Cách đơn giản để trẻ không mắc bệnh tay chân miệng đầu năm mới

03-02-2017 09:48 | Đời sống
google news

SKĐS - Thông tin một bé trai 19 tháng tuổi ở Trà Vinh tử vong do bệnh tay chân miệng (TCM) ngay trong đầu năm mới khiến nhiều cha mẹ lo lắng. Theo các chuyên gia, thời điểm từ tháng 3 đến tháng 5 hàng năm là lúc dịch TCM có xu hướng tăng cao.

Bệnh nặng dễ tử vong hoặc có di chứng thần kinh

Theo GS.TS. Phạm Nhật An, Nguyên Phó Giám đốc BV Nhi Trung ương, TCM là bệnh thường gặp ở trẻ nhỏ dưới 5 tuổi, đặc biệt ở trẻ dưới 3 tuổi, trẻ càng nhỏ càng dễ bị nặng hơn. Mặc dù tỉ lệ mắc bệnh thường là nhẹ và biến chứng không nhiều, nhưng nếu ở thể nặng, biến chứng, có thể gây tử vong và để lại di chứng nặng, nhất là di chứng thần kinh.

GS.TS Phạm Nhật AnGS.TS Phạm Nhật An

 

Đây là bệnh lây lan, nên cần phải phòng ngừa, nếu để xảy ra dịch sẽ rất khó khống chế. Nếu tỉ lệ mắc tăng lên, thì tỉ lệ bệnh nặng và biến chứng cũng sẽ tăng lên, và cũng có thể dẫn đến tử vong.

“Để nhận biết bệnh TCM - thì đúng như tên gọi của nó, bệnh thường có biểu hiện ban đỏ, mụn phỏng ở tay, chân và miệng. Đầu tiên, xuất hiện các ban đỏ, sau đó các ban đỏ có thể biến thể thành các mụn phỏng ở da, tập trung ở vùng tay, vùng mông, và lòng bàn chân, lòng bàn tay. Thứ hai, trong miệng xuất hiện các nốt đỏ, sau đó có thể loét và có thể lan ra cả môi, cả lợi. Đó là thể điển hình. Thể không điển hình có thể không xuất hiện cả 3 nơi.

Bệnh TCM có thể kèm theo sốt nhẹ, đứa trẻ kém ăn một chút, một vài trường hợp có triệu chứng đau họng, tiêu chảy nhẹ. Thể nặng có thể sốt cao, giật mình, nôn, bỏ bú, có trường hợp nặng có thể khó thở, suy hô hấp”- GS. An cho biết.

bệnh tay chân miệngBệnh TCM thường có biểu hiện ban đỏ, mụn phỏng ở tay, chân và miệng. Ảnh minh họa.

 

Với những trẻ bị thể TCM loại nhẹ, độ 1, sau khi được bác sĩ thăm khám, hoàn toàn có thể điều trị tại nhà. Biện pháp điều trị cơ bản là dùng dung dịch sát khuẩn ở miệng, dùng gel đánh vào miệng để giữ vệ sinh hoặc giảm đau trước khi ăn 30 phút. Ở da giữ cho nốt phỏng không nên vỡ, để tránh nguy cơ nhiễm khuẩn. Có thể tắm cho trẻ được, nhưng tránh làm vỡ mụn phỏng, nên dùng dung dịch sát khuẩn bôi thường xuyên.

Khi trẻ sốt, phải cho thuốc hạ sốt sớm. Ở nhiệt độ 38 độ C, có thể cho uống thuốc hạ nhiệt. Cho uống đầy đủ nước dung dịch điện giải như oresol. Giữ vệ sinh để tránh nhiễm khuẩn, chỗ bị phỏng vỡ ra cũng có thể là nguồn lây nên phải giữ vệ sinh thật tốt.

Quan trọng là giữ vệ sinh

Để phòng bệnh TCM, theo GS. An, cần phải cách ly do vắc xin phòng bệnh chưa có. Đây là bệnh lây do virus đường ruột, virus sẽ được đào thải qua dịch đường tiêu hóa: phân, dịch dãi... Trong môi trường có nhiều trẻ, lúc cách ly thì virus đã kịp lây lan ra môi trường rồi, khi đó ta phải tẩy rửa bằng dung dịch sát khuẩn bằng dung dịch cloramin. Trước khi ăn phải rửa tay, sau khi đi vệ sinh cũng phải rửa tay đúng quy cách để phòng bệnh.

bệnh tay chân miệngẢnh minh họa.

 

Để chủ động phòng chống bệnh TCM, Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế cũng đã có khuyến cáo người dân, cộng đồng thực hiện rửa tay thường xuyên bằng xà phòng, tốt nhất là rửa dưới vòi nước chảy (cả người lớn và trẻ em), đặc biệt trước khi chế biến thức ăn, trước khi ăn/cho trẻ ăn, trước khi bế ẵm trẻ, sau khi đi vệ sinh, sau khi thay tã và làm vệ sinh cho trẻ. Thực hiện tốt vệ sinh ăn uống: ăn chín, uống chín; dụng cụ ăn uống phải đảm bảo được rửa sạch sẽ trước khi sử dụng (tốt nhất là ngâm tráng nước sôi); đảm bảo sử dụng nước sạch trong sinh hoạt hàng ngày; không mớm thức ăn cho trẻ; không cho trẻ ăn bốc, mút tay, ngậm mút đồ chơi; không cho trẻ dùng chung khăn ăn, khăn tay, dụng cụ ăn uống như bát, đĩa, thìa, cốc, đồ chơi chưa được khử trùng.

Thường xuyên lau rửa đồ chơi của trẻ, lau sạch các bề mặt, dụng cụ tiếp xúc hàng ngày như dụng cụ học tập, tay nắm cửa, tay vịn cầu thang, mặt bàn/ghế, sàn nhà bằng xà phòng hoặc các chất tẩy rửa thông thường. Không cho trẻ tiếp xúc với người bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh. Sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh, phân và các chất thải của bệnh nhân phải được thu gom, đổ vào nhà tiêu hợp vệ sinh.

Khi trẻ có dấu hiệu nghi ngờ mắc bệnh cần đưa ngay trẻ đến cơ sở y tế để được khám, tư vấn và điều trị.


D.Hải
Ý kiến của bạn