Cách điều trị nhiễm trùng ối

29-09-2024 19:35 | Tra cứu bệnh

SKĐS - Nhiễm trùng ối là một trong những bệnh viêm nhiễm nghiêm trọng với phụ nữ mang thai nên cần được xử trí, điều trị kịp thời.

1.Nhiễm trùng ối là gì?

Để hiểu về nhiễm trùng ối, trước tiên cần biết về vai trò của nước ối.

Nước ối là một lớp bảo vệ vững chắc cho thai nhi trong suốt quá trình người mẹ mang thai, giúp em bé hình thành và phát triển bình thường trong cơ thể người mẹ.

Bình thường nước ối có màu trong suốt, khi quan sát sát thấy nước ối chuyển màu xanh đục, có lẫn mủ, có mùi hôi khó chịu thì rất có thể mẹ bầu đã bị nhiễm trùng ối trong tử cung.

Nhiễm trùng ối là tình trạng nhiễm khuẩn tại màng ối và dịch ối, màng nuôi, nhau thai hoặc kết hợp.

Nhiễm trùng ối có thể bắt nguồn từ trước hoặc trong quá trình mang thai của người mẹ.

Nếu trước hoặc trong khi mang thai, mẹ bầu bị viêm nhiễm âm đạo sẽ tạo điều kiện cho vi khuẩn (E. Coli, liên cầu khuẩn nhóm B) xâm nhập vào buồng tử cung. Khi mang thai, lượng vi khuẩn này có điều kiện sinh sôi, bám dính vào sâu bên trong và tồn tại dài lâu, gây nhiễm trùng ối.

Trong khi mang thai vì một lý do nào đó làm ối vỡ, ối vỡ để lâu, không nhập viện để điều trị kháng sinh ngay từ đầu, tạo điều kiện vi trùng từ âm đạo xâm nhập vào buồng ối gây nhiễm trùng ối.

Cách điều trị nhiễm trùng ối- Ảnh 1.

Nước ối bình thường có màu trong suốt, là một lớp bảo vệ vững chắc cho thai nhi trong suốt quá trình người mẹ mang thai.

Triệu chứng nhiễm trùng ối có thể bao gồm:

  • Tính chất nước ối: nước ối rỉ ra từ âm đạo có màu xanh đục như lẫn mủ, có mùi hôi.
  • Trường hợp màng ối còn nguyên khám thấy nhiều dịch âm đạo , mùi khó chịu.
  • Biểu hiện nhiễm trùng như sốt, công thức máu có số lượng bạch cầu tăng cao và một số xét nghiệm khác có biểu hiện nhiễm trùng.
  • Khám lâm sàng thấy tử cung đau và mềm
  • Nhịp tim của mẹ lẫn thai đều tăng.

Nhiễm trùng ối gây ra các biến chứng như:

  • Có thể vỡ ối bất cứ khi nào, khiến thai phụ phải sinh non. Đặc biệt, mẹ bầu bị nhiễm trùng ối trước 37 tuần thì nguy cơ sinh non rất cao.
  • Trẻ phải sinh non, sinh ra do nhiễm trùng ối có nguy cơ tử vong cao do nhiễm trùng sơ sinh dẫn đến suy hô hấp, viêm màng não, nhiễm trùng huyết...
  • Mẹ có thể bị viêm tử cung, có thể ảnh hưởng đến lần mang thai sau, trường hợp nặng có thể bị vô sinh.

2. Xét nghiệm và chẩn đoán bệnh

Trong thực hành, chẩn đoán nhiễm trùng ối chủ yếu dựa trên các yếu tố lâm sàng và các xét nghiệm để từ đó có phương án xử trí tích cực.

Dấu hiệu để nhận biết nhiễm trùng ối tương đối dễ, song việc chẩn đoán nhiễm trùng ối lại khá phức tạp. Bởi thực tế không có bất kỳ xét nghiệm nào có thể xác định được là người mẹ có bị nhiễm trùng ối hay không.

Hầu hết, bác sĩ sẽ chuẩn đoán nhiễm trùng ối dựa vào những triệu chứng của người mẹ như: sốt cao rét run, tăng nhịp tim của cả mẹ lẫn thai nhi. Trong trường hợp nặng hơn, nhiễm trùng ối sẽ khiến người mẹ có những triệu chứng như đau tử cung, dịch ối có mùi hôi, chuyển màu xanh.

Việc xét nghiệm để chẩn đoán nhiễm trùng ối ở phụ nữ mang thai là rất quan trọng và cần thiết. Nhất là đối với những trường hợp sắp đến ngày sinh. Tuy nhiên, nếu mẹ có hiện tượng chuyển dạ sớm thì có thể tiến hành chọc ối để xét nghiệm. Nếu dịch ối có nồng độ glucose thấp, nồng độ bạch cầu và nồng độ vi khuẩn cao, kèm thêm xét nghiệm máu có biểu hiện nhiễm trùng thì khẳng định là người mẹ đã bị nhiễm trùng ối khi mang thai.

Cấy dịch ối tìm vi khuẩn gây nhiễm trùng, xét nghiệm máu bạch cầu đa nhân trung tính cao, CRP (+).

Cách điều trị nhiễm trùng ối- Ảnh 2.

Xét nghiệm bạch cầu chẩn đoán nhiễm trùng ối.

3. Điều trị nhiễm trùng ối

3.1. Nguyên tắc điều trị nhiễm trùng ối

- Khám chuyên khoa sớm: khi có các dấu hiệu nghi ngờ nhiễm trùng ối cần phải đến cơ sở y tế chuyên khoa để được thăm khám và điều trị kịp thời.

- Điều trị kháng sinh ngay khi có chẩn đoán nghi ngờ hoặc xác định nhiễm trùng ối với 3 nguyên tắc:

  • Dùng kháng sinh phổ rộng và sử dụng đường tĩnh mạch là chỉ định ngay khi có chẩn đoán.
  • Kháng sinh phải có tác dụng với liên cầu khuẩn nhóm B và E. Coli.
  • Điều trị ngay trong quá trình mang thai không chờ sau sinh.

- Chấm dứt thai kỳ: trường hợp nhiễm trùng ối nặng và có dấu hiệu khẩn cấp đe dọa tính mạng người mẹ, bác sĩ sẽ chỉ định cho mẹ sinh ngay tức khắc, ưu tiên sinh ngả âm đạo.

- Khởi phát chuyển dạ hoặc can thiệp phù hợp để rút ngắn thời gian chuyển dạ (thời gian từ lúc chẩn đoán nghi ngờ hoặc xác định nhiễm trùng ối đến lúc sinh không kéo dài quá 12 giờ).

- Mổ lấy thai chỉ khi có chỉ định sản khoa.

- Mổ lấy thai làm tăng nguy cơ nhiễm trùng vết thương, viêm nội mạc tử cung, huyết khối mạch máu…

- Duy trì kháng sinh sau sinh/sau mổ đến khi sản phụ hết sốt ít nhất 24 giờ.

- Xác định tình trạng nhiễm trùng lan rộng bao gồm: nhiễm trùng vùng chậu, nhiễm trùng huyết hay toàn thân... Khi có tình trạng nhiễm trùng lan rộng, cần điều trị tích cực phù hợp theo mức độ nhiễm trùng.

3.2. Kháng sinh sử dụng trong điều trị nhiễm trùng ối

- Lựa chọn 1

Chọn một trong các kháng sinh sau đây:

+ Ampicillin 2g tiêm tĩnh mạch mỗi 6 giờ + gentamicin 5mg/kg truyền tĩnh mạch mỗi 24 giờ (sau mổ lấy thai, thêm clindamycin 900 mg hoặc metronidazole 500 mg truyền tĩnh mạch mỗi 8 giờ);

+ Hoặc ampicillin - sulbactam 3g tiêm tĩnh mạch mỗi 6 giờ;

+ Hoặc cefoxitin 2g tiêm tĩnh mạch mỗi 8 giờ;

+ Hoặc cefotetan 2g tiêm tĩnh mạch mỗi 12 giờ

+ Hoặc mezlocillin 4g tiêm tĩnh mạch mỗi 6 giờ.

- Lựa chọn 2: Nếu dị ứng nhẹ với penicillin

Sử dụng cefazolin 2g tiêm tĩnh mạch mỗi 8 giờ + gentamicin 5 mg/kg truyền tĩnh mạch mỗi 24 giờ (sau mổ lấy thai thêm clindamycin 900 mg hoặc metronidazole 500mg truyền tĩnh mạch mỗi 8 giờ).

- Lựa chọn 3: Nếu dị ứng nặng với penicillin

Sử dụng clindamycin 900 mg truyền tĩnh mạch mỗi 8 giờ hoặc vancomycin 1g truyền tĩnh mạch mỗi 12 giờ và gentamicin 5mg/kg truyền tĩnh mạch mỗi 24 giờ.

3.2.1. Lưu ý khi cho bệnh nhân dùng kháng sinh điều trị nhiễm trùng ối:

- Vancomycin chỉ nên sử dụng trong trường hợp:

  • Người bệnh bị nhiễm liên cầu khuẩn nhóm B và đề kháng với clindamycin hoặc erythromycin;
  • Hoặc người bệnh nhiễm liên cầu khuẩn nhóm B và không có kết quả kháng sinh đồ.

- Nếu không đáp ứng với những kháng sinh trên thì dùng :

+ Piperacillin-tazobactam 4,5g truyền tĩnh mạch mỗi 8 giờ;

+ Hoặc ertapenem 1g truyền tĩnh mạch mỗi 24 giờ.

3.2.2. Tác dụng của điều trị kháng sinh trong nhiễm trùng ối

Các thử nghiệm lâm sàng ngẫu nhiên cho thấy điều trị bằng kháng sinh trong lúc sinh đối với nhiễm trùng ối làm giảm tỷ lệ nhiễm khuẩn huyết sơ sinh và viêm phổi. Sử dụng kháng sinh trong lúc sinh đã chứng minh làm giảm thời gian nằm viện và sốt ở mẹ.

3.3. Thuốc hạ sốt

Thuốc hạ sốt tốt nhất là dùng acetaminophen trước khi sinh, nên được dùng thêm cùng thuốc kháng sinh. Thuốc hạ sốt để kiểm soát sốt có thể cải thiện tình trạng thai nhi trong quá trình chuyển dạ, dựa trên việc theo dõi thai nhi.

4. Lưu ý trong quá trình điều trị

Các kháng sinh được chỉ định trong lúc sinh do nghi ngờ hoặc xác định nhiễm trùng ối không nên tiếp tục sử dụng một cách thường quy sau khi sinh.

Tiếp tục chỉ định kháng sinh dựa trên các yếu tố nguy cơ của viêm nội mạc tử cung sau sinh.

Sản phụ sau sinh ngả âm đạo, sản phụ ít bị viêm nội mạc tử cung hơn và có thể không cần tiếp tục dùng kháng sinh sau khi sinh.

Đối với mổ lấy thai, khuyến cáo chỉ định thêm ít nhất 1 liều kháng sinh sau sinh. Tuy nhiên, sự hiện diện của các yếu tố nguy cơ khác trên mẹ như nhiễm khuẩn huyết hay sốt dai dẳng sau sinh có thể được xem xét để tiếp tục kháng sinh.

Thai phụ sinh mổ, cần bao phủ thêm vi khuẩn kỵ khí vì vi khuẩn kỵ khí là nguyên nhân chủ yếu trong các biến chứng của viêm nội mạc tử cung sau mổ lấy thai. Thêm kháng sinh bao phủ vi khuẩn kỵ khí làm giảm tỷ lệ thất bại của viêm nội mạc tử cung sau mổ.


BS. Vũ Thu Hồng
bác sĩ
Ý kiến của bạn