Hà Nội

Cách chống tích tụ sỏi thận

15-08-2018 11:04 | Dinh dưỡng
google news

SKĐS - Ông vào Khoa Đông y điều trị, sau 2 ngày theo dõi và nghiên cứu bệnh sử của ông lưu trên máy vi tính, bác sĩ lại gợi ý ông: nên mổ để loại bỏ sỏi thận vì sỏi đã gây giãn đài bể thận phải, gây suy thận giai đoạn 2. Ông đề nghị đưa ông đến bác sĩ trưởng khoa thận - tiết niệu để tư vấn.

Chiều hôm sau ông được TS.BS.  Nguyễn Văn Tín - Trưởng khoa Thận tiết niệu - Lọc máu tiếp. Bác sĩ thông báo cho ông biết: bác sĩ đã đọc 4 kết quả siêu âm ổ bụng gần đây của ông (cái xa nhất là 2 năm, gần nhất là 1 tháng) thấy kích thước viên sỏi to nhất đều giảm dần, đến nay đã nhỏ đến mức không cần mổ để lấy sỏi nữa (dưới 10mm. Các sỏi này đều nằm dưới đài bể thận nên không thể lấy sỏi ra bằng phương pháp tán sỏi được. Được lời như cởi tấm lòng, ông báo cáo với bác sĩ về những kiến thức mà ông đã thu thập được về sỏi thận và cách chống đỡ với sỏi thận mà ông đã thực hiện sau khi trốn mổ cách đây 5 năm.

Cách chống tích tụ sỏi thậnĂn các loại rau quả có chứa axít citric

Y học ghi nhận: sỏi thận có 4 loại:

- Sỏi canxi (còn gọi là sỏi vô cơ) là nhiều nhất (80%) sỏi canxi có 3 thứ là sỏi oxalat, sỏi photphat và sỏi cacbonat. Sỏi oxalat chiếm phần lớn, do sỏi ghồ ghề sắc nhọn nên thường gây các cơn đau dữ dội, gây đái ra máu. 3 loại sỏi hữu cơ là:

- Sỏi struvit còn gọi là sỏi nhiễm trùng (thường gặp ở phụ nữ) do magie kết hợp với chất thải của vi khuẩn (chiếm khoảng 10%); sỏi màu vàng trắng do vi khuẩn Proteus gây nhiễm khuẩn đường tiểu.

- Sỏi axít uric gặp ở người có nồng độ axít uric cao (pH nước tiểu thấp) còn gọi là sỏi urat; sỏi mềm, màu gạch cua, không cản quang.

- Sỏi cystin (do di truyền) hiếm gặp. Sỏi mềm, nhẵn, màu vàng nhạt.

Nguyên nhân tạo sỏi thận: do rối loạn trao đổi khoáng chất, cái phải tan lại không tan mà kết tủa rồi tích tụ thành sỏi,  kích thước viên sỏi mỗi ngày một lớn lên.

Trường hợp của ông không có biểu hiện gì về sỏi thận như: đau lưng,  đau khi ngồi lâu, sưng vùng thận, sốt, buồn nôn,  nước tiểu đục và có mùi hôi, tiểu buốt... mà tình cờ một lần làm các xét nghiệm tổng thể kiểm tra sức khỏe năm 2006, trong đó có siêu âm ổ bụng mới phát hiện ra sỏi ở thận phải (nhóm đài dưới có sỏi tập trung thành đám, viên lớn nhất 13mm gây giãn nhẹ đài thận và các nhóm đài). Từ đó ông mới quan tâm tìm hiểu về bệnh sỏi thận. Năm 2013, ông đến khám ở khoa Thận - tiết niệu. Sau khi xét nghiệm máu và siêu âm ổ bụng có kết quả: creatinin 137; đài thận phải có sỏi 5 - 6mm; bể thận niệu quản phải có sỏi 19mm, bác sĩ cho nhập viện để chuẩn bị mổ. Ngày mổ thận, 6h sáng ông bị hắt hơi liên tục phải nhai gừng tươi 1 miếng to mới hết, nên báo cáo bác sĩ là ông không thể lên bàn mổ vì sợ hơi lạnh của máy điều hòa và tác dụng phụ của gừng tươi sẽ làm chảy máu vết mổ không cầm được, xin hoãn mổ để về nhà ngày  26/6/2013. Sau đó ông tập trung vào đọc các tài liệu hướng dẫn ăn uống để chống tích tụ sỏi thận, vì ông biết rằng: người bị sỏi thận canxi nếu có mổ để lấy hết sỏi hoặc tán sỏi thì sau đấy vài năm vẫn bị sỏi thận trở lại.

Cách chống tích tụ sỏi thậnThường xuyên tập thể dục hàng ngày

Sỏi canxi oxalat do axít oxalic trong các loại rau quả hóa hợp với canxi trong thức ăn tạo thành ở những người rối loạn trao đổi khoáng chất. Axít oxalic có trong nhiều loại rau quả, người ta chia ra 4 loại hàm lượng axít oxalic trong rau quả là: rất cao, cao, trung bình, thấp để người bệnh lựa chọn chỉ dùng thường xuyên loại có hàm lượng thấp và trung bình. Kiêng ăn loại có hàm lượng rất cao như quả khế, me,  rau cần tây, cải bó xôi, rau dền các loại,  đậu nành…  Ăn hạn chế loại có hàm lượng cao như: khoai tây chiên, lạc (đậu phộng), hạt điều, hạnh nhân, cải bẹ xanh, quả mơ, khoai lang, cà chua... Mặt khác  chống tích tụ sỏi thận và sỏi niệu quản cần thường xuyên ăn các loại rau quả có chứa axít citric (axít citric citrat hóa nước tiểu, hòa tan các muối của axít  oxalic  và uric, nên chống tạo sỏi): các loại quả họ cam như: chanh, cam, quýt, bưởi (loại có hàm lượng axít citric cao nhất) và nhiều loại quả khác như: dứa, ổi, xoài, nho, roi (mận) táo, đào, lê, dưa hấu, vải, đu đủ, chuối... Nên ăn các loại quả này trước hoặc sau khi ăn cơm 1 - 2 giờ, tổng số các loại quả mỗi bữa khoảng 300g không quá 500g) giúp cho hấp thu các dưỡng chất trong quả được tốt, chống tạo sỏi và chống táo bón rất tuyệt. Uống đủ nước (1,5 - 2 lít/ngày) không đợi khát mới uống, buổi tối trước khi ngủ và buổi sáng khi vừa dậy ông uống 1 cốc nước ấm (150ml); khi ra khỏi nhà ông mang theo chai nước để uống. Ăn ít đạm động vật. Thường xuyên tập thể dục hàng ngày (buổi sáng ông tập bài Nâng cao khí lực 49 động tác, buổi trưa tập Đạt Ma dịch cân kinh, buổi chiều đi bộ 30 phút).


DS. TRẦN XUÂN THUYẾT
Ý kiến của bạn