1. Nguyên nhân gây đau lưng mỏi gối
Đông y cho rằng, khí huyết là nguồn gốc hoạt động sự sống của cơ thể người. Huyết lưu thông trong mạch, khí lưu thông ngoài mạch. Trong quá trình vận hành của khí huyết ảnh hưởng của nhiều yếu tố, như ngoại cảm lục dâm, thất tình nội thương, rối loạn chức năng tạng phủ và tổn thương do té ngã... đều có thể làm quá trình vận hành của khí huyết diễn ra thất thường.
Nếu huyết lưu thông chậm hoặc ứ trệ, tức kinh lạc tạng phủ và tứ chi xương cốt mất tư dưỡng, từ đó xuất hiện các triệu chứng tê đau và chi thể yếu...
Nếu huyết ứ lâu ngày không khỏi, có thể ảnh hưởng đến quá trình sinh trưởng của máu mới, từ đó chức năng của các cơ quan tạng phủ suy giảm mà sinh ra bệnh...
2. Công dụng của vị thuốc câu kỷ tử
Quả kỷ tử chữa lưng gối yếu mỏi.
Câu kỷ tử, tên khác là kỷ tử, khởi tử. Vị thuốc là quả chín phơi hoặc sấy khô của cây câu kỷ tử. Tên khoa học là Lycium sinense Mill., thuộc họ Cà.
Câu kỷ tử có thể mọc ở nhiều vùng khí hậu khác nhau, được trồng ở khắp các tỉnh phía Bắc có thể trồng bằng hạt hay cành. Nếu dâm cành, sau 1 năm có thể bắt đầu thu hoạch quả.
Theo Đông y, câu kỷ tử vị ngọt, tính bình, có tác dụng tư bổ can thận, nhuận phế, minh mục (sáng mắt); thường dùng để chữa can thận âm suy, lưng gối yếu mỏi, đầu choáng mắt hoa, ho khan, mắt nhìn không rõ, di tinh, vô sinh... Ngoài quả chín, lá và rễ của cây câu kỷ tử cũng có thể sử dụng làm thuốc.
Kết quả nghiên cứu hiện đại cho thấy, câu kỷ tử có tác dụng tăng cường miễn dịch, xúc tiến quá trình tạo máu, giảm mỡ máu, chống tích đọng mỡ ở tế bào gan, chống ô-xy hóa và kiềm chế quá trình lão suy
3. Món ăn bài thuốc từ câu kỷ tử hỗ trợ giảm đau lựng mỏi gối
Ngoài cách sử dụng câu kỷ tử phối hợp với một số vị thuốc khác trong phòng chữa bệnh, còn có thể sử dụng câu kỷ tử trong chế biến một số món ăn bài thuốc hỗ trợ điều trị đau lưng mỏi gối như sau:
3.1 Rượu kỷ tử
Thành phần: Câu kỷ tử 120g, rượu (35-40 độ) 1000ml; kỷ tử rửa sạch, cho vào bình rượu, ngâm trong 7-14 ngày, rồi lọc lấy rượu; ngày uống 2 lần (sáng -tối), mỗi lần 15-20ml.
Công dụng: Bổ huyết, thính tai, sáng mắt, kiềm chế lão suy; dùng cho người đau lưng, mỏi gối, hoa mắt, chóng mặt, thị lực kém, mất ngủ.
Vị thuốc kỷ tử được đưa vào sử dụng
3.2 Câu kỷ tử dương thận
Thành phần: Câu kỷ tử 60g, gạo tẻ 150g, cật dê 1đôi,
Cách làm: Cật dê rửa sạch, bỏ màng gân, thái miếng, cho vào với câu kỷ tử và gạo tẻ, cho nước vừa phải, đun nhỏ lửa ninh nhừ thành cháo, chia bữa ra mà ăn, trước khi ăn có thể cho hành, gừng, muối, gia vị. Ăn thường xuyên.
Công dụng: Dùng để chữa các bệnh thận hư hoặc lưng đau gối mỏi do tuổi cao, đau gót, đau chân...
3.3 Câu kỷ tử dương não
Thành phần: Câu kỷ tử 50g, óc dê 1 bộ.
Cách làm: Óc dê rửa sạch, bỏ chung với câu kỷ tử vào liễn sứ, cho óc dê nước vừa phải, gia thêm hành, gừng, rượu, gia vị vừa đủ, hầm cách thủy cho chín..
Công dụng: Dùng để chữa gan thận bị hư tổn, tinh huyết thiếu dẫn tới các chứng đau lưng mỏi gối, phiền nhiệt đau đầu, ù tai.
3.4 Câu kỷ kê ( kỷ tử hấp gà)
Thành phần: Câu kỷ tử 30g, gà mái 1 con.
Cách làm: Gà làm sạch sẽ, chần nước sôi cho thấu, vớt ra để ráo nước, cho câu kỷ tử vào trong bụng gà, bỏ vào vỉ hấp (quay bụng gà lên trên), gia thêm gừng tươi, rượu, gia vị, hạt tiêu vừa đủ, hấp chín. Uống thang, ăn thịt gà.
Công dụng: Bổ can thận. Dùng cho người đầu váng, mắt hoa, ngủ mơ, hay quên, lưng đau gối mỏi, di tinh ...
3.5. Câu kỷ chưng đản (kỷ tử hấp trứng)
Thành phần: Câu kỷ tử 15g, trứng gà tươi 2 quả.
Cách làm: Đập trứng gà vào bát đánh tan. Câu kỷ tử ngâm nước sôi cho nở, đổ trứng vào cùng kỷ tử, gia vị vừa đủ, hấp trong nước sôi to lửa khoảng 10-15 phút cho chín.
Công dụng: Dùng cho người huyết hư, nhìn mọi vật bị nhoè, mệt mỏi khi lao động, đau lưng mỏi gối, chóng mặt, đau đầu.
Mời bạn xem thêm video:
4 cách đơn giản giúp bạn phòng tránh bệnh ung thư