Cách chọn và sử dụng sữa cho người mắc bệnh nền theo hướng dẫn của chuyên gia dinh dưỡng

18-04-2025 08:00 | Dinh dưỡng
google news

SKĐS - Sữa là nguồn cung cấp dinh dưỡng thiết yếu, đặc biệt quan trọng đối với người mắc các bệnh mạn tính như đái tháo đường, suy thận.... Tuy nhiên, việc lựa chọn loại sữa phù hợp cần được cân nhắc kỹ lưỡng nhằm tránh những ảnh hưởng tiêu cực đến quá trình điều trị và sức khỏe toàn diện của người bệnh.

1. Cách chọn sữa đối với bệnh đái tháo đường

Mục tiêu dinh dưỡng chính là kiểm soát đường huyết ổn định. Chọn sữa bổ sung dinh dưỡng cũng cần chú ý tránh tình trạng tăng đường huyết sau uống sữa và hỗ trợ quá trình chuyển hóa năng lượng hiệu quả.

Lưu ý khi chọn sữa:

- Ưu tiên các loại sữa chuyên biệt cho người đái tháo đường, có chỉ số đường huyết thấp (low GI), giúp làm chậm quá trình hấp thu đường vào máu.

- Tránh các loại sữa có chứa đường tinh luyện, siro, maltodextrin, hoặc các chất tạo ngọt dễ gây tăng đường huyết.

- Nên chọn các sản phẩm có chứa chất xơ hòa tan như inulin hoặc FOS giúp cải thiện hệ vi sinh đường ruột và kiểm soát glucose tốt hơn.

Lưu ý khi sử dụng:

- Bệnh nhân có nguy cơ tăng đường huyết về đêm nên có lời khuyên cụ thể về lượng sữa vào buổi tối để kiểm soát tốt đường huyết.

- Kết hợp theo dõi đường huyết thường xuyên để đánh giá khả năng dung nạp sản phẩm.

Cách chọn và sử dụng sữa cho người mắc bệnh nền theo hướng dẫn của chuyên gia dinh dưỡng- Ảnh 1.

Với người có bệnh nền, lựa chọn đúng loại sữa, sản phẩm dinh dưỡng sử dụng hợp lý và theo dõi thường xuyên là điều kiện tiên quyết để đảm bảo an toàn và hiệu quả.

2. Chọn sữa đối với bệnh suy thận

Mục tiêu dinh dưỡng trong bệnh thận là giảm tải chuyển hóa cho thận, kiểm soát lượng protein, phospho, kali và natri trong khẩu phần.

Lưu ý khi chọn sữa:

- Sữa dành riêng cho người bệnh thận thường có công thức đặc biệt: hàm lượng đạm (protein) thấp nhưng giá trị sinh học cao, lượng kali, phospho và natri được kiểm soát chặt.

- Tránh các loại sữa có bổ sung nhiều vitamin D và canxi nếu người bệnh đã có tăng canxi máu.

- Ưu tiên chọn sữa giàu năng lượng (calo cao) nhưng không gây tăng tải điện giải.

Lưu ý khi sử dụng:

- Chỉ sử dụng theo đúng chỉ định từ chuyên gia dinh dưỡng hoặc bác sĩ điều trị.

- Thực hiện xét nghiệm định kỳ để theo dõi chức năng thận và điều chỉnh lượng sữa nếu cần thiết.

- Người bệnh chạy thận nhân tạo hoặc lọc màng bụng có nhu cầu dinh dưỡng khác biệt và cần cá thể hóa chế độ ăn, bao gồm cả lựa chọn sữa.

3. Một số lời khuyên chung với người mắc bệnh nền khi sử dụng các sản phẩm dinh dưỡng

- Đọc kỹ thành phần dinh dưỡng trên bao bì sản phẩm, chú ý đến hàm lượng đường, đạm, chất béo, natri, kali, phospho và các vi chất khác.

-Nên tham khảo ý kiến từ chuyên gia y tế.

- Cân đối năng lượng từ sữa với các nguồn khác trong khẩu phần để không bị dư năng lượng, đặc biệt đối với người có thừa cân, béo phì.

- Kiểm tra thường xuyên các chỉ số sinh hóa và sức khỏe để có sự điều chỉnh phù hợp về loại sữa và lượng sử dụng.

Sữa là một thực phẩm trong chế độ ăn đa dạng, lành mạnh quan trọng cho người mắc bệnh nền (như đái tháo đường, suy thận…), giúp hỗ trợ điều trị, tăng cường sức đề kháng và cải thiện chất lượng cuộc sống. Tuy nhiên, lựa chọn đúng loại sữa, sản phẩm dinh dưỡng sử dụng hợp lý và theo dõi thường xuyên là điều kiện tiên quyết để đảm bảo an toàn và hiệu quả. Việc phối hợp chặt chẽ giữa người bệnh - bác sĩ - dinh dưỡng viên sẽ giúp tối ưu hóa lợi ích từ sản phẩm sữa, đồng thời hạn chế tối đa các rủi ro có thể xảy ra.

4 tác hại nghiêm trọng khi phụ nữ mang thai uống phải sữa giả4 tác hại nghiêm trọng khi phụ nữ mang thai uống phải sữa giả

SKĐS - Sữa giả không chỉ đơn giản là không có giá trị dinh dưỡng mà nó còn có thể gây hậu quả nghiêm trọng cho sức khỏe người dùng, đặc biệt là phụ nữ mang thai cần được chăm sóc dinh dưỡng và đảm bảo an toàn sức khỏe.

Mời độc giả xem thêm video:

Danh tính 2 'ông trùm' điều hành 9 công ty sản xuất sữa giả gây rúng động dư luận.


TS. BS Bùi Thị Thuý
Ý kiến của bạn