1. Cách chọn và bảo quản măng khô
Cách chọn măng khô:
Trên thị trường có nhiều loại măng khô khác nhau, tùy sở thích và nhu cầu của mỗi người trong lựa chọn. Tuy nhiên, dù là mua măng lưỡi lợn hay măng vầu nhưng cần lưu ý nên chọn măng khô có màu vàng nhạt, không bị mốc, không có mùi lạ và không bị ẩm. Miếng măng có màu vàng đậm thường là măng đã để lâu hoặc bị nhuộm màu.
Không chọn măng khô bị đen sậm, có mùi hôi hoặc có dấu hiệu mốc. Măng khô bị đen do nhiều nguyên nhân như quá trình oxy hóa tự nhiên, bảo quản không đúng cách hoặc do các loại măng khác nhau. Nếu măng chỉ bị đen nhẹ và không có mùi lạ hay dấu hiệu mốc thì cần ngâm và luộc kỹ.
Việc bảo quản măng khô đúng cách rất quan trọng để giữ được chất lượng và tránh bị mốc mọt, nhất là khi thời tiết miền Bắc có độ ẩm cao. Tham khảo một số cách bảo quản măng khô:
Bảo quản ở nơi khô ráo, thoáng mát:
Để măng khô trong túi kín như túi zip, túi nilon hoặc hộp đựng thực phẩm có nắp đậy kín, đặt ở nơi khô ráo, thoáng mát, tránh ánh nắng trực tiếp và nơi có độ ẩm cao. Nhiệt độ lý tưởng để bảo quản măng khô là từ 21-26 độ C. Không để măng tiếp xúc trực tiếp với nền nhà mà nên đặt măng khô trên kệ hoặc giá cao để tránh ẩm từ nền nhà.
Thường xuyên kiểm tra măng khô để phát hiện sớm dấu hiệu ẩm mốc. Nếu thấy măng bị mốc nên loại bỏ ngay để tránh lây lan sang phần măng còn lại.
Hút chân không:
Đây là phương pháp bảo quản tốt giúp măng khô tránh bị ẩm mốc và giữ được chất lượng lâu hơn. Phương pháp này hút hết không khí ra ngoài và hàn kín miệng túi. Sau hút chân không, bảo quản túi măng ở nơi khô ráo, thoáng mát.
Phơi nắng:
Nếu không có điều kiện hút chân không, có thể phơi nắng măng khô định kỳ (khoảng 1-2 tuần/lần). Trải măng ra khay hoặc rổ sạch và phơi dưới nắng khoảng 1-2 nắng. Sau đó, cho măng vào túi kín và bảo quản như bình thường. Việc phơi nắng giúp măng khô loại bỏ bớt độ ẩm còn sót lại và ngăn ngừa nấm mốc.
Sử dụng gói hút ẩm:
Đặt một vài gói hút ẩm vào trong túi đựng măng khô trước khi đóng kín. Gói hút ẩm sẽ giúp hút ẩm và giữ cho măng khô luôn khô ráo.
Bảo quản măng khô đã ngâm nước:
Bảo quản trong ngăn mát: Nếu sử dụng măng khô trong vòng 2-3 tuần có thể bảo quản trong ngăn mát tủ lạnh. Cho măng vào túi hoặc hộp kín trước khi cho vào tủ lạnh.
Bảo quản trong ngăn đông: Nếu muốn bảo quản măng khô lâu hơn (khoảng 6 tháng) có thể bảo quản trong ngăn đông tủ lạnh. Nên bọc và đậy kỹ túi/hộp đựng măng và khi lấy măng ra khỏi ngăn đông cần rã đông hoàn toàn trước khi chế biến.
Không nên bảo quản măng khô chưa ngâm trong tủ lạnh vì có thể làm măng bị cứng và khó chế biến hơn.
2. Vì sao nên ngâm măng khô trước khi luộc?
Ngâm măng khô trước khi luộc mang lại rất nhiều lợi ích như:
Loại bỏ độc tố: Măng khô thường chứa một lượng nhỏ chất cyanide, chất này có thể gây hại cho sức khỏe nếu không được xử lý đúng cách. Quá trình ngâm măng trong nước giúp hòa tan và loại bỏ phần lớn chất cyanide này.
Loại bỏ tạp chất và bụi bẩn: Trong quá trình phơi khô và bảo quản, măng có thể bám bụi bẩn và tạp chất. Việc ngâm măng giúp làm sạch tạp chất.
Làm mềm măng: Măng khô rất cứng, việc ngâm măng trong nước giúp măng hút nước và mềm ra, giúp quá trình luộc măng nhanh hơn và măng chín đều hơn.
Giảm vị đắng: Một số loại măng khô có vị đắng tự nhiên. Quá trình ngâm và thay nước thường xuyên giúp giảm bớt vị đắng.
Việc ngâm măng sau khi luộc sẽ không mang lại hiệu quả tương tự như ngâm trước khi luộc. Khi măng đã được luộc, cấu trúc của măng đã thay đổi, việc ngâm lúc này chủ yếu chỉ giúp măng nguội bớt chứ không còn tác dụng loại bỏ độc tố hay làm mềm măng một cách hiệu quả nữa.
3. Cách ngâm và luộc măng khô phổ biến
Rửa sạch măng khô với nước lạnh để loại bỏ bụi bẩn. Cắt bỏ những đoạn măng bị đen, già hoặc thâm. Cho măng vào nồi rồi đổ nước lạnh ngập măng. Quá trình ngâm măng thông thường từ 8 -10 tiếng, trong thời gian ngâm nên thay nước ít nhất 2 - 3 lần để loại bỏ chất độc và giúp măng nhanh mềm hơn, giảm bớt thời gian luộc măng. Sau khi ngâm xong, rửa lại măng thật kỹ, tốt nhất dưới vòi nước sạch.
Măng khô cần được luộc kỹ trước khi ăn để đảm bảo an toàn. Khâu luộc măng là khâu thường được nhiều người làm theo cảm tính, cứ luộc cho đến khi măng mềm thì thôi. Tuy nhiên, chỉ cần khoảng thời gian 30 -45 phút, quá trình luộc nên thay nước vài lần cho đến khi nước luộc măng chuyển dần từ màu vàng đục đến vàng nhạt. Luộc xong măng có thể ngâm măng trong nước lạnh khoảng 2-3 tiếng nữa rồi rửa sạch lại.
Chú ý là mỗi loại măng có thể cần thời gian khác nhau để luộc mềm nhưng không nên luộc quá lâu dễ khiến măng bị nát. Luộc cho miếng măng mềm vừa tới (bấm tay vẫn còn chút độ giòn nhưng không dai) là được. Một số người dùng nồi áp suất để tiết kiệm thời gian nhưng cần lưu ý khâu thay nước.
4. Một số mẹo giúp măng khô nhanh mềm
Ngâm với nước vo gạo: Nhiều người thích ngâm măng với nước vo gạo. Nước vo gạo có tác dụng làm măng nhanh mềm hơn và loại bỏ bớt chất độc.
Luộc măng với lửa nhỏ: Sau khi ngâm, luộc măng với lửa nhỏ trong khoảng 15-20 phút trước khi vớt ra ngâm tiếp. Cách này giúp măng nhanh nở hơn.
Ngâm với nước ấm hoặc nước sôi: Sau khi luộc sơ, bạn có thể ngâm măng với nước ấm hoặc nước sôi để măng nở nhanh hơn.
Thay nước thường xuyên: Trong quá trình ngâm và luộc măng, cần thay nước thường xuyên để loại bỏ chất độc và giúp măng ngon hơn
Ngâm lại (nếu cần): Sau khi luộc, bạn có thể ngâm măng trong nước lạnh khoảng 2-3 tiếng nữa rồi rửa sạch lại trước khi chế biến.
Xem thêm video đang được quan tâm:
Món ăn ngon miệng từ bí ngô giúp giảm mỡ máu.