Cách đúng khí dung trong điều trị các bệnh tai mũi họng

19-05-2016 07:47 | Bệnh thường gặp
google news

SKĐS - Khí dung là phương pháp đưa thuốc thành dạng hơi hạt phân tử nhỏ vào đường hô hấp. Đây là phương pháp điều trị tại chỗ khá phổ biến và có hiệu quả đáng kể.

Khí dung là phương pháp đưa thuốc thành dạng hơi hạt phân tử nhỏ vào đường hô hấp. Đây là phương pháp điều trị tại chỗ khá phổ biến và có hiệu quả đáng kể.

Điều trị bằng khí dung khá đơn giản: Cho thuốc đã pha cốc đựng, lắp ráp vào máy và bật công tắc! Tuy nhiên chúng ta cần lưu ý:

Thuốc sử dụng cho khí dung

Hay còn gọi là công thức thuốc là khác nhau tuỳ theo bệnh ở mũi, họng, thanh quản hay phế quản phổi

-         Khí dung mũi: Điều trị các bệnh viêm mũi, viêm xoang. Các thuốc thường được dùng gồm thuốc co mạch, kháng viêm, kháng sinh pha trộn với nhau theo tỷ lệ nhất định, tỷ lệ này thay đổi tuỳ theo lứa tuổi, tình trạng bệnh. Điều quan trọng trong khí dung mũi là phải làm sạch mũi trước khi khí dung thì mới có hiệu quả. Khí dung mũi thường từ 5-7 ngày

-         Khí dung trong họng: Điều trị các bệnh viêm họng cấp hoặc mạn tính, các thuốc được dụng là kháng sinh, kháng viêm và giảm đau. Khí dung từ 5-7 ngày

-         Khí dung trong viêm thanh quản: Điều trị các bệnh viêm thanh quản cấp và mạn tính, các thuốc được dùng là kháng sinh và kháng viêm. Khí dung 5-7 ngày

-         Khí dung trong điều trị bệnh đường hô hấp dưới như Viêm phế quản co thắt, Hen phế quản, Tâm phế mãn, COPD. Đặc điểm các bệnh này là có hiện tượng co thắt phế quản. Các thuốc được dùng là kháng viêm và giãn phế quản. Trong trường hợp cấp cứu có thể khí dung lặp lại mỗi 15 – 30 phút. Khi qua giai đoạn cấp cứu khí dung từ 2-3 lần/ ngày và luôn đánh giá lại tình trạng hô hấp để tăng giảm số lần khí dung và điều chỉnh sử dụng các thuốc toàn thân phối hợp.

Thời gian khí dung:

Mỗi đợt khí dung thông thường từ 5-7 ngày, khí dung mũi họng thường 1-2 lần/ ngày. Với điều trị chống co thắt phế quản cần tăng số lần khí dung cho đến khi thấy cải thiện tình trạng khò khè khó thở.

Vệ sinh máy móc:


Vệ sinh máy móc khí dung không tốt sẽ dẫn đến tình trạng máy bẩn, nhiễm vi khuẩn hoặc nhiễm nấm, khi đó khi sử dụng sẽ làm tăng nguy cơ bội nhiễm cho người dùng, và có thể là nguồn lây nhiễm từ người này sang người khác khi dùng chung máy. Để tránh tình trạng này, cần vệ sinh máy đúng quy trình sau mỗi lần sử dụng: Tháo rời dây khí dung, cốc khí dung và vòi khí dung rửa sạch bằng nước xà phòng, phơi khô hoặc nhúng vào nước sôi nếu các cốc nhựa chịu được nhiệt. Nếu các phần nhựa không chịu được nhiệt thì phải làm sạch bằng cồn 90 độ. Phơi khô trước khi sử dụng cho lần sau. Nếu có thể, cốc và vòi khí dung nên dùng riêng cho mỗi người 1 bộ không nên dùng lại của nhau tránh lây chéo.

Tuy nhiên, việc dùng khí dung điều trị các bệnh tai mũi họng cần được các bác sĩ chuyên khoa hướng dẫn và giám sát chặt chẽ. Không được tự ý dùng khi chưa có chỉ định của thầy thuốc để tránh những hậu quả đáng tiếc có thể xảy ra.


ThS. Lê Đình Hưng
Ý kiến của bạn