Cách đơn giản giúp giảm nguy cơ cục máu đông

SKĐS – Cục máu đông làm tăng nguy cơ đau tim, đột quỵ nguy hiểm tính mạng. Những thực phẩm làm giảm viêm trong cơ thể, có thể là chìa khóa để giảm nguy cơ hình thành cục máu đông.

1. Cục máu đông nguy hiểm thế nào?

Đông máu là một chức năng cần thiết của cơ thể, để ngăn chảy máu quá nhiều, thúc đẩy quá trình lành vết thương và giảm nguy cơ nhiễm trùng. Tuy nhiên, các cục máu đông không tự tan một cách tự nhiên là mối nguy hiểm tiềm tàng cho sức khỏe.

Điều này là do cục máu đông có thể tách ra và di chuyển đến các cơ quan quan trọng trong cơ thể, ngăn chặn nguồn cung cấp máu tới các cơ quan này. Trong một số trường hợp, chúng có thể gây ra các cơn đau tim, đột quỵ và thuyên tắc phổi… đây là những trường hợp khẩn cấp đe dọa đến tính mạng.

photo-1694246646462

Cục máu đông làm tăng nguy cơ bị đau tim, đột quỵ…

Một số tình trạng làm tăng nguy cơ phát triển cục máu đông đe dọa tính mạng, chẳng hạn như tỷ lệ cholesterol "xấu" cao hơn cholesterol "tốt". Nồng độ chất béo trung tính cao (một loại chất béo có trong máu) cũng làm tăng nguy cơ hình thành cục máu đông.

Mức cholesterol xấu cao hơn bình thường sẽ gây xơ vữa động mạch hoặc tích tụ mảng bám bên trong thành động mạch, làm thu hẹp các mạch máu, khiến lưu lượng máu chậm lại, làm tăng nguy cơ phát triển cục máu đông.

Thuốc làm loãng máu và chống đông máu thường được kê đơn để ngăn ngừa cục máu đông cho những người có nguy cơ. Ngoài thuốc, một số thực phẩm cũng có lợi trong việc ngăn ngừa sự phát triển của cục máu đông.

2. Làm thế nào thực phẩm có thể ngăn ngừa cục máu đông?

Một chế độ ăn uống cân bằng và bổ dưỡng có chứa nhiều loại chất phytochemical, là bước đầu tiên hướng tới việc thúc đẩy tuần hoàn và lưu lượng máu trong động mạch và tĩnh mạch.

Chất phytochemical là hợp chất hoạt động sinh lý được tìm thấy trong nhiều loại thực vật. Mặc dù thường không được coi là chất dinh dưỡng thiết yếu nhưng chúng đã cho thấy lợi ích trong việc giảm nguy cơ mắc bệnh tim và ung thư.

Thực phẩm có chứa flavonoid và phenol có lợi trong việc ngăn ngừa cục máu đông. Flavonoid làm giảm sự tích tụ mảng bám trong động mạch, cải thiện mức cholesterol, hoạt động như chất chống oxy hóa và giảm viêm.

Một trong những yếu tố rủi ro có thể làm tăng nguy cơ phát triển cục máu đông là viêm. Viêm nhiễm làm giảm hoạt động của các cơ chế chống đông máu tự nhiên. Do đó, các loại thực phẩm giúp giảm viêm nên được ưu tiên hàng đầu trong chế độ ăn uống hằng ngày.
photo-1694246647875

Trái cây chứa flavonoid, có thể giúp ngăn ngừa cục máu đông.

Thực phẩm và đồ uống có chứa flavonoid và phenol bao gồm:

  • Trái cây (nho, anh đào, táo, mận, lê, cam quýt)…
  • Các loại ngũ cốc nguyên hạt (diêm mạch, mì ống nguyên chất, bánh mì nguyên hạt, yến mạch nguyên hạt hoặc bột yến mạch, gạo lứt hoặc gạo nguyên cám…).
  • Trà đen hoặc xanh
  • Quả hạch…

Phytoestrogen trong các loại đậu và sản phẩm từ đậu nành, bảo vệ chống lại bệnh tim bằng cách giảm mức cholesterol xấu và tăng mức cholesterol tốt. Các hợp chất lưu huỳnh hữu cơ trong tỏi tây, hành và tỏi bảo vệ tim, vì chúng làm giảm sản xuất cholesterol trong gan.

Hydrat hóa cũng là một thành phần thiết yếu giúp cho mọi sự lưu thông trong cơ thể diễn ra trơn tru. Mất nước khiến máu đặc lại, làm tăng nguy cơ tuần hoàn kém và hình thành cục máu đông. Do đó cần đảm bảo cung cấp nước đầy đủ cho cơ thể.

Trao đổi với bác sĩ hoặc chuyên gia dinh dưỡng để đảm bảo rằng chế độ ăn uống của bạn giúp bảo vệ sức khỏe và tránh gây hại cho cơ thể.

Bên cạnh đó, thừa cân béo phì cũng là một yếu tố nguy cơ của cục máu đông. Vì vậy, tuân theo chế độ ăn kiêng khuyến khích giảm cân và giảm chỉ số BMI có thể giúp giảm nguy cơ này.

Ngoài ra, một số yếu tố nguy cơ khác có thể làm tăng nguy cơ đông máu của một người bao gồm lười vận động, mang thai, một số loại thuốc (thuốc tránh thai) hoặc di truyền… Vì vậy, điều quan trọng là, ngoài chế độ ăn uống cần tập luyện thường xuyên, lưu ý tới một số thuốc điều trị… để có thể phòng ngừa, giảm thiểu nguy cơ đông máu, hay các cục máu đông.

Theo Cơ quan Dịch vụ y tế quốc gia Anh (NHS), các triệu chứng của cục máu đông có thể bao gồm:

  • Đau nhói hoặc chuột rút, sưng, đỏ và nóng ở chân hoặc cánh tay
  • Khó thở đột ngột, đau nhói ở ngực (có thể nặng hơn khi hít vào)
  • Ho hoặc ho ra máu…

Nếu gặp bất kỳ triệu chứng nào trong số này, người bệnh cần đi cấp cứu kịp thời.

Mời độc giả xem thêm:

Biến chứng ít biết của các cục máu đông Biến chứng ít biết của các cục máu đông

SKĐS- Các cục máu đông giúp cầm máu nhanh chóng khi cơ thể chẳng may bị thương hoặc chảy máu. Tuy nhiên, trong một số trường hợp khi những cục máu đông hình thành bất thường có thể gây đau tim, đột quỵ thậm chí tử vong nếu không được điều trị kịp thời.


Bích Ngọc
(Theo EP, ABA)
Ý kiến của bạn