Hà Nội

Cách chữa cơn co quắp tay khi mang thai

14-01-2015 14:00 | Đời sống
google news

SKĐS - Cháu đang mang thai tháng thứ 7, thỉnh thoảng bị co quắp bàn tay rất đau. Đi khám bác sĩ chẩn đoán bị cơn tétani.

Cháu đang mang thai tháng thứ 7, thỉnh thoảng bị co quắp bàn tay rất đau. Đi khám bác sĩ chẩn đoán bị cơn tétani. Xin hỏi vì sao bị bệnh này? Cách điều trị?

Hoàng Thị Loan (Hà Nội)

Cơn tétani là một tình trạng kích thích quá mức của hệ thống thần kinh - cơ, dấu hiệu báo trước hoặc đi kèm là hiện tượng dị cảm, nặng nề ở tay, chân, vùng quanh miệng. Tiếp theo là tình trạng co cơ đột ngột, nhất là ở bàn tay và ngón tay tạo nên hình ảnh như bàn tay người đỡ đẻ. Tình trạng co cơ có thể biểu hiện ở các vị trí khác như ở chân hay ở mặt. Một số trường hợp có kèm với co thắt cơ trơn gây nên tình trạng khó thở do co thắt khí quản hay đau bụng do co thắt cơ trơn ở ruột... Tình trạng co cơ kéo dài từ vài phút đến vài giờ. Có thể có tình trạng lo lắng, hoảng hốt, mạch nhanh...  Xét nghiệm máu trong cơn sẽ thấy canxi máu giảm nhưng đôi khi có những trường hợp canxi máu không giảm.

Trong quá trình mang thai và cho con bú, một lượng lớn canxi được lấy từ người mẹ sang thai nhi để phát triển hệ thống xương của thai nhi. Quá trình này làm cho nồng độ canxi máu của người mẹ giảm, đặc biệt ở những người mẹ có chế độ ăn không đầy đủ canxi theo nhu cầu (1.500mg/ngày) hay những người bị bệnh đường tiêu hóa mạn tính làm giảm hấp thu canxi ở ruột. Những người nghén nhiều như nôn nhiều làm mất nước, điện giải và tình trạng kiềm hóa kèm theo tình trạng lo lắng, tạo điều kiện cho cơn tétani xuất hiện. Điều trị: phải bổ sung canxi (1.000 - 1.500mg/ngày) và vitamin D bằng các thức ăn giàu canxi (cua, cá, thịt...), phơi nắng để tăng tổng hợp vitamin D từ da. Các triệu chứng của cơn tétani sẽ hết đi nhanh nếu được tiêm tĩnh mạch dung dịch canxi (thường dùng 500 - 1.000mg dung dịch canxi clorua).

BS. Ngọc Anh

 

 

 

 


Ý kiến của bạn