1. Nám da do nội tiết là gì?
Phụ nữ sau 30 tuổi bước vào tuổi lão hóa, estrogen được sản xuất chậm hơn gây mất cân bằng nội tiết tố.
Estrogen là tổng hợp của estron, estradiol và estriol - được cho là một loại hormone kỳ diệu, giúp cơ thể nữ giới mềm mại từ vóc dáng đến tóc, da, điều hòa hệ sinh dục… Đặc biệt là có vai trò trong sản xuất collagen và elastin giúp da săn chắc, đàn hồi và duy trì độ ẩm của làn da.
Ngoài ra, estrogen còn giúp da trắng mịn bằng cách kiểm soát hormone MSH - một loại hormone kích thích sản sinh melanin dưới da.
Khi estrogen suy giảm gây mất cân bằng nội tiết tố, làm tăng sinh melanin và dẫn đến nám. Đây gọi là tình trạng nám nội tiết.
Phân biệt nám nội tiết và nám thường là không dễ. Do đó hầu hết chị em đi chữa nám ở các spa chỉ bằng các phương pháp tác động từ bên ngoài là không hiệu quả, thậm chí sau một thời gian tình trạng nám có thể lan rộng hơn, sậm hơn.
2. Phân biệt nám da thông thường và nám nội tiết
Nám da thông thường hình thành do tác động bên ngoài môi trường:
- Tiếp xúc với ánh sáng mặt trời, tia UV tác động xấu khiến da bị nám
- Tiếp xúc nhiều với ánh sáng xanh và bức xạ nhiệt từ thiết bị điện tử… khiến da bị nám.
- Môi trường ô nhiễm: khói xe, bụi bẩn, hóa chất... khiến tình trạng nám da nặng hơn.
- Dùng mỹ phẩm chất lượng kém, không rõ nguồn gốc, chứa các thành phần như corticoid làm mỏng da, khi tiếp xúc với bức xạ mặt trời, bức xạ điện tử da sẽ có các đốm nám.
Nám nội tiết là các vùng sắc tố mọc tập trung lại thành từng nốt tròn trên bề mặt da, có chân ăn sâu vào bên trong các lớp cấu trúc da. Nguyên nhân dẫn đến nám nội tiết như trên đã nêu là do sự thiếu hụt estrogen.
- Phụ nữ sau sinh: Do trong thời kỳ mang thai, lượng estrogen trong cơ thể tăng nhanh chóng để bảo vệ thai nhi. Sau khi sinh con xong, estrogen suy giảm đột ngột dẫn đến tình trạng rối loạn nội tiết. Tình trạng nám này có thể giảm và da trở lại bình thường sau khi cơ thể phụ nữ cân bằng được nội tiết, nhưng cũng có thể tình trạng nám là vĩnh viễn.
- Phụ nữ tiền mãn kinh lượng estrogen suy giảm mạnh dẫn đến nám.
- Người sử dụng thuốc tránh thai liên tục: Thành phần progestin trong thuốc tránh thai kích thích hình nám da. Nếu tiếp xúc với ánh nắng mặt trời sẽ trở nên đậm màu và lan rộng hơn.
- Stress: Khi cơ thể stress, hoạt động của buồng trứng cũng bị ảnh hưởng đến việc sản sinh estrogen, dẫn đến tình trạng nám sạm da.
Nám da do nội tiết bắt đầu xuất hiện trên da với những đốm nhỏ, màu vàng nhạt, tăng sinh rất nhanh nếu không điều trị kịp thời. Xuất hiện chủ yếu ở các vị trí: Xuất hiện đối xứng 2 bên gò má, thái dương, trán, mũi. Nếu không điều trị sớm, nám nhanh chóng lan ra các vùng da xung quanh.
3. Điều trị nám da do nội tiết thế nào?
Do tình trạng nám từ bên trong cơ thể, nên để điều trị nám nội tiết hiệu quả cần điều trị từ trong ra ngoài. Tức là phải điều trị nguyên nhân từ bên trong, giúp cơ thể cân bằng nội tiết và dùng các biện pháp hỗ trợ điều trị triệu chứng trên da.
Bệnh nhân cần đến gặp bác sĩ nội tiết để được hướng dẫn cách cân bằng nội tiết thông qua chế độ ăn uống hoặc thuốc (nếu cần) để giúp cân bằng nội tiết. Kết hợp với bác sĩ da liễu để được hướng dẫn điều trị triệu chứng nám da bên ngoài. Khi điều trị, cần báo cáo với bác sĩ về các thuốc đang sử dụng để tránh tương tác thuốc bất lợi.
Theo đó, bệnh nhân nám nội tiết có thể được chỉ định một số liệu pháp:
- Bổ sung estrogen: Nên dùng các sản phẩm giàu estrogen từ thực vật (đậu nành và các chế phẩm từ đậu nành…) để có được estrogen tự nhiên. Các loại estrogen tổng hợp không nên sử dụng vì có nguy cơ gây tác dụng phụ, điển hình là ung thư vú.
- Bổ sung omega - 3: Các chất béo lành mạnh đến từ dầu dừa, bơ, chế phẩm bơ từ động vật ăn cỏ, cá biển béo, cá hồi tự nhiên, hạt lanh, hạt chia, hạt óc chó, cà rốt, khoai tây nên bổ sung vào thực đơn hằng ngày giúp cải thiện tình trạng nám nội tiết.
Không nên sử dụng chất béo đến từ dầu thực vật như dầu hướng dương, ngô, cải dầu, đậu tương và đậu phộng giàu omega - 6.
- Tránh xa chất kích thích: Cà phê, trà, rượu, bia…
-Tránh căng thẳng, ngủ đủ giấc.
- Sử dụng kem chống nắng mỗi ngày, ngay cả khi không đi ra ngoài trời. Nên chọn kem chống nắng có chỉ số SPF 30+ trở lên.
Một số thuốc trị nám da bên ngoài kết hợp
- Hydroquinone: Tùy tình trạng nám và cân nhắc giữa lợi ích và nguy cơ, bác sĩ sẽ chỉ định nồng độ hydroquinone 2% (được dung nạp tốt ít nguy cơ kích ứng da, nhưng hiệu quả chậm) hoặc nồng độ 3 - 5% (có hiệu quả cao nhưng cũng có nguy cơ cao hơn). Dùng ở nồng nộ cao cần có sự giám sát của bác sĩ.
Thời gian sử dụng thuốc ở mỗi bệnh nhân là khác nhau. Nhưng thực tế lâm sàng cho thấy, thuốc hiệu quả sau khi sử dụng từ 5-7 tuần. Quá trình sử dụng có thể kéo dài từ 3 tháng 1 năm. Nên ngừng thuốc thông báo với bác sĩ nếu khi dùng thuốc gặp phải một số vấn đề: Viêm da tiếp xúc kích ứng, tăng sắc tố sau viêm…
- Ascorbic Acid (vitamin C): Có tác dụng chống nám và có tác dụng chống dưỡng hoá mạnh.
-Một số thuốc có kết hợp corticoid như corticosteroid + hydroquinine có tác dụng nhanh nhưng cần được bác sĩ giám sát khi dùng. Thuốc không được dùng trong thời gian dài.
Để điều trị nám nội tiết hiệu quả và an toàn, tránh tình trạng nám nặng hơn, hoặc gây nguy cơ sang một số bệnh khác, bệnh nhân cần đến chuyên khoa nội tiết nhận được lời khuyên đúng đắn nhất.
Mời độc giả xem thêm video:
Món ăn bổ dưỡng từ thịt gà