Cách để biến một bé nhút nhát thành tự tin

30-08-2014 15:13 | Đời sống
google news

Con bạn có phần nhút nhát ư? Lời khuyên dưới đây sẽ giúp con bạn thoát khỏi chiếc vỏ ốc, trở nên luôn tự tin và cá tính.

Con bạn có phần nhút nhát ư? Lỗi có thể một phần do cha mẹ. Lời khuyên dưới đây sẽ giúp con bạn thoát khỏi chiếc vỏ ốc, trở nên luôn tự tin và cá tính.

1. Dành cho con thật nhiều tình yêu

Cha mẹ và những người thân phải luôn luôn tạo cho bé cảm giác an toàn và thấy mình được yêu thương, vì như thế mới giúp bé phát triển sự tự tin và tự lập. Điều này sẽ giúp bé cảm thấy luôn có người thân bên mình và giúp đỡ bé làm quen với môi trường xung quanh. Dành tặng con thật nhiều cái ôm, những nụ hôn và nhiều câu chuyện chia sẻ chính là cách cha mẹ thể hiện tình yêu với trẻ.

2. Đừng bao giờ so sánh

So sánh con với các bạn hoặc anh chị em trong nhà chưa bao giờ được coi là ý tưởng tốt trong việc rèn sự tự tin và tự lập cho bé. Thay vì việc cứ luôn miệng so sánh: "Sao con không học giỏi như anh?", hay "Bạn A chăm chỉ học đàn thế mà sao con không thích học"... thì hãy tìm ra những điểm mạnh của con và giúp bé phát huy những ưu điểm đó. Tại sao bạn cứ thích bắt con học đàn cho giống bạn A trong khi con bạn lại thích vẽ? Điều này sẽ giúp thúc đẩy sự tự tin trong bé và làm bé thoải mái hơn trước mặt người khác.

Ảnh minh họa

3. Thận trọng với cách dùng từ

Khi bé nấp sau chân mẹ để từ chối chào khách đến nhà chơi, bạn đừng thanh minh với khách rằng: "Cháu nhút nhát lắm", mà hãy động viên con bằng cách: "Bống còn nhớ cô Hương không? Cô Hương là mẹ bạn Chíp từng đi chơi công viên với con một lần rồi ấy". Khi bé vẫn nấp sau chân mẹ và chưa chịu ra chào khách, bạn hãy nói với khách rằng: "Chắc cháu vẫn còn ngại" hoặc "Bống chưa nhớ ra rồi" thay vì cứ nói ra điệp khúc "Cháu nhát lắm".

4. Là một tấm gương tốt

Trẻ con thường rất thích bắt chươc người lớn, đặc biệt là bố mẹ , vì vậy bạn hãy là một ví dụ sống động để trẻ học theo. Do đó, khi nhìn thấy cha mẹ hòa nhập với người khác thì điều đấy cũng như thông điệp ngầm báo với bé rằng không có gì phải sợ cả. Khi đưa con đi dự tiệc hay đến những nơi đông người, bạn hãy vui vẻ bắt chuyện với mọi người để bé học theo. Hoặc bạn cũng có thể lấy bé làm trung tâm của câu chuyện bằng cách nói với mọi người rằng: "Cô Phương thấy Bống có cái váy xinh không? Bống thích chiếc váy này lắm, đi đâu cũng đòi mẹ mặc cho đấy".

5. Không nên cứng nhắc

Nghiên cứu cho thấy, nếu cha mẹ đẩy bé vào một nhóm chơi quá nhanh có thể làm bé sợ hãi nhiều hơn. Các bé nhút nhát rất bị xao động tâm lý trong các tình huống xã hội nhất định. Khi cha mẹ ép bé phải tham gia, điều đó chỉ làm bé lo lắng hơn và càng khiến bé không muốn thử tham gia trong thời gian tiếp theo. Nếu bé nói là không muốn chơi và cảm thấy sợ, bạn nên cho bé biết là có mẹ ở đây nhưng cũng không ép buộc bé.

6. Nhưng cũng không nên quá bảo bọc

Phụ huynh nên cho bé nhiều cơ hội để hòa nhập trong các tình huống mới. Nên nói với bé: “Mẹ sẽ chơi cùng con” hoặc “Mẹ biết con chưa quen nhưng cứ thử đi, mẹ sẽ ở bên con”...

7. Khen ngợi

Đây là một trong những cách bồi đắp sự tự tin cho con hiệu quả nhất. Khi con có biểu hiện bạo dạn, tự tin dù là một chút nhỏ thôi, cha mẹ cũng đừng tiếc lời khen tặng dành cho bé nhé!

Theo Web Trẻ thơ/Tri thức trẻ


Ý kiến của bạn