Cách đơn giản cải thiện chứng sa sút trí tuệ

19-06-2015 13:00 | Y học 360
google news

SKĐS - Có một số phương pháp khác góp phần quan trọng vào việc phòng chống SSTT. Tập luyện đều đặn, theo một số nghiên cứu, giúp giảm tới 50% nguy cơ tiến triển của bệnh.

Có một số phương pháp khác góp phần quan trọng vào việc phòng chống SSTT. Tập luyện đều đặn, theo một số nghiên cứu, giúp giảm tới 50% nguy cơ tiến triển của bệnh. Tập luyện thể chất thường xuyên làm chậm quá trình thoái hóa của não bộ ở những người bắt đầu có những biểu hiện về SSTT. Hình thức tập luyện rất đa dạng, phong phú với các hình thức như đi bộ, chạy chậm, đạp xe, chơi các môn thể thao hợp với lứa tuổi và sức khỏe. Nên đảm bảo thời gian tập khoảng 30 phút mỗi ngày với ít nhất 5 ngày trong tuần. Chế độ ăn tốt là điều không thể thiếu giúp não bộ luôn khỏe mạnh và hưng phấn. Người bị SSTT hoặc người cao tuổi nên ăn vừa đủ lượng calorie cùng các yếu tố vi lượng, các vitamin, các chất điện giải. Một khẩu phần ăn khỏe mạnh bao gồm rau xanh, những loại thực phẩm giàu acide béo omega-3 như cá hồi và một số loài cá sống ở vùng nước lạnh khác như cá bơn, cá ngừ, cá thu; các loại hạt đậu, hạt lanh và dầu thực vật như dầu ôliu, một số loại quả có màu vỏ sậm như quả dâu, mận, cam, nho đỏ, quả cherries, cà phê và sôcôla dầu ôliu, dầu dừa. Người bị SSTT không nên ăn thức ăn có nhiều mỡ động vật, thịt có màu đỏ (thịt trâu, bò, cừu...), thức ăn nhanh, đồ rán hoặc nướng, thực phẩm đóng hộp, các loại thực phẩm đã qua quá trình chế biến kiểu công nghiệp và tuyệt đối không hút thuốc lá, không lạm dụng rượu, bia. Việc luyện trí nhớ thường xuyên bằng các phương pháp như học tập những cái mới (học ngoại ngữ, luyện tập âm nhạc, đọc sách báo...), giải các câu đố khó, các ô chữ... cũng rất hữu ích giúp cho não bộ hoạt động được tốt hơn. Những giấc ngủ ngon giúp não bộ nghỉ ngơi và hồi phục chức năng sau một ngày dài căng thẳng và mệt mỏi. Ngủ sâu, không mộng mị không những làm cho cơ thể khỏe mạnh mà còn giúp suy nghĩ rõ ràng, rành mạch và nhanh. Kiểm soát tốt những lo âu, căng thẳng của cuộc sống cũng làm chậm quá trình tiến triển của SSTT.

 

Lời khuyên của thầy thuốc

Để phòng chống SSTT, hãy tham gia tích cực các hoạt động xã hội như những chương trình tình nguyện, các hoạt động nhân đạo từ thiện; gia nhập các câu lạc bộ, các tổ chức xã hội, các lớp thể thao, văn hóa; thường xuyên tới các tụ điểm xã hội văn hóa như công viên, nhà hát, rạp chiếu phim;... Những hoạt động liên tục sẽ giúp duy trì sức khỏe thể chất và nâng cao năng lực tinh thần, chống thoái hóa và sự xuống cấp trí nhớ. Cuối cùng, phòng và điều trị tốt các bệnh mạn tính như tim mạch, đái tháo đường, bệnh lý tai biến mạch não... sẽ giúp cho não bộ không bị tổn thương và sẽ tránh được quá trình tiến triển của SSTT do những nguyên nhân này gây ra.

 

TS.BS. Vũ Đức Định

 

 

 

 


Ý kiến của bạn