Cách dùng: Sau khi làm sạch và loại bỏ các mô hoại tử ở vết thương, dùng tay đi găng vô khuẩn, bôi một lớp kem dày 1 - 3mm vào diện tích bị bỏng (hoặc vết thương), ngày 1 hoặc 2 lần. Cần chú ý bôi kem vào tất cả các khe kẽ, các chỗ nứt nẻ hoặc sùi trên vết bỏng (vết thương). Băng kín hoặc đặt gạc có mặt vải mịn, rồi quấn băng lại để thuốc tiếp xúc với vết thương.
Vi khuẩn Pseudomonas, một trong nhiều nguyên nhân gây ra viêm nhiễm
Hàng ngày rửa bằng nước vô trùng và loại bỏ các mô hoại tử, đặc biệt là ở người bệnh bị bỏng độ 3. Tiếp tục điều trị cho đến khi vết thương lành hoặc cho đến khi các vết bỏng đã có thể ghép da được.
Cần thận trọng khi dùng thuốc cho người có tổn thương gan, thận, người có tiền sử mẫn cảm với sulfonamid và những người thiếu hụt enzym glucose - 6 - phosphat dehydrogenase.
Không dùng thuốc cho phụ nữ gần đến ngày đẻ, trẻ đẻ non hoặc trẻ sơ sinh trong vài tháng đầu, phụ nữ cho con bú (vì thuốc có nguy cơ bệnh vàng da nhân, sinh quái thai); Người mẫn cảm với bạc sulfadiazin hoặc các thành phần khác của thuốc.
Cấu trúc phân tử bạc sulfadiazin
Khi dùng thuốc có thể xảy ra một số triệu chứng như: Buồn nôn, nôn, tiêu chảy, viêm lưỡi, ngứa hay giảm bạch cầu. Đây là một số tác dụng phụ của thuốc, cần thông báo cho bác sĩ, hoặc dược sĩ biết để có lời khuyên thích hợp. Giảm bạch cầu có liên quan đến liều dùng và thường biểu hiện sau khi bắt đầu điều trị 2 - 3 ngày. Thường không cần phải ngừng thuốc, mặc dù vẫn cần theo dõi cẩn thận công thức máu để đảm bảo bạch cầu sẽ trở lại bình thường sau vài ngày.
Khi dùng thuốc cần bảo quản ở nhiệt độ dưới 25oC và tránh ánh sáng. Các typ thuốc 20g, 50g hoặc 100g nếu chỉ dùng cho 1 người, sau khi mở ra dùng được trong 7 ngày, nếu còn cũng phải vứt bỏ. Các lọ thuốc để dùng chung, sau khi mở ra chỉ dùng trong 24 giờ.