1.Đặc điểm và công dụng của đắp thuốc
Rốn có vị trí tương ứng với huyệt thần khuyết trong y học cổ truyền, một huyệt vị quan trọng, trong hệ thống các đường kinh lạc, liên hệ mật thiết với ngũ tạng lục phủ, 12 kinh mạch và kỳ kinh bát mạch.
Theo các y thư cổ "Đắp thuốc lên rốn, chẳng khác gì uống thuốc qua miệng". Rốn liên thông với tất cả các kinh mạch (Tề thông bách mạch). Dùng thuốc tác động lên rốn có thể sơ thông kinh lạc, cân bằng và điều tiết công năng của ngũ tạng lục phủ, nhờ đó mà phòng ngừa và nâng cao hiệu quả chữa bệnh.
Kết quả nghiên cứu hiện đại cũng cho rằng, đắp thuốc lên rốn có khả năng tăng cường miễn dịch, chống lão suy, chống dị ứng, điều tiết chức năng của thần kinh thực vật, cải thiện vi tuần hoàn...
Trong một số trường hợp như trẻ nhỏ, người cao tuổi khó uống thuốc thì đắp thuốc vào rốn là biện pháp có thể áp dụng độc lập hoặc kết hợp với một số phương pháp điều trị khác nhằm phát huy hiệu quả điều trị.
"Đắp thuốc lên rốn, chẳng khác gì uống thuốc qua miệng".
2. Phương pháp và liều dùng
Dược liệu tươi giã nát; dược liệu khô nói chung được tán thành bột mịn, hòa với dung môi thành cao mềm, rồi đắp lên rốn. Dùng băng dính hoặc gạc cố định lại.
Trước khi đắp thuốc và sau khi thay thuốc cần dùng nước ấm và cồn y tế để làm sạch vùng da rốn. Khi đắp thuốc vào thấy ngứa, nóng rát da phồng mụn nước, thì nên tạm ngừng hoặc nên dùng liều nhỏ hơn.
Tùy theo từng thể bệnh, có thể ngày thay thuốc 1-2 lần; thực hiện liền 3-5 ngày là 1 liệu trình. Đối với các bệnh mạn tính, sau mỗi liệu trình nghỉ vài ngày lại tiếp tục 1 liệu trình mới.
3. Đắp thuốc chữa bệnh
Trị thương hàn vào mùa đông, chứng không đổ mồ hôi:
Thành phần: Gừng, hành (sử dụng cả phần rễ) liều lượng vừa đủ, đậu đen khoảng 20g.
Cách dùng: Giã nhỏ, trộn đều các nguyên liệu rồi nặn thành bánh. Đặt lên rốn, cố định bằng dây vải sạch hoặc băng gạc. Đắp đến khi đổ mồ hôi thì tháo ra.
Dùng gừng tác động lên rốn chữa bệnh thương hàn
Trị đau bụng ở sản phụ sau sinh:
Thành phần: Rau ngải cứu 100g, giấm vừa đủ.
Cách dùng: Ngải cứu giã nát rồi trộn với giấm, rang nóng. Chườm hoặc đắp vào rốn.
Chữa trẻ khóc dạ đề:
Thành phần: Hạt bìm bìm 7-9 hạt, giã nát, trộn với nước ấm thành bột nhão. Trước khi nằm ngủ đắp lên rốn, dùng băng rốn cố định lại.
Chữa bệnh đổ mồ hôi nhiều, mệt mỏi, sợ gió:
Thành phần: Ngũ bội tử và nghệ vàng, liều lượng bằng nhau, tán bột mịn, trộn đều.
Cách dùng: Hòa 3-6g bột thuốc với mật ong, đắp vào vị trí huyệt. Dùng gạc hoặc băng cố định lại. Áp dụng đều đặn mỗi ngày trong 1 tuần, cho đến khi triệu chứng thuyên giảm.
Chữa đái dầm:
Ngũ bội tử, hà thủ ô, liều lượng bằng nhau. Trộn đều. Nghiền bột mịn, mỗi lần lấy 3-6g, hòa với giấm ăn thành cao, đắp lên rốn, băng cố định lại.
Trị đại tiện táo, bí đại tiện:
Thành phần: Hành trắng cả rễ 3 nhánh; gừng sống 1 củ, đậu đen 25g.
Cách dùng: Giã nhỏ, trộn đều các nguyên liệu rồi nặn thành bánh. Làm nóng phần thuốc vừa chế rồi chườm vào rốn. Thuốc nguội, làm nóng lại rồi tiếp tục chườm.
Chữa trẻ chướng bụng, bí tiểu tiện:
Lá chanh 1 nắm, giã nát, gói vào túi vải, hấp nóng, đắp lên rốn.
Mời bạn xem thêm video:
3 nhóm người cần hạn chế ăn đậu phụ | SKĐS