Cách điều trị cảm lạnh bằng đông y

SKĐS - Để điều trị cảm lạnh, y học cổ truyền chủ yếu sử dụng các vị thuốc có tính cay, ấm, làm cho ra mồ hôi... có thể kết hợp thêm những vị thuốc bồi bổ chính khí nhằm mục đích phát tán phong hàn, giải biểu, phù chính khu tà.

1. Nguyên nhân gây cảm lạnh

Cảm lạnh thông thường là tình trạng viêm hô hấp trên (mũi và họng) mức độ nhẹ với tác nhân là virus.

Có hơn 200 loại virus gây ra cảm lạnh, nhưng thường gặp nhất là nhóm rhinovirus.

Bệnh có thể lây lan theo ba đường sau:

  • Tiếp xúc trực tiếp với người bị bệnh
  • Tiếp xúc gián tiếp qua bề mặt tiếp xúc
  • Hít phải giọt bắn...

Hoàn cảnh thuận lợi khiến bệnh dễ khởi phát là trời mưa, thời tiết lạnh, ngồi phòng lạnh kéo dài, tắm dưới nước lạnh. Ngoài ra, những người có trạng thái tinh thần căng thẳng, thiếu ngủ hoặc trẻ đi học mẫu giáo cũng dễ bị cảm lạnh.

2. Biểu hiện của cảm lạnh

Khoảng 2 – 3 ngày sau khi nhiễm virus, người bệnh biểu hiện gần như đầy đủ các triệu chứng bao gồm ho, hắt hơi, đau họng, đau đầu, chảy nước mũi, chảy nước mắt và có thể có sốt.

Các triệu chứng thường cải thiện sau 7 – 10 ngày nhưng triệu chứng ho có thể kéo dài 10 – 14 ngày và có thể tiến triển đến các bệnh nặng hơn như viêm phổi, viêm phế quản.

Theo Y học cổ truyền, cảm lạnh thường có những biểu hiện tương ứng với thể bệnh ngoại cảm phong hàn.

Bệnh do phong hàn tà xâm phạm vào phần ngoài của cơ thể (phạm biểu) làm cản trở chức năng của phế và vệ phận. Những người cơ thể hư yếu, chính khí suy giảm, sức đề kháng kém càng dễ mắc bệnh.

photo-1700376435665

Cảm lạnh thường gặp khi thời tiết trở lạnh hay khi tắm nước lạnh.

3. Một số bài thuốc y học cổ truyền trị cảm lạnh

Để điều trị cảm lạnh, y học cổ truyền chủ yếu sử dụng các vị thuốc có tính cay, ấm, làm cho ra mồ hôi, có thể kết hợp thêm những vị thuốc bồi bổ chính khí nhằm mục đích phát tán phong hàn, giải biểu, phù chính khu tà. Đã có nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng thuốc y học cổ truyền có tác dụng chống oxy hóa, kháng khuẩn, kháng viêm, giảm đau, hạ sốt, điều hòa miễn dịch, giúp cải thiện bệnh.

Sau đây là một số bài thuốc trị cảm lạnh:

- Bài thuốc uống

+ Quế chi thang: Quế chi (bỏ vỏ) 09g, gừng tươi 09g, bạch thược 09g, đại táo (tách hạt) 06g, cam thảo chích 06g. Ngày dùng 1 thang sắc lấy nước chia 2 lần uống.

photo-1700376437297

Các vị thuốc trong bài quế chi thang trị cảm lạnh.

+ Nhân sâm bại độc tán: Sài hồ 9g, chỉ xác (bỏ thịt, sao cám) 9g, khương hoạt 9g, độc hoạt 09g, cam thảo 09g, xuyên khung 9g, phục linh 9g, nhân sâm 9g, tiền hồ 9g, cát cánh 09g. Thang thuốc cho vào gừng tươi 3g, bạc hà 2g sắc lấy nước chia 2 lần uống trong ngày.

- Bài thuốc xông

+ Thành phần: Lá tre, sả, lá bưởi, ngải cứu, bạc hà, tía tô, kinh giới, hương nhu mỗi thứ 1 nắm to.

+ Cách làm: Cho lá tre vào nồi nước đun trước. Tiếp tục cho ngải cứu vào lúc nước gần sôi và những dược liệu còn lại được cho vào sau khi nước đã sôi. Cần canh lửa vừa phải, nắp nồi đậy kín, khi nước sôi trở lại 2 - 3 phút thì bắc xuống và xông ngay. Lưu ý nhiệt độ xông không quá nóng để tránh bị bỏng.

photo-1700376437845

Nguyên liệu nồi nước xông trị cảm lạnh.

- Bài thuốc ngâm chân

  • Thành phần: Gừng hoặc ngải cứu.
  • Cách làm: Rửa sạch dược liệu, cho vào bồn ngâm cùng với nước ấm. Ngâm chân từ 15 - 20 phút. Trong quá trình ngâm thuốc, người bệnh tự xoa bóp 2 chân để tăng hiệu quả.

4. Chế độ chăm sóc, ăn uống cho người bệnh cảm lạnh

Ngoài việc dùng các bài thuốc y học cổ truyền, để điều trị cảm lạnh hiệu quả, người bệnh cần phải có chế độ chăm sóc, ăn uống hợp lý:

- Không nên dùng đồ ăn và thức uống lạnh, các loại thực phẩm có tính hàn như động vật dưới bùn (ốc, lươn, trạch…).

- Nên ăn các món ăn dễ tiêu như cháo, súp.

- Ăn uống đủ chất, bổ sung hoa quả và rau xanh vào thực đơn.

- Đảm bảo ngủ đủ 8 tiếng/ngày. Nếu được, nên tranh thủ nghỉ ngơi ở nhà 1 – 2 ngày để tránh lây bệnh cho người khác.

Mời bạn xem tiếp video:

Cảm lạnh: Chọn thuốc như thế nào cho đúng? | SKĐS


ThS.BS. Phạm Đức Thắng
Đại học Y Dược TP. Hồ Chí Minh
Ý kiến của bạn