1. Dấu hiệu nhận biết cơn đau thắt ngực do thiếu máu cơ tim
Đau thắt ngực do thiếu máu cơ tim có hai dạng là đau thắt ngực ổn định và đau thắt ngực không ổn định.
- Cơn đau thắt ngực ổn định thường kéo dài từ 1 đến 15 phút, sẽ giảm khi bệnh nhân nghỉ ngơi hoặc dùng thuốc nitroglycerin.
- Cơn đau thắt ngực không ổn định thường ít gặp, nhưng cơn đau nhiều và dài hơn. Đau không giảm khi nghỉ và ít đáp ứng với nitroglycerin.
Vị trí cơn đau thắt cực thường sau xương ức. Cơn đau đột ngột khi bệnh nhân gắng sức, stress hoặc sau khi ăn quá nhiều. Bệnh nhân có cảm giác đau tức ngực như bị bóp chặt, đè nén, tức ngực, khó thở... đau sau xương ức hoặc phía bên quả tim. Có trường hợp đau như bị dao đâm, như bị chèn ép ở cổ, bỏng rát ở trước tim. Trong cơn đau, người bệnh bồn chồn, hốt hoảng. Trường hợp không điển hình, cơn đau xuất hiện bên phải, lan xuống vùng thượng vị. Do đó có trường hợp bị nhầm với cơn đau dạ dày cấp.
Cơn đau khỏi rất nhanh, trong khoảng 1-15 phút, bệnh nhân có thể đi lại được bình thường, nhưng nếu bệnh nhân tiếp tục gắng sức thì cơn đau lại tái phát.
2. Vai trò của nitroglycerin với cơn đau thắt ngực
Khi xuất hiện cơn đau thắt ngực, bệnh nhân cần phải ngừng mọi cử động, nghỉ ngơi theo tư thế nửa nằm nửa ngồi. Sau vài phút mà cơn đau không hết, nặng lên thì cần sử dụng nitroglycerin dạng xịt hoặc ngậm dưới lưỡi ngay để cấp cứu rồi đưa bệnh nhân đi bệnh viện.
Nitroglycerin có tác dụng:
- Giãn hệ tĩnh mạch làm cho ứ đọng máu ở ngoại vi và trong các phủ tạng, giảm lượng máu về tim dẫn đến giảm áp lực trong các buồng tim.
- Giãn nhẹ các tiểu động mạch dẫn đến giảm sức cản ngoại vi và áp lực thất trái trong thời gian tâm thu. Từ đó làm giảm nhu cầu oxygen trong cơ tim.
Do đó, đây là thuốc đầu bảng dùng để điều trị cơn đau thắt ngực ở mọi tư thế, cắt cơn đau nhanh chóng.
Ngoài ra thuốc còn dùng để điều trị dự phòng cơn đau thắt ngực, điều trị nhồi máu cơ tim hay điều trị tăng huyết áp hoặc phối hợp với các thuốc khác để điều trị suy tim sung huyết.
Cách sử dụng nitroglycerin để cắt cơn đau thắt ngực
Ngậm dưới lưỡi một viên nitroglycerin hàm lượng 0,5mg. Sau 5 phút nếu còn đau thì ngậm thêm 1 viên cho đến hết cơn đau. Tối đa sử dụng 3 lần/15 phút, nếu không đỡ phải đưa bệnh nhân đi cấp cứu.
Ngoài viên ngậm, có thể sử dụng nitroglycerin dạng xịt lưỡi. Liều 0,4 mg/lần, xịt 1-2 lần vào dưới lưỡi ngậm miệng, không hít. Sau 20 phút không cắt được cơn đau thì phải đưa bệnh nhân đi cấp cứu.
Cách dùng nitroglycerin dự phòng cơn đau thắt ngực
Sử dụng thuốc viên giải phóng chậm dạng uống. Liều lượng sử dụng theo hướng dẫn của bác sĩ hoặc có thể dùng miếng dán da ngực trái hoặc bôi thuốc mỡ ở da vùng ngực, đùi hoặc lưng. Liều dùng do bác sĩ chuyên khoa tim mạch chỉ định.
3. Các lưu ý khi dùng thuốc
Ai không nên dùng nitroglycerin?
Thuốc có thể gây ra tình trạng giãn mạch ngoại vi, làm đỏ bừng da nhất là vùng ngực, mặt, mắt, có thể gây tăng nhãn áp; gây giãn mạch não làm cho bệnh nhân bị nhức đầu, có thể làm tăng áp lực nội sọ; làm hạ huyết áp tư thế đứng; gây tăng tiết dịch vị, làm tăng nhịp tim; nếu sử dụng liều cao kéo dài sẽ gây quen thuốc... Do đó thuốc không được sử dụng cho bệnh nhân sau:
- Bệnh nhân có tiền sử dị ứng với nitroglycerin hoặc dị ứng với bất cứ thành phần nào có trong thức thuốc.
- Người bệnh bị hạ huyết áp (huyết áp tối đa < 100mmHg), trụy tim mạch, nhồi máu cơ tim thất phải.
- Thiếu máu nặng.
- Tăng áp lực nội sọ do chấn thương đầu hoặc xuất huyết não.
- Mắc các bệnh về tim như: hẹp van động mạch chủ, bệnh cơ tim phì đại tắc nghẽn, viêm màng ngoài tim co thắt.
- Bệnh nhân bị tăng nhãn áp.
Lưu ý các tác dụng phụ
Tác dụng phụ có thể gặp của nitroglycerin có thể gặp bao gồm:
- Đau đầu, chóng mặt, buồn nôn
- Tim đập nhanh, hạ huyết áp, ngất xỉu.
- Viêm da dị ứng, da đỏ ửng, dị ứng, mẩn ngứa, da tím tái
- Mất vị giác.
Cách xử trí khi quá liều nitroglycerin
Khi quá liều có thể gây hạ huyết áp nghiêm trọng kèm theo trụy tim mạch. Nếu nặng có thể xuất hiện các triệu chứng như ngất, đau đầu dữ dội, chóng mặt, buồn nôn và nôn, đau quặn bụng, tiêu chảy… Nghiêm trọng hơn là gây rối loạn thị giác, tăng áp lực nội sọ, khó thở, methemoglobin huyết, bại liệt, hôn mê.
Khi gặp phải tình huống này, cần xử trí như sau:
- Đặt bệnh nhân ở tư thế nằm, nâng cao 2 chân. Không nên dùng những thuốc có tác dụng co mạch vì có thể gây hại nhiều hơn.
- Sau đó nếu đang ở nhà thì gọi cấp cứu và đưa bệnh nhân đến cơ sở y tế gần nhất. Người nhà cần miêu tả kỹ về tình huống cũng như các thuốc bệnh nhân đã sử dụng gần đó. Tại cơ sở y tế, bệnh nhân cần được truyền dịch và giữ cho đường thở thông thoáng. Trường hợp mắc methemoglobin huyết phải tiêm dung dịch xanh methylen.
- Rửa dạ dày sớm nếu thuốc được dùng bằng đường uống. Có thể dùng than hoạt trong vòng 1 giờ để giảm khả năng hấp thu của thuốc.
Để dự phòng quá liều nitroglycerin, cần sử dụng liều thấp nhất sau đó tăng từ từ đến liều có hiệu quả điều trị và hạn chế tác dụng phụ. Bệnh nhân cần ngồi hoặc nằm nghỉ sau khi dùng thuốc.
Trường hợp đang dùng liều cao theo hướng dẫn, cũng không nên giảm thuốc đột ngột.
Bên cạnh việc điều trị cấp cứu, bệnh nhân cần đến chuyên khoa tim mạch để được khám và tìm hiểu kỹ nguyên nhân gây nên cơn đau thắt ngực.
Ngoài sử dụng thuốc, người bệnh cần hạn chế các hoạt động gắng sức, kể cả lao động chân tay và trí óc. Tránh các hoạt động đi bộ nhanh, lên dốc, leo cầu thang, đi ngược chiều gió, tránh để lạnh, tránh nơi có gió lùa, không được tắm đêm.
Mặc dù không cần nghỉ ngơi hoàn toàn, nhưng cần có kế hoạch sống điều độ, tuân thủ giờ giấc nghỉ ngơi, tránh làm việc ngay sau bữa ăn. Tập thể dục nhẹ, đi bộ ngắn, chú trọng hơn đến giải trí, nghe nhạc...
Loại bỏ khói thuốc ra khỏi cuộc sống, hạn chế các chất kích thích như rượu, bia, cà phê đặc và nước trà đặc
Không nên ăn những bữa quá thịnh soạn, hạn chế chất có nhiều lipid và cholesterol như mỡ động vật, bơ, lòng đỏ trứng, óc, nội tạng động vật...
Mời độc giả xem thêm video:
Đau thắt ngực có thể là dấu hiệu cảnh báo cơn nhồi máu cơ tim | SKĐS