Dẫn lưu tư thế, vỗ rung là phương pháp điều trị nhằm giải phóng đờm dịch ra khỏi phổi nhờ chủ động tác động một lực cơ học và các kỹ thuật trị liệu hô hấp. Đây là kỹ thuật đặc biệt chỉ có trong chuyên ngành lao và bệnh phổi.
Làm ẩm niêm mạc hô hấp và làm mềm các chất dịch ứ đọng: Dùng máy khí dung bằng các thuốc chống viêm hoặc có thể dùng nước muối sinh lý 9%o, đồng thời nhắc người bệnh uống thêm nhiều nước, tốt nhất là nước chanh hoặc nước cam.
“Ho hữu hiệu”: Là kỹ thuật đầu tiên người bệnh phải làm được thành thạo, cần hướng dẫn thật tỉ mỉ nếu không thì hiệu quả rất thấp. Đầu tiên là phải hít vào thật sâu để có áp lực kéo đẩy các chất dịch ứ đọng trong các tiểu phế quản nhất là ở các lớp thấp. Sau đó bằng động tác ho khạc sâu, kéo dài đẩy các chất đã bong tống ra ngoài.
Tư thế dẫn lưu: Nghiêng trái, đầu thấp. |
Dẫn lưu tư thế, vỗ, rung:
Dẫn lưu tư thế: Tư thế dẫn lưu là tư thế thích hợp mà người điều trị đặt ra cho người bệnh, tư thế này giúp người bệnh có thể ho, khạc tống đẩy đờm, dịch thuận tiện nhất. Trên cơ sở đó tác động lực cơ học vỗ, rung vào phần ngực tương ứng phần phổi tổn thương giúp đờm, dịch ứ đọng tại nơi tổn thương bong ra và giải phóng vào đường phế quản, rồi bằng động tác ho hữu hiệu tống đẩy ra ngoài cơ thể.
Do vậy, người thầy thuốc cần nắm vững giải phẫu đường khí phế quản, nắm vững đặc điểm tổn thương của từng người bệnh, nhất là trên phim Xquang để áp dụng hiệu quả tư thế dẫn lưu.
Ví dụ: Tổn thương nằm ở thùy dưới phổi trái, tư thế dẫn lưu sẽ là phổi trái nằm ở phía trên còn phổi phải sát với mặt giường, đầu thấp 45o, quy ước gọi tư thế này tư thế nghiêng trái, đầu thấp.
Vỗ: Người thực hiện đứng bên cạnh người bệnh, dùng tay phải chụm lại tạo nên một đệm không khí giữa tay và thành ngực. Khi vỗ, tay phải thật mềm mại, nhẹ nhàng tạo một lực cơ học vừa phải để làm bong đờm dịch. Sau một đợt vỗ hướng dẫn người bệnh ho hữu hiệu để tống đẩy đờm dịch vừa được bong ra ngoài. Tùy mức độ và thể trạng của người bệnh để tác động lực thích hợp.
Rung: Lưu ý người thực hiện làm sao vỗ hoặc xen kẽ và chỉ làm vào kỳ thở ra (khi người bệnh thở ra). Hai tay người thực hiện đặt chồng lên nhau trên thành ngực tương ứng với tổn thương ở phổi, cẳng tay và khuỷu tay của người thực hiện luôn luôn thẳng. Hướng dẫn người bệnh hít vào một hơi và khi người bệnh thở ra thì ấn đẩy, rung vào thành ngực tạo rung cơ học ấn đẩy đờm dịch vừa được bong di chuyển về phía phế quản lớn và từ đó bằng ho hữu hiệu sẽ đẩy hắt ra ngoài.
Nhún sườn: Với người bệnh còn trẻ, khỏe thì ngoài vỗ và rung còn có thể thực hiện thêm kỹ thuật nhún sườn, nhằm tác động thêm một lực cơ học như chiếc bơm - đẩy đờm dịch vừa bong tống vào đường phế quản và từ đó thải ra ngoài mạnh, tối đa hơn.
Tư thế rung. |
Tập thở hoành
(còn gọi thở bụng): Đầu tiên hít vào từ từ bằng mũi, bụng phình ra, tiếp đến giữ hơi, bụng phình và cứng. Sau đó là thở ra từ từ qua miệng, bụng thót lại dần theo nhịp thở ra. Tập thở sâu, từ từ, tăng dần mỗi ngày và không quá sức. Thở hoành giúp người bệnh tăng cường tống thải đờm dịch, ở một số người bệnh tập thở hoành tốt đã là biện pháp dẫn lưu hiệu quả, ngoài ra thở hoành còn làm tăng thông khí, tăng trao đổi ôxy, giúp người bệnh bớt khó thở hơn. Tập thở hoành cần được duy trì lâu dài sau đó và ngay cả khi người bệnh đã ra viện, là biện pháp để đề phòng tốt nhất những biến chứng của bệnh, ngăn ngừa viêm nhiễm và giảm những đợt cấp.
Tập thở hoành là kỹ thuật trị liệu hô hấp kết thúc và hoàn thiện liệu trình các chuỗi kỹ thuật vận động hô hấp trong dẫn lưu tư thế, vỗ rung - phương pháp điều trị “chủ động - tích cực” nhất trong các phương pháp phục hồi chức năng hô hấp cho người bệnh.
Lưu ý: Thận trọng với người bệnh có tăng huyết áp và bệnh tim mạch, chống chỉ định với người bệnh có ho ra máu. Theo dõi sát người bệnh trong quá trình thực hiện. Cần chuẩn bị cốc đựng đờm trong và sau khi thực hiện kỹ thuật cho người bệnh bởi đờm có thể được tống thải ngay hoặc thường xuyên sau đó.
Dẫn lưu tư thế, vỗ rung là phương pháp phục hồi chức năng hô hấp cần có chỉ định điều trị đúng, và có thể áp dụng ngay trong các đợt cấp tính. Để phương pháp phát huy hiệu quả tốt rất cần có sự tham gia tích cực của người bệnh. Do vậy người thực hiện cần nắm vững các kỹ năng cũng như tâm lý người bệnh. Duy trì và kéo dài liệu pháp làm tăng hiệu quả điều trị của hóa trị liệu, giúp người bệnh giảm biến chứng, giảm số ngày nằm viện và ngăn ngừa tái phát bệnh.
Áp dụng dẫn lưu tư thế khi nào? Dẫn lưu tư thế được áp dụng với các tình trạng bệnh lý của nhóm bệnh nung mủ phổi phế quản như: áp-xe phổi, viêm phế quản mạn, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD), giãn phế quản, lao phổi kèm tình trạng viêm nhiễm, sau phẫu thuật phổi. Ðặc điểm chung của nhóm bệnh là có tình trạng rối loạn thông khí hỗn hợp, đó là sự tắc nghẽn đường thở do phù nề làm tăng các dịch tiết, do thay đổi cấu trúc của đường dẫn khí bởi viêm, co thắt và sự rối loạn các đặc tính cơ học của đường dẫn khí. Mặt khác, những yếu tố viêm nhiễm mạn tính còn làm hạn chế lưu thông lưu lượng khí bởi giảm tính đàn hồi và giảm áp lực dẫn khí. Ðây chính là nguyên nhân làm người bệnh phải thở nhanh hơn, làm cho các dịch tiết quánh lại và càng bám chặt hơn vào thành phế quản và càng làm cản trở sự thông khí. Vấn đề đặt ra là làm thế nào để tống đẩy được đờm, các dịch tiết ra khỏi đường khí phế quản, giảm bớt sự khó thở và tăng thông khí, cắt vòng bệnh lý luẩn quẩn. Ðó chính là dẫn lưu tư thế, vỗ rung, phương pháp điều trị chủ động, tích cực mang lại hiệu quả cao và có tầm quan trọng không kém việc điều trị bằng thuốc. |
BS. Đào Bích Vân