(SKDS) - Kali iodid là loại thuốc trị cường giáp (tên khoa học là potassium iodide), hiện có các dạng như dung dịch uống, siro, viên nén, viên bao tan trong ruột… Ở người bệnh cường giáp, kali iodid làm giảm nhanh các triệu chứng bằng cách ức chế giải phóng hormon giáp vào tuần hoàn.
![]() Khi sử dụng thuốc, người bệnh cần được thầy thuốc tư vấn. |
Nếu uống trước và sau khi dùng các đồng vị iod phóng xạ, kali iodid bảo vệ được tuyến giáp bằng cách ngăn cản thu nạp đồng vị phóng xạ. Nếu dùng kali iodid đồng thời với tiếp xúc phóng xạ, tác dụng bảo vệ xấp xỉ 97%. Nếu dùng kali iodid 12 và 24 giờ trước khi tiếp xúc phóng xạ thì tác dụng bảo vệ tương ứng là 90% và 70%. Tuy nhiên, nếu dùng kali iodid 1 và 3 giờ sau khi tiếp xúc phóng xạ thì tác dụng bảo vệ tương ứng là 85% và 50%. Nếu uống sau 6 giờ thì tác dụng bảo vệ không đáng kể.
Tác dụng của kali iodid trên chức năng tuyến giáp thường xuất hiện trong vòng 24 giờ và đạt tối đa sau 10 - 15 ngày điều trị liên tục. Tuy nhiên thuốc không kiểm soát được hoàn toàn các biểu hiện của chứng cường giáp và tác dụng của thuốc giảm đi sau một thời gian.
Không dùng thuốc cho người có tiền sử mẫn cảm với kali iodid; người đang bị viêm phế quản cấp. Sử dụng kali iodid thời gian ngắn với liều thấp, thường ít gây tác dụng không mong muốn, nhưng khi điều trị dài ngày, độc tính của kali iodid có thể xảy ra. Thường gặp như tiêu chảy, buồn nôn, nôn, đau dạ dày. Ngoài ra, có thể nổi mày đay. Khi dùng kéo dài có thể thấy đau đầu nặng (nhưng hiếm gặp), tăng tiết nước bọt, nóng bỏng miệng, vị kim loại, đau răng lợi, lở loét da… Khi tác dụng không mong muốn xảy ra, cần ngừng điều trị.
![]() |
Dược sĩ Hoàng Thu Thủy