Không may là đái tháo đường (ĐTĐ) không tự khỏi, nhưng khi bệnh được điều trị đúng đắn bạn có thể có một đời sống khỏe mạnh và điều đó bảo vệ chính bạn chống lại những tác hại về sau của bệnh.
Mục đích chính của việc điều trị là phải đạt được lượng đường trong máu ở mức gần như bình thường.
Hiện nay, không có cách chữa lành bệnh đái tháo đường, nhưng có thể được điều trị bằng 3 cách:
- Chỉ ăn kiêng.
- Ăn kiêng và uống thuốc.
- Ăn kiêng và chích insulin.
Cần chẩn đoán sớm
Việc chẩn đoán sớm và xử trí tốt bệnh đái tháo đường giúp phòng ngừa các biến chứng muộn. Các chương trình tầm soát có thể không được thực hiện một cách rộng rãi ở nơi bạn ở. Tuy nhiên, nếu bạn có người thân trong gia đình bị đái tháo đường, bạn quá nặng cân, huyết áp cao hoặc cholesterol cao, hoặc có kết hợp các yếu tố trên, tốt nhất là bạn hãy yêu cầu bác sĩ của bạn kiểm tra lượng đường trong máu của bạn.
Thuốc điều trị
Khi bệnh đái tháo đường không thể kiểm soát được chỉ bằng ăn kiêng và tập thể dục, bác sĩ của bạn có thể cho bạn dùng thuốc uống. Có nhiều loại thuốc uống khác nhau và mỗi loại tác động theo cách khác nhau. Tất cả đều giúp làm giảm glucose trong máu, và đôi khi bạn có thể uống cùng lúc từ 2 loại trở lên. Nếu điều trị này thất bại, bạn có thể phải chuyển sang chích insulin.
Bất cứ phương pháp điều trị nào bạn tuân theo, kiểm soát được đường trong máu của bạn sẽ giúp giữ cho bạn khỏe mạnh và cảm thấy thoải mái.
Thuốc uống thường được sử dụng để kiểm soát glucose trong máu.
Sulphonylurea giúp tụy tạng của bạn sản xuất insulin và cải thiện sự sử dụng đường trong cơ thể.
Biguanide, Benfluorex giúp insulin trong cơ thể bạn sử dụng đường hiệu quả hơn.
Thuốc ức chế alpha-glucosidase làm chậm sự hấp thu đường ở ruột.
Các biện pháp tự giúp chính mình
Các nghiên cứu ở người bị đái tháo đường cho thấy việc kiểm soát glucose trong máu thật chặt chẽ sẽ dự phòng hoặc làm chậm lại sự khởi phát các biến chứng. Một chế độ ăn kiêng lành mạnh bình thường và tập thể dục đều đặn là một trong những phương pháp có hiệu quả nhất để kiểm soát bệnh đái tháo đường của bạn, cân nặng của bạn và những nguy cơ bệnh tim.
Một chế độ ăn kiêng lành mạnh hợp lý:
Chế độ được khuyến cáo cho người bị đái tháo đường không phải là một chế độ ăn đặc biệt, nó là một chế độ ăn lành mạnh (hợp lý) bình thường. Tuy nhiên, nếu bạn bị đái tháo đường, bạn cần nhớ là phải ăn đều đặn và những thức ăn có tinh bột như bánh mì, mì sợi, khoai tây, cơm hoặc ngũ cốc trong mỗi bữa ăn. Cách ăn kiêng:
Cần nhớ rằng cơ thể bạn không thể chuyển hóa glucose thật tốt, do đó tránh ăn những chất quá ngọt như: kẹo, sôcôla, bánh quy, và thức uống có ga. Các thức ăn vừa nêu trên làm tăng đường trong máu của cơ thể bạn - thay vào đó nên ăn nhiều bữa nhỏ với thức ăn bằng tinh bột.
Khi uống trà và cà phê nên dùng đường nhân tạo (đường thuốc).
Chế độ ăn cho người đái tháo đường týp 2 nên gồm ngũ cốc nguyên hạt, nhiều chất xơ, hạn chế đường và chất béo
Ăn nhiều trái cây và rau xanh và chuyển sang ăn bánh mì làm bằng bột chưa rây để tăng chất xơ trong chế độ ăn của bạn.
Giảm thức ăn có nhiều chất béo như kem, bơ, mácgarin và các thức ăn chiên xào.
Nếu bạn quá nặng cân, cố gắng giảm lượng thức ăn của mỗi bữa ăn.
Không cần thiết phải mua những thức ăn đặc biệt cho người đái tháo đường bởi vì chúng không có hiệu quả.
Phải hoạt động nhiều
Hầu hết người bị đái tháo đường đều có lợi khi tăng cường luyện tập thể dục hàng ngày. Tập thể dục không có nghĩa là cố gắng tập thật nhiều giờ trong phòng tập thể dục, việc tập luyện có thể là làm những cộng việc bạn thích như: đi bộ, làm vườn, bơi lội, khiêu vũ hoặc chạy bộ. Nhớ kỹ rằng nếu bạn không tập luyện gì trong một khoảng thời gian dài, bạn cần phải tập luyện nhẹ trước rồi tăng dần lên cho phù hợp. Mục tiêu là tập 1/2 giờ mỗi ngày trong tuần.
Hàng trăm cách khác nhau để bạn có thể tăng cường việc tập luyện hàng ngày, hãy chọn cách riêng của bạn, tập luyện và vui chơi với phương pháp đó.
PGS.TS. Nguyễn Hoài Nam