1.Vì sao loét miệng?
Loét miệng là một bệnh lý răng miệng thường gặp ở nhiều người. Loét miệng khiến người bệnh đau đớn và gặp nhiều bất tiện trong ăn uống.
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến loét miệng, thường là: Stress, di truyền, thiếu một số vitamin, khoáng chất (kẽm, folate, sắt, vitamin B12...), thành phần trong kem đánh răng, thực phẩm gây tổn thương khoang miệng (thực phẩm cay nóng, có tính axit...), thay đổi nội tiết tố, hút thuốc lá hoặc bỏ thuốc lá, hệ thống miễn dịch suy yếu, do bệnh lý (HIV/AIDS, bệnh Crohn...)...
Vết loét miệng thường gây đau đớn cho người bệnh.
2. Dùng nước súc miệng trong điều trị loét miệng
BS. Đặng Xuân Thắng (Trường đại học y dược - Đại học Duy Tân Đà Nẵng) cho hay, việc điều trị loét miệng hiện nay chủ yếu là giảm triệu chứng đau, giúp kéo dài thời gian không mắc bệnh và giảm số lần tái phát bệnh
Có thể sử dụng các loại nước súc miệng sau:
2.1 Nước súc miệng chứa chlorhexidine
Trong trường hợp bệnh nhân bị viêm loét miệng thường xuyên, súc miệng bằng dung dịch chlohexidine 0,12% cũng là một biện pháp phòng bệnh có hiệu quả, đồng thời giúp ngăn ngừa bội nhiễm trong quá trình lành vết thương.
Tuy nhiên, nước súc miệng chlorhexidine không thể ngăn chặn tái phát các vết loét miệng. Việc sử dụng nước súc miệng này giúp giảm mức độ nghiêm trọng của vết loét, đồng thời giảm thời gian mắc bệnh.
2.2 Dung dịch tetracycline
Dung dịch tetracycline (achromycin, panmycin, sumycin, tetracap) dùng súc miệng có thể giúp giảm đau và lành loét nhanh chóng. Tuy nhiên, thuốc điều trị loét áp-tơ không giúp ngăn ngừa tái phát. Khi dùng quá 5 ngày, thuốc có thể gây kích ứng và tạo điều kiện cho nấm phát triển.
2.3 Nước muối sinh lý
Bệnh nhân có thể súc miệng bằng nước muối sinh lý 0,9% để làm dịu vết loét, giảm bớt các cơn đau và tình trạng viêm.
Lưu ý, không nên súc miệng với nước muối tự pha, bởi nếu pha quá mặn sẽ tăng kích thích tại vết loét, khiến vết loét đau nhiều hơn. Nên làm ấm lại mỗi khi súc miệng.
Trong trường hợp không thể có được dung dịch nước muối sinh lý pha sẵn, có thể tự pha chế theo công thức sau: Dùng 5g muối sạch hòa tan trong 230ml nước ấm.
Có thể dùng nước muối sinh lý súc miệng nhiều lần trong ngày, mỗi lần từ 15 - 30 giây. Lưu ý, sau khi súc miệng bằng nước muối sinh lý cần súc miệng lại bằng nước lọc.
3. Dùng sao cho hiệu quả?
Việc dùng nước súc miệng tưởng chừng như đơn giản, tuy nhiên cần sử dụng đúng hướng dẫn mới đạt được hiệu quả trong điều trị bệnh. Để dùng nước súc miệng an toàn, hiệu quả, BS. Đặng Xuân Thắng khuyên:
- Cần trao đổi với bác sĩ trước khi dùng nước súc miệng.
- Đọc kỹ hướng dẫn trước khi sử dụng.
- Không nên dùng nước súc miệng quá thường xuyên. Đặc biệt là dùng nước súc miệng chlorhexidine, bởi có thể gây ra hiện tượng răng bị xỉn màu (mặc dù hiện tượng này không kéo dài).
Để tránh đổi màu răng, người bệnh nên đánh răng trước khi súc miệng. Sau đó súc miệng lại bằng nước sạch rồi mới dùng nước súc miệng chlorhexidine, bởi một số thành phần trong kem đánh răng có thể ảnh hưởng đến tác dụng của nước súc miệng. Dùng nước súc miệng này hai lần/ngày, mỗi lần khoảng 10 ml. Người bệnh không tùy tiện dùng nước súc miệng chlorhexidine.
Xem thêm video đang được quan tâm:
Cách phân biệt đơn giản nhất giữa phát ban COVID-19 và đậu mùa khỉ.