Hà thủ ô bao gồm 2 loại: Sinh hà thủ ô (hà thủ ô sống) và hà thủ ô chế (hà thủ ô đã qua chế biến)
- Sinh hà thủ ô là rễ củ của cây hà thủ ô đã thái lát, phơi khô.
- Hà thủ ô chế là củ rễ thái lát đã qua chế biến.
1. Chế biến hà thủ ô như thế nào?
Chế biến hà thủ ô rất cầu kỳ, tốn nhiều thời gian, công sức và nguyên liệu.
Cách chế biến cụ thể như sau:
- Ngâm củ hà thủ ô trong nước gạo 1 ngày 1 đêm, rửa sạch, thái lát, bỏ lõi, hong khô, sau đó đem chế biến cùng với đậu đen.
- Cho hà thủ ô và đậu đen vào nồi hoặc lồng hấp, trộn đều (mỗi 1 kg hà thủ ô cần dùng 100g đậu đen. Đặc biệt chú ý không sử dụng đồ nấu bằng sắt), đổ ngập nước trên mặt thuốc khoảng 3-5 cm. Đun sôi, nấu nhỏ lửa cho đến khi đậu đen chín nhừ, đảo luôn tay cho chín đều.
Nếu nấu trực tiếp, nên đặt thêm một cái vỉ ở đáy nồi, để khỏi bị cháy khét.
- Vớt hà thủ ô ra, phơi hoặc sấy cho khô, nếu còn nước đậu đen thì tẩm - phơi, cho đến khi nước đậu đen ngấm hết vào hà thủ ô mới thôi. Lại "nấu - tẩm - phơi" như trên, tất cả 9 lần (gọi là "cửu chưng cửu sái") sẽ được thứ hà thủ ô chế bảo đảm chất lượng.
Để tiết kiệm thời gian, bạn có thể nấu hà thủ ô với đậu đen theo cách trên trong nồi áp suất. Kết quả thực nghiệm cho thấy, để khử hết chất độc trong hà thủ ô sống, cần nấu sôi ở 100 độ C trên 32 giờ; còn với nồi áp suất, nấu ở nhiệt độ 120 độ C thì chỉ cần nấu 6 giờ là được.
2. Độc tính của hà thủ ô
Độc tính của hà thủ ô có liên quan mật thiết đến việc bào chế vì hà thủ ô sống có một số chất độc.
Trong hà thủ ô sống có những hợp chất chứa anthraquinone - kích thích nhu động ruột, thông đại tiện và gây tiêu chảy. Vì vậy, người khỏe mạnh bình thường, uống hà thủ ô sống, thường dễ bị đau bụng, rối loạn tiêu hóa, tiêu chảy.
Một số khác, uống hà thủ ô vào thấy ngủ li bì, có thể là vì do cơ địa (người thuộc tạng dương hư) hoặc do trong hà thủ ô còn một số chất gây say chưa phân giải... Sau khi chế biến, các hợp chất gây tiêu chảy đã bị phân giải, độ độc của thuốc giảm đi nhiều. Mặt khác, trong quá trình chế biến, lại hình thành thêm một số hợp chất mới, ít độc và có lợi đối với cơ thể.
Cần lưu ý hà thủ ô sống nói chung chỉ sử dụng để chữa táo bón, ung nhọt và sốt rét và thường phối hợp với một số vị thuốc khác tùy theo bệnh tình. Còn hầu hết các trường hợp khác, như dùng để bồi bổ, làm đen tóc, chữa cao huyết áp, cơ thể suy nhược... đều dùng hà thủ ô chế.
Tùy theo mục đích chữa bệnh mà người ta lại sử dụng những phương pháp bào chế khác nhau, như nấu hoặc hấp chín cùng với nước đỗ đen; tẩm nước ép củ sinh địa, tẩm rượu, tẩm nước gừng, nước cam thảo khô... Đối với trường hợp sử dụng hà thủ ô để tăng cường sức khỏe, chữa tóc bạc sớm... thường sử dụng hà thủ ô chế với đậu đen.
3. Sử dụng hà thủ ô cần phải kiêng gì?
Theo tài liệu cổ, khi uống hà thủ ô cần kiêng kỵ "3 thứ màu trắng" (tam bạch): Đó là hành củ, tỏi và củ cải trắng. Ngoài ra, còn phải kiêng cả ớt và hồ tiêu, vì đó đều là những thứ cay nóng, có tính phát tán, làm hao tổn tinh huyết.
Hiện nay, một số người sử dụng hà thủ ô không thấy khỏe ra và tóc bạc không thấy đen lại. Một trong những lý do là không biết hoặc là không tuân theo những kinh nghiệm của người xưa về việc kiêng kỵ.
Như vậy có thể thấy, hà thủ ô là thứ thuốc quý nhưng sử dụng lại rất cầu kỳ: Cần bào chế theo đúng phương pháp, phải kiêng kỵ, và quan trọng hơn cả là sử dụng đúng người đúng bệnh. Vì vậy, chỉ nên sử dụng hà thủ ô dưới sự tư vấn của các nhà chuyên môn.
Mời bạn xem thêm video:
Đau cổ vai gáy: Nguyên nhân, điều trị và đề phòng như thế nào? | SKĐS