Cách dập tắt cơn bốc hỏa!

25-08-2017 08:37 | Đời sống
google news

Theo một thống kê có đến 75% số phụ nữ ở tuổi mãn kinh bị cơn nóng bừng (bốc hỏa). Trong đó nhiều người bị kéo dài trên 5 năm sau khi tắt kinh, một số người chỉ có dấu hiệu nhẹ và không thường xuyên, số khác lại có những biểu hiện rất nặng và nhiều lần mỗi ngày.

Theo một thống kê có đến 75% số phụ nữ ở tuổi mãn kinh bị cơn nóng bừng (bốc hỏa). Trong đó nhiều người bị kéo dài trên 5 năm sau khi tắt kinh, một số người chỉ có dấu hiệu nhẹ và không thường xuyên, số khác lại có những biểu hiện rất nặng và nhiều lần mỗi ngày.

Những năm gần đây, các biểu hiện của thời kỳ mãn kinh (menopause) của phụ nữ được biết đến nhiều hơn do kết quả nghiên cứu về các tác hại của thuốc nội tiết tố estrogen và progesteron thường dùng điều trị cơn bừng bốc hỏa ở phụ nữ sau mãn kinh. Trong những triệu chứng của thời kỳ mãn kinh, cơn nóng bừng là một triệu chứng khó chịu nhất ảnh hưởng bất thường đến cảm giác và sức khỏe của phụ nữ. Từ kết quả nghiên cứu cho thấy hai chất nội tiết tố nữ estrogen và progesteron dùng để điều trị cơn bốc hỏa rất hiệu nghiệm nhưng có thể gây tác hại cho sức khỏe, nên việc tìm những phương pháp khác để điều trị là một nhu cầu cấp thiết.

Nguyên nhân nào đã gây ra triệu chứng cơn bừng bốc hỏa, hiện nay chưa có câu trả lời thỏa đáng. Người ta chỉ cho rằng cơn bừng bốc hỏa là do những thay đổi của nồng độ nội tiết tố nữ trong máu giảm, xảy ra vào thời kỳ mãn kinh.

Biểu hiện của cơn bốc hỏa

Sau khi mãn kinh, những phụ nữ bị cơn bừng bốc hỏa thường có các biểu hiện sau: Cơn nóng bừng làm phụ nữ cảm thấy một sức nóng có thể ít hay nhiều lan dần khắp người lên đến mặt; Mặt đỏ bừng; Da mặt, thân mình, tay, chân có từng đốm đỏ; Tim đập nhanh, vã mồ hôi; Cơn nóng bừng có thể kéo dài từ một vài phút đến nửa giờ, nhưng đa số sẽ hết sau khoảng 5 phút. Khi cơn nóng bừng dịu xuống, người cảm thấy lạnh. Cơn nóng bừng xuất hiện một cách bất thường, có thể nhiều lần trong một ngày hay vài ngày một lần, hoặc chỉ thỉnh thoảng mới xuất hiện. Vào ban đêm, cơn nóng bừng xảy ra có thể làm phụ nữ mất ngủ. Có người chỉ bị cơn bừng bốc hỏa trên dưới một năm, nhưng người khác lại bị kéo dài trên 5 năm. Có người chỉ thấy những dấu hiệu nhẹ và ít cơn, số khác lại gặp những biểu hiện nặng và xảy ra nhiều cơn trong một ngày. Tuy nhiên có nhiều phụ nữ không hề có cơn bừng bốc hỏa xuất hiện trong suốt thời gian sau mãn kinh.

Chữa trị cơn bốc hỏa như thế nào?

Thực hiện một chế độ sinh hoạt, dinh dưỡng hợp lý có thể làm giảm nhẹ triệu chứng của cơn bốc hỏa. Để điều trị cơn bốc hỏa, có thể áp dụng một hay nhiều phương pháp sau đây:

- Giữ mát cho cơ thể: Nếu tăng nhiệt độ của cơ thể, dù ít cũng có thể gây ra cơn bốc hỏa. Do đó phụ nữ cần giữ mát bằng cách ở trong phòng thoáng, mở cửa sổ hoặc sử dụng máy điều hòa hay quạt điện. Khi cảm thấy cơn nóng bừng sắp xuất hiện, có thể hạ nhiệt bằng cách uống nước lạnh và các cách làm mát cơ thể thông thường.

- Ăn uống hợp lý: Tránh các thức ăn cay nóng như tiêu, tỏi, ớt, rượu, bia, nước chè, cà phê..., kiêng hẳn những thức ăn nào làm cho cơ thể dễ bị nóng bừng.

- Thư giãn tinh thần: Luyện tập dưỡng sinh, tập rung động thư giãn, ngồi thiền, thực tập phương pháp thở sâu và điều hòa hằng ngày có thể làm giảm cơn bừng bốc hỏa.

- Luyện tập thể dục, vận động: Ở tuổi mãn kinh, phụ nữ cần phải tập thể dục hằng ngày và nên tập những cử động làm nóng người và tim đập nhanh hơn, sẽ bớt cơn nóng bừng và ngủ ngon hơn. Có thể tập đi bộ khoảng trên 30 phút mỗi ngày. Tham gia câu lạc bộ dưỡng sinh sẽ giúp phụ nữ luyện tập đều đặn, thường xuyên.

- Không hút thuốc: Nhiều nghiên cứu cho thấy hút thuốc làm tăng cơn bốc hỏa. Ngưng hút thuốc còn làm giảm nguy cơ bị bệnh tim, đột quỵ, ung thư.

- Sử dụng thuốc để điều trị: Nếu áp dụng các phương pháp trên đây không kết quả, có thể dùng một vài thứ thuốc điều trị như sau: Estrogen là thuốc hiệu nghiệm nhất để chữa cơn bốc hỏa, nhưng có nhiều tác hại. Một nghiên cứu sâu rộng cho thấy thuốc này có nhiều phản ứng phụ như làm tăng nguy cơ bệnh tim, ung thư, đột quỵ. Tuy nhiên đối với trường hợp cơn bừng bốc hỏa quá nặng và không có nguy cơ về bệnh tim mạch, ung thư, có thể uống estrogen nếu lợi ích của việc dùng thuốc lớn hơn tác hại; Thuốc progesteron cũng rất hiệu nghiệm để chữa cơn bốc hỏa và sử dụng theo chỉ định của bác sĩ; Các thuốc khác: nhiều nghiên cứu cho thấy các thuốc dùng để chữa bệnh trầm cảm, tăng huyết áp có thể giúp giảm cơn bốc hỏa như: venlafaxine (Effexor XR), paxil, prozac, celexa... dùng với liều thấp có kết quả tốt.

Song các thuốc này không hiệu nghiệm bằng estrogen và cũng có những tác dụng phụ như buồn nôn, chóng mặt hay rối loạn tình dục...; Clonidine là thuốc chữa tăng huyết áp, khi sử dụng có thể làm giảm số lần bị cơn bốc hỏa nhưng có một số tác dụng phụ như chóng mặt, buồn ngủ, khô miệng và táo bón. Gabapentin là thuốc chữa cơn bừng bốc hỏa khá hiệu nghiệm nhưng có các tác dụng phụ như gây buồn ngủ, chóng mặt, buồn nôn.

BS. Trần Thục Anh


Ý kiến của bạn