Hà Nội

Cách để con trẻ tránh khỏi tổn thương tinh thần trong đại dịch

27-09-2021 18:14 | Bệnh trẻ em
google news

SKĐS- Stress, lo âu, sang chấn tâm lý... có thể ảnh hưởng tới con trẻ trong những ngày dịch COVID-19 bùng phát. Cha mẹ cần làm gì để bảo vệ những đứa con thân yêu của mình khỏi những thổn thương tinh thần?

Các tổ chức trên thế giới, bao gồm WHO, UNICEF, AACAP và nhiều tổ chức khác đã ban hành các hướng dẫn để giúp cha mẹ bảo vệ sức khoẻ tâm thần của con cái họ trong đại dịch COVID-19. Những hướng dẫn này dựa trên các nguyên tắc cơ bản: Trấn an trẻ, giải thích cho trẻ về tình hình dịch bệnh theo những cách phù hợp với lứa tuổi và duy trì các thói quen hàng ngày. Cụ thể cha mẹ cần làm gì?

Cách để con trẻ tránh khỏi tổn thương tinh thần trong đại dịch - Ảnh 2.

Trong những ngày phải giãn cách xã hội, trẻ có thể bị rối loạn tâm lý, stress, trầm cảm


Phòng tránh stress cho trẻ nhỏ (<6 tuổi)

- Nếu trẻ quấy vào giờ đi ngủ, hãy cố gắng dành nhiều thời gian chất lượng hơn cho trẻ trong ngày. Ví dụ: dành 10-15 phút để cha mẹ tập trung hoàn toàn vào trẻ (đọc sách cho trẻ, ca hát/nhảy múa,...).

- Thiết lập thời gian biểu cho gia đình.

- Hạn chế các kênh tin tức khi có trẻ nhỏ.

- Không bàn chuyện về đại dịch COVID khi có trẻ.

- Những bé nhỏ hơn có thể cần những cái ôm và âu yếm nhiều hơn một chút so với các bé lớn.

- Khuyến khích trẻ rửa tay đầy đủ, thường xuyên vệ sinh đồ chơi cho trẻ.

- Khuyến khích trò chuyện video với người thân ở xa. Trò chuyện video giúp trẻ nhỏ - ngay cả trẻ sơ sinh – ghi nhớ và xây dựng mối quan hệ với các thành viên trong gia đình.

- Cố gắng nói về những gì đang xảy ra trên màn hình trong khi xem chương trình với trẻ. Mặc dù trẻ em có thể sử dụng màn hình nhiều hơn bình thường trong đại dịch, nhưng hãy đảm bảo rằng chúng tham gia nhiều hoạt động khác trong ngày: đọc sách, trò chơi vận động (trốn tìm, nhảy lò cò,...), múa/hát, hỗ trợ cha mẹ nấu cơm,...

photo-1632455005273

Một cuốn sách được viết cho trẻ em đang chịu những ảnh hưởng của đại dịch

Đối với trẻ lớn (≥ 6 tuổi)

- Thiết lập thói quen mỗi ngày: như gọi điện thoại cho ông bà, nấu ăn,...

- Đảm bảo trẻ có thời gian vận động ở ngoài trời. Nếu trẻ không thể ra ngoài, hãy cố gắng tập thể dục – vận động ít nhất 2 giờ mỗi ngày – bên cửa sổ (tiếp xúc với ánh sáng ban ngày).

- Tương tác xã hội rất quan trọng, ngay cả trong giai đoạn cách ly xã hội. Học tập trực tuyến, gọi điện thoại – vào cùng một thời điểm mỗi ngày – có thể có tác dụng tốt.

- Thời gian ngủ trưa nên giới hạn trong khoảng 30 phút. Ngủ quá dài sẽ khiến trẻ khó ngủ vào ban đêm.

- Tránh ánh sáng xanh (màn hình máy tính, điện thoại) vào buổi tối.

- Nên có một giấc ngủ và thời gian thức phù hợp với nhịp sinh học trước kia của trẻ.

- Nếu trẻ buồn vì không được tổ chức tiệc sinh nhật hoặc bỏ lỡ một sự kiện quan trọng, cha mẹ hãy chấp nhận cảm giác buồn bã và thất vọng của trẻ, lắng nghe suy nghĩ, cảm giác và cảm xúc của trẻ, đồng thời hợp tác thực hiện một số giải pháp khả thi. Ví dụ: tổ chức một bữa tiệc sinh nhật bất ngờ với gia đình và bạn bè trên ứng dụng trực tuyến.

Trẻ em có nhu cầu đặc biệt (tự kỷ, khuyết tật,...)

- Đối với trẻ em có nhu cầu đặc biệt, nên tránh làm gián đoạn quá mức các thói quen hàng ngày. Lập kế hoạch sinh hoạt cho trẻ sao cho phù hợp với môi trường gia đình.

- Cần duy trì các bài tập trị liệu.

Trẻ em trong khu vực cách ly tập trung

Cách để con trẻ tránh khỏi tổn thương tinh thần trong đại dịch - Ảnh 5.

Nhiều trẻ phải đi cách ly tập trung xa cha mẹ, người thân có thể gặp sang chấn tâm lý, rối loạn stress

- Trẻ em trong diện cách ly phải có thể liên lạc với cha mẹ thường xuyên.

- Hướng dẫn để trẻ duy trì thói quen hàng ngày.

- Cho trẻ tiếp cận thông tin đúng về bệnh tật phù hợp lứa tuổi.

Bên cạnh đó, cha mẹ và các thành viên khác trong gia đình cũng nên chăm sóc bản thân. Nếu cha mẹ tự tin và không bị căng thẳng, họ có thể hướng dẫn, giáo dục và bảo vệ con cái một cách hữu ích và hiệu quả nhất.

Những triệu chứng cho thấy cần đưa trẻ đi khám

- Các triệu chứng lo âu, trầm cảm: dễ kích thích; cáu kỉnh; thay đổi tâm trạng (buồn bã, thờ ơ), ...

- Mệt mỏi, đau đầu, đau bụng mà không tìm thấy nguyên do.

- Rối loạn thói quen ăn uống: bỏ ăn hoặc ăn nhiều quá mức.

- Rối loạn giấc ngủ: khó ngủ; khó thức dậy;...

- Các triệu chứng của rối loạn căng thẳng sau sang chấn: gặp ác mộng; giảm cảm xúc tích cực và gia tăng những cảm xúc tiêu cực (sợ hãi, tội lỗi, buồn bã, xấu hổ, lúng túng); thể hiện lại các sự kiện/sang chấn qua trò chơi;...

Những triệu chứng cần đưa trẻ nhập viện ngay lập tức

- Có ý tưởng, hành vi tự sát.

- Có những hành động tự gây hại cho bản thân.

- Sợ hãi dữ dội, lo lắng, bất lực, đặc biệt nếu những điều này làm gián đoạn các nhu cầu cơ bản như ngủ, ăn uống, giao tiếp với gia đình, bạn bè, xã hội.

- Rối loạn phân ly: trẻ tự tách biệt, mất nhân cách, mất định vị. Ví dụ: trẻ tỏ ra xa cách, bối rối, thờ ơ.

- Cực kỳ bối rối, không thể đưa ra quyết định đơn giản. Ví dụ: không biết ăn gì.

- Không kiểm soát được tâm trạng: khóc không ngừng nghỉ,...

- Suy giảm nhận thức nghiêm trọng, hoặc xuất hiện ảo giác.



Những tổn thương “vô hình” của trẻ em trong đại dịch COVID-19Những tổn thương “vô hình” của trẻ em trong đại dịch COVID-19

SKĐS - Đại dịch COVID-19 kéo dài đã gần 2 năm, không chỉ người lớn mà trẻ em cũng đang hứng chịu những tổn thương cả về thể chất lẫn tinh thần. Đặc biệt là tổn thương vô hình về tinh thần rất cần được quan tâm.








BS Lê Anh Tú – Bệnh viện Sản Nhi Vĩnh Phúc
Ý kiến của bạn