Cách đơn giản phòng bệnh tay-chân-miệng

02-11-2015 14:00 | Y học 360
google news

SKĐS - Các bệnh lây qua đường tiêu hóa như tay-chân-miệng hoàn toàn có thể chủ động phòng tránh được bằng cách vệ sinh tay, vệ sinh an toàn thực phẩm...

Các bệnh lây qua đường tiêu hóa như tay-chân-miệng hoàn toàn có thể chủ động phòng tránh được bằng cách vệ sinh tay, vệ sinh an toàn thực phẩm...  là lời khuyên của các chuyên gia trong Chương trình Tư vấn truyền hình trực tiếp “Cách đơn giản phòng bệnh tay-chân-miệng” diễn ra chiều 30/10 do báo Sức khỏe & Đời sống tổ chức.

Chương trình có sự tham gia tư vấn của các chuyên gia: TS. Từ Ngữ - Tổng thư ký Hội Dinh dưỡng Việt Nam; ThS. Bác sĩ nội trú Nguyễn Quốc Thái - Phòng cấp cứu, Khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Bạch Mai, với sự tài trợ của nhãn hàng Lifebuoy.

Cách đơn giản phòng bệnh  tay-chân-miệng
Các chuyên gia tại buổi tư vấn.

Theo thống kê của ngành y tế từ đầu năm tới nay, trên cả nước có hơn 40 nghìn ca mắc bệnh tay-chân-miệng, bệnh có chiều hướng gia tăng ở các tỉnh phía Nam. Trong khi đó, tại miền Bắc, số ca mắc bệnh đã xuất hiện rải rác trong cộng đồng, riêng trong tháng 9 và tháng 10, số ca mắc bệnh tăng hơn so với các tháng trước. Tay-chân-miệng là một bệnh truyền nhiễm cấp tính, dễ lây lan do tiếp xúc, qua đường tiêu hóa, thường gặp ở trẻ dưới 5 tuổi. Tuy nhiên, gần đây đã xuất hiện các ca bệnh là người lớn, thậm chí ở người cao tuổi. Hiện chưa có vắc-xin phòng bệnh và chưa có thuốc điều trị đặc hiệu bệnh tay-chân-miệng, nên phòng bệnh là biện pháp tối ưu.

Tại buổi tư vấn, các chuyên gia đã lần lượt giải đáp những câu hỏi của bạn đọc liên quan đến các vấn đề như: Bệnh tay-chân-miệng thường lây truyền qua những đường nào? Làm thế nào để bảo vệ trẻ khỏi nguy cơ nhiễm bệnh? Vai trò của các loại thực phẩm đối với việc lây truyền cũng như phòng ngừa các bệnh truyền nhiễm?...

Giải đáp những vấn đề liên quan đến đường lây truyền, biểu hiện của bệnh cũng như các biện pháp phòng và điều trị bệnh, ThS. Bác sĩ nội trú Nguyễn Quốc Thái nhấn mạnh: Tay-chân-miệng là bệnh lây qua đường tiêu hóa, do tiếp xúc, hoàn toàn có thể chủ động phòng tránh được bằng cách vệ sinh tay, vệ sinh an toàn thực phẩm và đến cơ sở y tế khi có những biểu hiện đầu tiên để được khám, tư vấn và theo dõi kịp thời.

Để bảo vệ trẻ nhỏ khỏi nguy cơ nhiễm bệnh này, BS. Nguyễn Quốc Thái cho rằng, để các cháu nhỏ tuân thủ nghiêm các quy định vệ sinh là rất khó. Trẻ trong nhà trẻ đưa vật dụng (đồ chơi) chứa mầm bệnh vào mồm, làm lây bệnh. Vấn đề vệ sinh sau khi đi ngoài chưa tốt, lây lan vào các vật dụng và lây cho người khác. Ngoài ra cũng có thể do ăn uống, do mầm bệnh còn tồn dư trên thực phẩm. Vì vậy nhà trường và gia đình cần kết hợp để tạo cho các cháu thói quen rửa tay bằng xà phòng diệt khuẩn  phòng tránh các bệnh lây truyền qua đường tiêu hóa như bệnh tay-chân-miệng.

BS. Thái nhấn mạnh, bệnh tay-chân-miệng không chừa một ai, kể cả người lớn. Tuy nhiên, nếu đã từng bị, cơ thể sẽ thu được một chút miễn dịch, nên nguy cơ bị tay-chân-miệng ở người lớn rất thấp nhưng vẫn có thể xảy ra. Biểu hiện cũng là sốt, xuất hiện mụn nước ở gan bàn tay, bàn chân, khoang miệng. Bệnh có khả năng tự khỏi nếu không có biến chứng. Cần tìm những dấu hiệu xuất hiện biến chứng như sốt cao, nôn nhiều, co giật, đi loạng choạng, Khi đó người bệnh cần đến ngay cơ sở y tế để được khám.

Trả lời câu hỏi của bạn đọc về việc liệu thực phẩm, đồ ăn độc hại có phải là một trong những nguyên nhân khiến con người ngày càng dễ mắc các bệnh truyền nhiễm ngoài tầm kiểm soát như thế không? TS. Từ Ngữ khẳng định: Trong vấn đề thực phẩm hiện nay đang tồn tại rất nhiều vấn đề như kháng sinh, tồn dư hóa chất trong thực phẩm... Hiện nay, ngoài vấn đề biến đổi khí hậu môi trường chung thì vấn đề thực phẩm chưa lành cũng ảnh hưởng đến sức đề kháng của cơ thể. Trong khi đó, con người hiện nay lại dường như ít rèn luyện, sức đề kháng kém hơn thì rất dễ nhiễm bệnh. Do đó vấn đề vệ sinh nói chung, an toàn thực phẩm nói riêng là một trong những nguyên nhân ảnh hưởng rất nhiều đến sức đề kháng của cơ thể, khiến con người mắc các bệnh truyền nhiễm ngoài tầm kiểm soát...

Về chế độ dinh dưỡng hằng ngày, để tăng sức đề kháng chống lại bệnh tật, TS. Từ Ngữ khuyên cần có chế độ ăn uống đều đặn, đủ bữa. Đối với trẻ em, nếu trẻ ăn ít trong mỗi bữa ăn thì các bậc phụ huynh cũng không nên quá lo lắng, chỉ cần bổ sung thêm bữa ăn cho trẻ bù lại sau đó. Cần cung cấp thực phẩm dồi dào nâng cao thể trạng cho trẻ như: sữa, vitamin, kẽm... 

Hạ Hiền

 

Cách đơn giản phòng bệnh  tay-chân-miệng

 


Ý kiến của bạn