Một người được coi là nghiện rượu nếu thỏa mãn hai tiêu chuẩn sau: Uống rượu mỗi ngày trên 300ml, loại rượu 40 độ cồn và thời gian uống rượu trên 10 năm.
Bệnh nhân nghiện rượu phải được điều trị cai rượu tại khoa tâm thần. Tuy nhiên, sau điều trị cai rượu, nếu người bệnh không được điều trị củng cố, tỷ lệ tái nghiện rượu lên đến gần 100%.
Nghiện rượu nên được điều trị tiếp tục sau khi ra viện để tránh tái nghiện. Để ngăn ngừa tái phát đòi hỏi phải thường xuyên quản lý bệnh nhân trong một thời gian dài.
Hỗ trợ dược lý để cai rượu nên được xem xét, bởi vì chúng có thể ngăn ngừa tái phát ở những bệnh nhân đã được điều trị cai rượu. Sử dụng các thuốc này được bắt đầu sau khi quá trình giải độc rượu đã được hoàn thành.
Nghiện rượu mạn tính có liên quan đến rối loạn trầm cảm và rối loạn lo âu, khiến nguy cơ tự tử ở những người nghiện rượu là rất cao. Do đó, những người cai rượu nên được kiểm tra xem có bị rối loạn trầm cảm và rối loạn lo âu hay không để điều trị thêm khi cần thiết. Các thuốc thường được sử dụng để điều trị chống tái nghiện rượu là:
Disulfiram
Disulfiram chỉ được dùng để chống tái nghiện rượu. Nên bắt đầu uống thuốc này 2-3 ngày trước khi ra viện. Thời gian uống thuốc tối thiểu 2 năm để tránh tái nghiện.
Cơ chế tác dụng chống tái nghiện của disulfiram: Sau khi được hấp thụ, rượu sẽ được chuyển hóa tại gan thành aldehyd acetic. Aldehyd này sẽ được chuyển hóa tiếp trong vòng Kreb thành năng lượng, CO2 và H2O dưới xúc tác của men ADH2 (aldehyd dehydrogenase 2). Do disulfiram ức chế men ADH2, khiến quá trình chuyển hóa rượu bị dở dang và dừng lại ở aldehyd. Nếu bệnh nhân uống rượu thì nồng độ aldehyd trong máu sẽ tăng vọt (gấp hàng chục đến hàng trăm lần) và gây ra các phản ứng rất dữ dội như đau đầu, đánh trống ngực, đỏ da, sợ hãi, nôn, buồn nôn... khiến bệnh nhân rất sợ rượu.
Cách này có ưu điểm là ngừng rượu được tuyệt đối, nhưng bệnh nhân không tự giác điều trị, cần sự giám sát việc uống thuốc của người thân trong gia đình bệnh nhân.
Cần lưu ý chỉ được sử dụng disulfiram khi chắc chắn bệnh nhân đã ngừng rượu tuyệt đối ít nhất 48 giờ. Không dùng disulfiram để cai rượu vì sẽ gây ra hội chứng cai rượu trầm trọng hoặc sảng rượu do bệnh nhân buộc phải ngừng rượu đột ngột.
Rượu bia gây nhiều tác hại tới cơ thể và dễ dẫn đến nghiện.
Naltrexon
Như chúng ta đã biết, rượu chuyển hóa trong gan thành hai giai đoạn: Alcohol chuyển hóa thành acetaldehyd dưới xúc tác của enzym alcohol degydrogenase (ADH); acetaldehyd chuyển hóa thành acetat.
Chất acetaldehyd liên kết với các monoamin trong não để chuyển thành tetraisoquinolin. Chất này có tác dụng như một morphin nội sinh, gắn với các thụ cảm thể morphin ở não, gây ra sảng khoái khi uống rượu. Thuốc naltrexon có tác dụng ức chế thụ cảm thể morphin trên não, khiến cho người uống rượu không còn cảm giác phấn khích, khoan khoái khi uống rượu; kết cục là người bệnh sẽ cảm thấy rượu nhạt nhẽo, không còn hấp dẫn nữa. Họ sẽ tự động giảm dần lượng rượu uống và ngừng hẳn uống rượu. Thuốc này cũng được sử dụng để giúp người nghiện rượu chống tái nghiện rượu.
Tuy nhiên, thuốc này không dùng được cho các bệnh nhân có các bệnh gan, thận, cơ tim, não... Do vậy thuốc này chỉ áp dụng cho các bệnh nhân lạm dụng rượu, nghiện rượu mà chưa có các tổn thương gan, thận, tim rõ ràng.
Sau tháng đầu, bệnh nhân giảm được chừng 30% lượng rượu uống; sau 2 tháng, bệnh nhân giảm được 50% lượng rượu uống hàng ngày; sau 3 tháng điều trị, bệnh nhân giảm được 70% lượng rượu uống mỗi ngày.
Metronidazol
Metronidazol có tác dụng ức chế men ADH2 giống như disulfiram, vì vậy cũng có thể dùng thuốc này để chống tái nghiện rượu. Metronidazol không cho hiệu quả chống tái nghiện rượu cao như disulfiram, thuốc có vị kim loại ở miệng và gây mệt mỏi cho người dùng; vì thế, chỉ dùng thuốc này thay thế khi không có disulfiram.
Để giúp người nghiện rượu bỏ hẳn được rượu không tái nghiện cần giáo dục cho bệnh nhân có ý thức về những tác hại của rượu đối với sức khỏe, tác hại của việc nghiện rượu đối với bản thân người nghiện, người thân và cộng đồng xã hội. Người nhà và những người thân luôn quan tâm đến người bệnh, nhắc nhở người bệnh uống thuốc đều đặn, không để bỏ thuốc, dễ dẫn đến tái nghiện rượu. Các biện pháp cân bằng tâm lý rất khó thực hiện và không có kết quả gì đối với người nghiện rượu.