Cách dùng thuốc an toàn cho trẻ

04-06-2020 14:09 | Thông tin dược học
google news

SKĐS - Khi trẻ bị bệnh, việc phải uống thuốc là một việc khá khó khăn cho cả bố mẹ và trẻ. Vậy làm sao để trẻ uống thuốc an toàn và hiệu quả cũng như hạn chế những tác dụng phụ gây nguy hiểm cho trẻ?

Biết về thuốc đang dùng

Cần hỏi kỹ bác sĩ, dược sĩ hoặc đọc kỹ hướng dẫn sử dụng để hiểu về loại thuốc dùng cho trẻ: Thuốc có tác dụng như thế nào, có chống chỉ định ra sao hoặc những lưu ý cần thiết khi sử dụng thuốc được nhà sản xuất đưa ra, thời điểm uống thuốc lúc bụng đói hay sau ăn... (nếu có).

Uống đúng liều lượng

Trẻ em đa phần được dùng thuốc theo cân nặng. Nên cập nhật cân nặng mới ở mỗi lần khám.

Trẻ em không phải là người lớn thu nhỏ, không nên dùng thuốc của người lớn để dùng cho trẻ, rất khó định liều, thậm chí có thêm các thành phần tá dược khác (cefein) rất nên tránh ở trẻ.

Đảm bảo uống đúng liều để không gây ngộ độc hoặc tăng tác dụng phụ của thuốc. Với dạng thuốc bột pha dung dịch  uống, cần pha đúng lượng nước để trở thành hỗn dịch có nồng độ thuốc chuẩn sẽ giúp lấy đúng liều.

Các thuốc dạng nước, siro, hỗn dịch... cần dùng dụng cụ đo lường chuẩn xác kèm theo. Nếu không có, dùng xi lanh có chia định mức chuẩn, tuyệt đối không áng chừng thuốc bằng dụng cụ cho ăn có thể gây quá liều. Chỉ sử dụng dụng cụ chia giọt đi kèm để định giọt cho uống, không được lấy dụng cụ thuốc này dùng cho thuốc khác sẽ không chính xác liều vì lượng thuốc mỗi giọt khác nhau.

Một số dụng cụ đong thuốc dạng lỏng cho trẻ uống thuốc.

Một số dụng cụ đong thuốc dạng lỏng cho trẻ uống thuốc.

Không tự ý tăng liều thuốc

Tự ý tăng liều thuốc là một sai lầm tai hại. Với đa số bệnh, chỉ định liều thuốc đã được tính toán chuẩn mực cho từng bệnh, cơ địa và chức năng gan thận của bé. Tăng liều thuốc không làm tăng tác dụng, bệnh không khỏi nhanh hơn, nhưng lại làm tăng tác dụng phụ hay độc tính của thuốc.

Một số trẻ có thể chưa hoặc không đáp ứng với thuốc, hãy liên hệ với bác sĩ để tư vấn. Không nên tự ý từ bỏ thuốc và cho trẻ uống theo một đơn mới. Điều này có thể gây “nhờn” thuốc. Ngoài ra, việc cho trẻ uống thêm thuốc khác có cùng tác dụng sẽ vô ý làm tăng liều thuốc, gây nguy hiểm cho bé.

Không tự ý ngừng thuốc

Khi trẻ đã ổn hơn, không được tự ý ngừng thuốc, vẫn tiếp tục cho trẻ uống hết thuốc theo đúng chỉ định. Điều này giúp bệnh được điều trị triệt để tránh tái lại nhanh chóng, tránh việc kháng thuốc gây khó khăn điều trị về sau, nhất là với kháng sinh.

Không dùng đơn thuốc cũ

Không nên để dành thuốc dạng nước, siro hoặc hỗn dịch, nhất là kháng sinh, dùng cho đợt bệnh sau. Không phải đợt bệnh nào cũng giống nhau. Việc dùng đơn cũ chưa chắc có hiệu quả, thậm chí có hại nếu bệnh có chống chỉ định dùng thuốc (không dùng ibuprofen để hạ sốt khi sốt xuất huyết, acetylcystein làm bệnh hen nặng hơn...).

Không dùng thuốc kê cho người khác

Không dùng thuốc đã được kê đơn cho người khác, cho dù đó là người lớn hay trẻ em. Ngay cả khi có cùng một bệnh cũng cần các loại thuốc khác nhau với liều lượng và hướng điều trị khác nhau phù hợp với từng người bệnh cụ thể.

Không dùng thuốc hết hạn

Thuốc hết hạn không hiệu quả mà có thể tác dụng phụ nghiêm trọng. Nếu được bảo quản đúng cách, một số thuốc siro, thuốc nước có thể sử dụng sau khi mở nắp một thời gian. Đối với những thuốc viên hoặc gói thuốc bột khi đã mất vỏ hộp (không biết có còn hạn dùng hay không), tốt nhất nên vứt bỏ.

Chú ý đến  tương tác thuốc

Các thuốc có thể làm mất hoặc tăng tác dụng nếu uống cùng nhau. Do đó, cần thông báo cho bác sĩ các loại thuốc mà trẻ đang dùng, bác sĩ sẽ cân nhắc kê đơn để tránh các tương tác bất lợi khi phải dùng hai loại thuốc trở lên cùng nhau.


BS.Trần Đồng
Ý kiến của bạn