Việc điều trị táo bón trước tiên đòi hỏi cha mẹ phải hết sức kiên nhẫn, vì táo bón không hết nhanh như các bệnh cảm sốt thông thường và các bé cũng ít chịu hợp tác tốt. Điều trị táo bón phải kết hợp giữa sự thay đổi chế độ ăn uống, thói quen đi tiêu, hoạt động thể chất với việc dùng thuốc, nếu có. Đôi khi, việc điều trị táo bón phải cần đến chuyên gia tâm lý nữa.
Tập luyện thói quen đi tiêu hàng ngày là một điều quan trọng, vừa giúp bé có phản xạ đi tiêu, vừa giúp loại bỏ phân không để ứ quá lâu trong trực tràng. Hàng ngày, bé nên được tập đi tiêu vào một giờ nhất định, nếu sau 15 phút bé không cảm thấy mắc cầu thì thôi, lặp lại vào hôm sau. Hãy khen nếu bé chịu vào nhà vệ sinh hoặc ngồi bô đi tiêu và có phần thưởng nho nhỏ khi bé tự đi tiêu được.
Chất xơ và nước uống là hai yếu tố quan trọng khác. Các thức ăn chứa nhiều chất xơ như trái cây, rau tươi, bột ngũ cốc nguyên cám (các loại bột ngũ cốc ăn sáng, bánh mì đen...) cần có trong bữa ăn hàng ngày của bé. Trẻ em thường ít chịu ăn rau quả nên là một trở ngại lớn, cần phải có sự hỗ trợ, khuyến khích của cha mẹ. Nước lọc, nước ép trái cây là những loại nước hữu ích trong việc điều trị táo bón.(3) Bé cần được uống đủ nhu cầu nước mỗi ngày, nhất là ở những nơi có khí hậu nóng như nước ta.
Khuyến khích bé hoạt động thể lực, tránh ngồi yên một chỗ cũng là một biện pháp giúp tăng cường nhu động ruột, tránh táo bón.(5)
TS.BS. Nguyễn Anh Tuấn
(Thư ký Chi hội Tiêu hóa Nhi Việt Nam)
Phòng bệnh hơn chữa bệnh
Việc điều trị táo bón ở trẻ em đòi hỏi nhiều nỗ lực, kiên nhẫn và thời gian. Tuy nhiên, có điều ít ai biết là không phải lúc nào cũng thành công. Ước tính vẫn còn khoảng 1/3 các bé thất bại với điều trị và tiếp tục “khổ sở” trong việc đi tiêu hàng ngày. Do đó, công tác phòng ngừa táo bón với các nguyên tắc cơ bản như một chế độ ăn hài hòa nhiều chất xơ, uống đủ nước, hoạt động thể chất phù hợp với lứa tuổi, kết hợp với tập luyện thói quen đi tiêu mỗi ngày là những việc cần làm để giúp bé tránh phải chứng táo bón rất khó chịu này.(1-4)