Con tôi 13 tháng tuổi, đi khám bị viêm V.A, nhờ bác sĩ hướng dẫn cách điều trị bệnh này hiệu quả nhất. Tôi xin cảm ơn quý báo!
hieunk (hieunait@gmail.com)
Viêm V.A có 2 thể cấp tính và mạn tính. Mạn tính hình thành qua nhiều lần viêm cấp mà không được điều trị triệt để. Lúc này trẻ hay bị ngạt mũi ngày càng tăng dần. Mũi thường xuyên bị viêm và mủ chảy thò lò ra cửa mũi trước (dân gian hay gọi là thò lõ mũi xanh). Trẻ hay ho và sốt vặt do mũi chảy xuống họng. Tối trẻ ngủ không yên giấc, hay ngáy to, hay giật mình. Tai nghễnh ngãng và cũng hay bị viêm. Cơ thể chậm phát triển so với lứa tuổi, kém nhanh nhẹn, ăn uống ít biết ngon. Người gầy hoặc béo bệu với nước da trắng bệch. Trẻ hay sốt vặt, năm ngày ba tật. Nếu kéo dài trẻ có bộ mặt V.A biểu hiện qua các dấu hiện như da xanh, miệng há, môi trên bị kéo xếch lên để lộ răng cửa vẩu, răng hay mọc lệch, môi dưới dài, thõng, đôi mắt mở to, trẻ có vẻ ngây ngô. Ngoài bộ mặt V.A, trẻ còn có những biến dạng ở thân mình: lồng ngực bị dẹt, hẹp bề ngang, lưng bị cong, vẹo hoặc gù, bụng ỏng, đít teo. Sự phát triển trí tuệ ở một trẻ bị viêm V.A cũng hạn chế do nghe kém và thở kém làm giảm lượng ôxy cung cấp cho não trẻ. Nếu V.A cấp bé có sốt cao đột ngột. Khi khám, bác sĩ thấy niêm mạc họng đỏ, tổ chức V.A quá phát. Các cuốn mũi sung huyết và nề, mũi nhiều dịch xuất tiết. Khám phổi không thấy có ran... Điều trị bằng thuốc giảm sốt, chống ngạt mũi, chảy mũi. Nếu thấy mũi bé có mủ vàng xanh mới cần dùng kháng sinh. Bạn đã đưa bé đi khám thì cứ yên tâm điều trị theo đơn thuốc đã kê và nhớ tái khám đúng hẹn, tránh hiện tượng điều trị không dứt điểm trở thành mạn tính. Trường hợp V.A tái phát thường xuyên có thể bác sĩ sẽ chỉ định nạo V.A.
BS. Trần Mạnh Toàn