Viêm mũi dị ứng là bệnh có thể diễn ra quanh năm và tái phát nếu gặp những tác nhân gây dị ứng như phấn hoa, bụi, lông chó mèo…
Đối phó với viêm mũi dị ứng khi giao mùa
Để phòng ngừa hiệu quả viêm mũi dị ứng, mỗi người bệnh cần tìm ra nguyên nhân gây dị ứng riêng cho mình. Bên cạnh đó cần vệ sinh môi trường sống, nơi làm việc sạch sẽ, thoáng mát. Quan trọng hơn cả là hàng ngày cần hạn chế và cẩn trọng khi tiếp xúc với những tác nhân gây dị ứng. Khi thời tiết thay đổi, giao mùa nên sử dụng nước rửa mũi để vệ sinh mũi sau khi trở về nhà.
Nếu tình trạng viêm mũi dị ứng không đỡ, người bệnh có thể tìm đến bác sĩ điều trị để có những phương án thay thế. Tuyệt đối không được sử dụng các loại thuốc xịt không rõ nguồn gốc khiến bệnh tình nặng lên, gây ra các biến chứng ảnh hưởng đến sức khỏe.
Viêm mũi dị ứng có chữa được không? Phương pháp chủ yếu khi điều trị viêm mũi dị ứng là các yếu tố liên quan đến miễn dịch và quá trình điều trị kéo dài. Người bệnh cần xác định, viêm mũi dị ứng là bệnh mạn tính và phải điều trị trong thời gian dài, cần sự kiên nhẫn.
Để bệnh không tái phát và tăng hiệu quả điều trị người bệnh cần lưu ý:
- Nâng cao thể trạng thông qua chế độ dinh dưỡng và tập luyện. Quan trọng hơn cả là không tiếp xúc với các tác nhân gây dị ứng.
- Thông qua thăm khám, người bệnh có thể được chỉ định một số phương pháp như rửa mũi, dùng thuốc xịt tại chỗ có chứa corticoid, thuốc kháng histamin… Với những trường hợp nặng, bác sĩ sẽ chỉ định thêm các liệu pháp miễn dịch. Lưu ý, các loại thuốc xịt tại chỗ chứa corticoid dùng cho bệnh nhân viêm mũi dị ứng thường là loại có nồng độ thấp đảm bảo an toàn cho người bệnh.
Viêm mũi dị ứng khi nào cần phẫu thuật? Người bệnh viêm mũi dị ứng nếu gặp tình trạng dị hình vách ngăn, ngạt mũi nhiều kèm theo quá phát cuốn mũi dưới sẽ được các bác sĩ chuyên khoa cân nhắc phẫu thuật.
Viêm mũi dị ứng là gì?
Viêm mũi dị ứng là tình trạng niêm mạc mũi bị viêm, có liên quan đến hệ miễn dịch kháng thể IgE -Immunoglobulin E. Người bị viêm mũi dị ứng thường là do gặp phải các dị nguyên như: bụi nhà, nấm mốc, phấn hoa, lông sâu, lông vật nuôi trong nhà…
Ngoài ra các yếu tố môi trường như: thời tiết thay đổi, mùa mưa… cũng là điều kiện để tình trạng bệnh tăng thêm.
Viêm mũi dị ứng có biểu hiện gì?
Các dấu hiệu của người bị viêm mũi dị ứng là:
- Ngứa mũi
- Hắt hơi
- Ngạt mũi
- Chảy nước mũi trong
Những triệu chứng này có thể diễn ra theo từng cơn và tái phát nhiều lần khi có thay đổi về thời tiết hoặc gặp các tác nhân gây dị ứng. Viêm mũi dị ứng được chia làm nhiều loại như: viêm mũi dị ứng dai dẳng, viêm mũi dị ứng gián đoạn, viêm mũi dị ứng mức độ từ nhẹ - trung bình – nặng.
Xem thêm video được quan tâm:
6 Loại nước ép hỗ trợ giảm triệu chứng viêm xoang I SKDS