Cây sắn thuyền. Ảnh: TL |
Sắn thuyền còn có tên khác là sắn xàm thuyền, là cây nhỡ, thân thẳng đứng, có thể cao tới 15m. Cành mảnh và dài. Lá mọc đối từng đôi, phiến lá hình bầu dục. Hoa mọc thành chùm ở nách lá. Quả xếp từng chùm, khi chín có màu tím đỏ, có vị ngọt, chát chát.
Cây mọc hoang và được trồng khắp nơi ở nước ta, lấy lá non và quả ăn, lấy vỏ để xàm thuyền và phối hợp với củ nâu để nhuộm lưới. Bộ phận dùng làm thuốc là lá và vỏ cây. Theo y học cổ truyền, sắn thuyền có vị đắng chát, tính mát; có tác dụng thu sáp, kháng khuẩn, tiêu viêm, làm lành vết thương.
Điều trị vết thương phần mềm, chống nhiễm trùng: Sau khi rửa sạch vết thương lấy lá sắn thuyền tươi, bỏ cọng, rửa sạch, giã nhỏ đắp lên vết thương, băng lại. Hai ngày thay băng một lần. Hoặc lấy lá sắn thuyền, bỏ cọng, phơi khô, giã nhỏ, rây mịn, khi dùng rắc lên vết thương, không phải băng. Về mùa hè dùng dạng bột tốt hơn vì rắc được khắp kẽ vết thương; vết thương không băng kín nên thoáng, chóng lành.
Chữa tiêu chảy: Lá sắn thuyền 50g, hoa chuối tiêu 1 cái, nam mộc hương 100g, sắn dây 150g, hạt dành dành 100g. Mộc hương đem tán sống, sắn dây, sắn thuyền sao giòn tán bột. Hoa chuối tiêu thái mỏng phơi khô, để một đêm phơi sương, sao giòn, tán bột. Lấy các thứ bột trộn lại, rây mịn. Người lớn cho dùng 100g/ngày chia làm 2 lần uống. Trẻ em tùy tuổi từ 50g/ngày chia 2 lần uống
Chữa bạch đới: Vỏ sắn thuyền 30g, búp ổi 30g, rễ cỏ tranh 30g. Sắc uống ngày 1 thang chia 3 lần, uống 5 - 7 ngày.