Các triệu chứng khi bị dị ứng thức ăn
Các triệu chứng khi bị dị ứng thức ăn là gây khó chịu nhưng thường không quá nghiêm trọng. Các triệu chứng phổ biến như:
- Nổi mề đay, ngứa, phát ban ngoài da.
- Buồn nôn, nôn mửa, đau bụng, tiêu chảy.
- Ngứa ran trong miệng, lưỡi, cổ họng.
Trường hợp nặng hơn có thể xuất hiện triệu chứng:
- Phù nề mặt mũi, môi, lưỡi, cổ họng và một số bộ phận khác.
- Chóng mặt, xỉu, toát mồ hôi, da nhợt nhạt, tím tái.
- Thở gấp, khó thở, nghẹt mũi.
- Sốc phản vệ như co thắt khí quản, phế quản, tụt huyết áp, bất tỉnh, sưng họng quá mức gây nghẹn…
Đây là những dấu hiệu nghiêm trọng có thể đe dọa đến tính mạng.
Các triệu chứng của dị ứng thức ăn thường xuất hiện trong vòng 2 giờ sau khi ăn các thực phẩm gây dị ứng. Tuy nhiên cũng có thể xuất hiện sớm hơn hoặc muộn hơn.
Cách điều trị khi bị dị ứng thức ăn
Đến nay vẫn chưa có thuốc hoặc liệu pháp nào điều trị dứt điểm tình huống dị ứng thức ăn. Các thuốc điều trị nhằm làm giảm triệu chứng và giúp bệnh nhân dễ chịu hơn. Khi bắt đầu mới xuất hiện, triệu chứng nhẹ, cần ngừng ngay thức ăn và sử dụng thuốc kháng histamin để giảm bớt các phản ứng dị ứng, giảm nổi mề đay, phát ban, ngứa, phù nề…
Trong trường hợp dị ứng nghiêm trọng, ngừng ngay thức ăn gây dị ứng và cần liên hệ ngay với bác sĩ để được hướng dẫn cấp cứu và đưa đến cơ sở y tế gần nhất.
Các thuốc sử dụng khi bị dị ứng thức ăn tùy theo mức độ dị ứng mà sẽ cần sử dụng các loại thuốc khác nhau.
Nhóm kháng histamin: Dùng trong trường hợp dị ứng nhẹ như nổi mẩn, ngứa nhẹ ngoài da. Có 2 loại kháng histamin là H1 và H2, nhưng trong điều trị dị ứng thì kháng histamin H1 là lựa chọn đầu tay. Kháng histamin H1 trên thị trường phổ biến là thế hệ 1 và thế hệ 2.
Trong đó, kháng histamin H1 thế hệ 1 gồm các thuốc như promethazin, clorpheniramin, diphenhydramin, hydroxyzin... Các thuốc này qua được hàng rào máu não nên có tác dụng phụ gây buồn ngủ. Thời gian thuốc tác dụng ngắn nên phải dùng thuốc nhiều lần trong ngày.
Thuốc kháng histamin H1 thế hệ 2 gồm loratadin, cetirizin, fexofenadin ít gây buồn ngủ hơn thuốc thế hệ 1 nên được sử dụng rộng rãi hơn trong điều trị.
Thuốc chỉ giúp làm giảm triệu chứng, không làm thay đổi căn nguyên của bệnh. Do đó khi bệnh nhân đã biết mình bị dị ứng với loại thực phẩm nào đã từng ăn thì nên tránh ăn cho lần sau.
Methylprednisolone: Trường hợp dị ứng thức ăn nặng hơn, ngoài kháng histamin H1, bệnh nhân có thể cần phối hợp với thuốc methylprednisolone. Đây là thuốc thuộc nhóm corticoid có tác dụng ức chế hệ thống miễn dịch của cơ thể, giúp giảm các triệu chứng khó chịu như sưng, đau và dị ứng.
Thuốc sử dụng bằng đường uống theo chỉ dẫn của bác sĩ, uống sau bữa ăn. Do thuốc có khá nhiều tác dụng phụ, nên cần tuân thủ hướng dẫn điều trị của bác sĩ. Không nên tự ý tăng liều hoặc kéo dài liều thuốc hơn với hướng dẫn của bác sĩ. Vì nếu dùng sai cách thì tình trạng bệnh có thể không cải thiện nhiều mà nguy cơ xảy ra tác dụng phụ cao hơn.
Trường hợp các phản ứng dị ứng thức ăn nặng, có dấu hiệu hạ huyết áp hoặc phù nề, khó thở… ngoài việc sử dụng các thuốc chống dị ứng bệnh nhân có thể phải dùng đến thuốc nâng huyết áp, thuốc chống viêm, giãn phế quản, thuốc chống phù nề… Các thuốc này sẽ được sử dụng tại các cơ sở y tế. Do đó, sau khi sơ cứu bệnh nhân và dùng thuốc chống dị ứng tại nhà, cần đưa bệnh nhân đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được cấp cứu…
Mời độc giả xem thêm video:
Dị ứng thức ăn ngày tết: nhận biết và cách xử trí | SKĐS