1. Tăng nhãn áp có thể dẫn đến mù lòa
Tăng nhãn áp gây tổn thương thần kinh thị giác nên khi thị lực suy giảm thì dù có điều trị cũng không thể phục hồi. Mục tiêu của điều trị là ngăn chặn sự tiến triển của bệnh bằng cách giảm áp lực nội nhãn, cải thiện lưu thông máu trong dây thần kinh thị giác và bảo vệ dây thần kinh thị giác.
Phương pháp điều trị trong giai đoạn đầu là dùng thuốc nhỏ mắt. Nếu thuốc nhỏ mắt kém hiệu quả hoặc có tác dụng phụ, có thể thực hiện điều trị bằng laser. Nếu áp lực nội nhãn không được kiểm soát ngay cả khi điều trị bằng laser, có thể thực hiện điều trị bằng phẫu thuật.
Nếu không được điều trị, bệnh tăng nhãn áp có thể dẫn đến mù lòa và rất khó chữa khỏi. Phát hiện sớm và điều trị đúng cách, có thể ngăn ngừa hoặc trì hoãn các tổn thương thị lực. Mục tiêu điều trị là làm giảm nhãn áp để ngăn ngừa mất thị lực.
Ở giai đoạn đầu, bệnh có thể được kiểm soát bằng một số nhóm thuốc như thuốc chẹn beta, thuốc chủ vận alpha-adrenergic, thuốc ức chế carbonic anhydrase (CAI), hợp chất epinephrine, thuốc điều trị kết hợp… Đây đều là các thuốc kê đơn, nên người bệnh chỉ sử dụng khi có hướng dẫn của bác sĩ.
Những loại thuốc này được dùng theo đường nhỏ mắt có tác dụng làm giảm nhãn áp, ngăn cản dây thần kinh thị giác bị tổn thương. Vì vậy, mỗi người bệnh cần phải nỗ lực sử dụng thuốc theo đúng chỉ dẫn và liều lượng quy định.
2. Lưu ý khi dùng thuốc nhỏ mắt ở người bệnh tăng nhãn áp
Việc sử dụng thuốc nhỏ mắt có thể khó khăn đối với một số người bệnh, đặc biệt nếu thị lực của họ bị suy giảm, khả năng phối hợp tay và mắt kém hoặc gặp khó khăn khi bóp lọ thuốc nhỏ mắt. Trong những tình huống này, có thể cần người chăm sóc giúp nhỏ thuốc.
Cách nhỏ thuốc bao gồm các bước:
- Trước khi thực hiện nhỏ thuốc nên rửa tay thật sạch để tránh nhiễm bẩn.
- Hơi ngả đầu ra sau, mở mắt nhìn lên trên, một tay kéo mí mắt dưới, tay kia cầm thuốc đồng thời nhỏ số giọt theo theo chỉ định của bác sĩ.
- Không để lọ thuốc chạm vào da mí mắt hoặc lông mi.
- Nếu lỡ quên nhỏ thuốc, nên nhỏ thuốc ngay khi nhớ ra, thay vì đợi đến lần nhỏ thuốc tiếp theo. Nên để thuốc nhỏ mắt ở nơi dễ nhìn thấy và đặt báo thức để nhớ nhỏ thuốc.
- Khi phải dùng nhiều loại thuốc nhỏ mắt cùng lúc thì phải tuân thủ thứ tự dùng thuốc và nhỏ thuốc cách nhau khoảng 5 đến 10 phút.
Các tác dụng phụ thường gặp của thuốc nhỏ mắt bao gồm cảm giác châm chích thoáng qua khi nhỏ thuốc vào mắt. Hiện tượng này thường kéo dài trong vài giây hoặc vài phút và sau đó sẽ trở lại bình thường. Tuy nhiên, nếu mắt liên tục đỏ, ngứa, sưng tấy hoặc tiết dịch thì có thể bị dị ứng với thuốc nhỏ mắt hoặc chất bảo quản trong thuốc thì nên đến ngay bệnh viện nơi đã kê đơn để được xử trí.
Một số loại thuốc nhỏ mắt có chứa thành phần là corticosteroid làm tăng nhãn áp, nên cần hết sức thận trọng. Tuyệt đối không tự ý mua thuốc nhỏ mắt về dùng và chỉ nên sử dụng thuốc theo đúng chỉ định của bác sĩ.
Ngoài ra, nếu đã được chẩn đoán mắc bệnh tăng nhãn áp hoặc có các yếu tố nguy cơ, cần đi khám mắt định kỳ. Song song với việc dùng thuốc, nên tiêu thụ rau xanh và trái cây có tác dụng chống oxy hóa, đồng thời bỏ hút thuốc và uống rượu. Duy trì việc rèn luyện thể lực nhưng cần tránh nâng tạ nặng hoặc trồng cây chuối vì những động tác này có thể làm tăng áp lực nội nhãn.
Mời xem thêm video được quan tâm:
Mù mắt do đeo kính áp tròng sai cách