể được sử dụng theo cách này và liệu pháp nội tiết tố có thể được sử dụng qua thuốc đặt âm đạo để điều trị lạc nội mạc tử cung.

3. Lưu ý khi dùng thuốc đặt âm đạo

Chỉ sử dụng thuốc đặt âm đạo sau khi đã được bác sĩ chuyên khoa xác định bệnh.

Để tránh tương tác bất lợi của thuốc, người bệnh cần thông báo cho bác sĩ nếu sử dụng bất kỳ loại thuốc kê đơn, không kê đơn nào, bao gồm cả vitamin và thảo dược bổ sung trước khi sử dụng. Không sử dụng thuốc đặt âm đạo nếu bị dị ứng với bất kỳ thành phần nào của thuốc.

Nếu có bệnh về gan, thận và đường tiêu hóa (tiêu chảy và viêm đại tràng, viêm ruột kết), dị ứng (hen suyễn, sốt cỏ khô, chàm), bệnh tiểu đường và các vấn đề về hệ thống miễn dịch (HIV/AIDS) cần thông báo cho bác sĩ.

Sử dụng thuốc dưới sự giám sát của bác sĩ nếu sử dụng các loại thuốc chống nấm khác.

Thuốc đặt âm đạo khi nào sử dụng? - Ảnh 4.

Sử dụng thuốc đặt âm đạo chính xác theo chỉ dẫn trên nhãn thuốc, trừ khi có hướng dẫn khác của bác sĩ.

- Tác dụng phụ của thuốc đặt âm đạo: Tùy thuộc vào loại thuốc được sử dụng, các tác dụng phụ thường gặp của thuốc đặt âm đạo có thể bao gồm chóng mặt, lú lẫn, đau bụng, táo bón, buồn nôn, tiêu chảy, đau vùng chậu, nôn mửa, cảm giác nóng rát và đầy hơi...

- Các hiện tượng có thể xảy ra sau đặt thuốc âm đạo: Các hiện tượng có thể xảy ra sau đặt thuốc âm đạo là chảy máu, ra dịch vàng trắng… Nguyên nhân có thể do âm đạo bị tổn thương; do đặt thuốc không đúng cách, thuốc cọ xát vào âm đạo làm trầy xước, chảy máu...

4. Các bước sử dụng thuốc đặt âm đạo

  • Bước 1: Rửa tay thật sạch bằng nước xà phòng ấm và lau khô bằng khăn sạch.
  • Bước 2: Mở gói thuốc và kiểm tra thuốc có đủ độ cứng để đưa vào không.
  • Bước 3: Đặt thuốc ở tư thế nằm ngửa, hai chân hơi cong về phía bụng, tư thế này sẽ giúp lộ cửa âm đạo. Ngoài ra, có thể đứng với đầu gối hơi cong và hai bàn chân cách nhau.
  • Bước 4: Giữ thuốc bằng 2 ngón tay, đặt thuốc vào âm đạo, sau đó dùng ngón tay đẩy thuốc đi sâu vào trong âm đạo. Nằm yên tại chỗ trong khoảng 30 phút để thuốc tan hết và hạn chế di chuyển.

5. Những điểm cần ghi nhớ khi sử dụng thuốc đặt âm đạo

  • Sử dụng thuốc chính xác theo chỉ dẫn trên nhãn thuốc, trừ khi có hướng dẫn khác của bác sĩ.
  • Chỉ sử dụng để đặt âm đạo, không được uống.
  • Cắt móng tay để tránh trầy xước khi đặt thuốc.
  • Tránh tập thể dục hoặc vận động quá mức trong khoảng một giờ sau khi đặt thuốc.
  • Lưu trữ thuốc ngoài tầm với của trẻ em.
Khi mắc bệnh phụ khoa nên đi bác sĩ khám để được chẩn đoán, kê toa đúng thuốc. Không tự ý mua thuốc đặt âm đạo về dùng vì có thể làm âm đạo viêm nhiễm nặng và khó chữa trị hơn.

Mời xem thêm video đang được quan tâm:

4 sai lầm 'kinh điển' khi ăn trái cây nhiều người mắc phải

DS. Phạm Thu Quế
Ý kiến của bạn