1. Trẻ bị sốt có phải uống thuốc không?
Sốt là biểu hiện khả năng phòng vệ của cơ thể chống lại nhiễm trùng. Nếu trẻ bị sốt, có nghĩa là hệ thống miễn dịch của trẻ đang hoạt động.
Chúng ta thường định nghĩa sốt là nhiệt độ ở nách ≥ 37,5 độ C. Tuy nhiên, nhiệt độ cơ thể cơ bản của mỗi người là khác nhau. Một số bé có thân nhiệt 38 độ C vẫn có thể chạy nhảy vui vẻ, trong khi một số bé có thân nhiệt 37,3 độ C đã mệt mỏi, quấy khóc. Vì vậy, ngoài việc xem con số trên nhiệt kế, cha mẹ cũng nên chú ý xem trẻ có biểu hiện bất thường nào không, chẳng hạn như trẻ có khó chịu không, trạng thái tinh thần ra sao, sức khỏe thế nào...
Khi trẻ sốt và nhiệt độ cơ thể không vượt quá 38 độ C, cha mẹ có thể thực hiện nhiều biện pháp khác nhau để trẻ cảm thấy dễ chịu hơn mà chưa cần dùng thuốc hạ sốt. Ví dụ: Mặc cho trẻ loại quần áo phù hợp, có khả năng thấm hút mồ hôi; khuyến khích trẻ uống nhiều nước hơn (nếu trẻ không muốn uống nước đun sôi, có thể cho trẻ uống nước trái cây); theo dõi chặt chẽ nhiệt độ cơ thể và trạng thái tinh thần của trẻ. Khi nhiệt độ cơ thể cao hơn 38,5 độ C và trạng thái tinh thần của trẻ xấu đi, cần cân nhắc sử dụng thuốc hạ sốt.
2. Khi nào nên dùng thuốc hạ sốt?
Hiện tại, quyết định có sử dụng thuốc hạ sốt không chỉ dựa trên nhiệt độ cơ thể mà dựa trên đánh giá tình trạng chung của trẻ, thể trạng và các bệnh lý tiềm ẩn... Nếu nhiệt độ cơ thể chưa vượt quá 38 độ C đồng thời trẻ không có biểu hiện mệt mỏi, quấy khóc… thì cha mẹ không nên vội vàng cho trẻ uống thuốc hạ sốt. Khi chưa được chẩn đoán rõ ràng, việc dùng thuốc hạ sốt có thể che đậy tình trạng bệnh và cản trở việc chẩn đoán.
Khi nhiệt độ cao hơn 38,5 độ C có thể cân nhắc việc dùng thuốc. Tuy nhiên, 38,5 độ C thực ra chỉ là điểm giới hạn được đặt ra dựa trên kinh nghiệm lâm sàng thực tế. Nếu trẻ cảm thấy rất khó chịu, thậm chí nhiệt độ chưa tới 38,5 độ C thì vẫn có thể cho trẻ sử dụng thuốc hạ sốt. Việc cho trẻ uống thuốc hạ sốt đúng lúc sẽ làm giảm bớt sự khó chịu về thể chất của trẻ. Nếu trẻ có tiền sử sốt cao co giật thì nên cho trẻ dùng thuốc càng sớm càng tốt.
3. Cách chọn thuốc hạ sốt cho trẻ
Khi lựa chọn thuốc hạ sốt cho trẻ, paracetamol và ibuprofen là 2 loại thuốc hạ sốt được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khuyên dùng. Dạng bào chế đường uống là lựa chọn hàng đầu để hạ sốt cho trẻ. Trong trường hợp trẻ khó nuốt, nôn mửa, khó chịu… mới nên dùng thuốc đạn đặt hậu môn. Cả paracetamol và ibuprofen đều có hiệu quả nhưng mỗi loại có những đặc điểm riêng.
Paracetamol tương đối an toàn, không gây kích ứng hoặc chảy máu đường tiêu hóa, không ảnh hưởng đến chức năng tiểu cầu, không gây độc cho thận, không gây mất bạch cầu hạt nhưng dùng quá liều có thể gây độc cho gan. Thuốc được WHO khuyến cáo là thuốc hạ sốt được lựa chọn hàng đầu cho trẻ sơ sinh và trẻ em trên 2 tháng tuổi bị sốt cao. Liều lượng là 10 đến 15 mg cho mỗi kg trọng lượng cơ thể, cứ sau 4 đến 6 giờ.
Ibuprofen thích hợp cho trẻ trên 6 tháng tuổi với liều 5 đến 10 mg cho mỗi kg trọng lượng cơ thể, cứ sau 6 đến 8 giờ.
Paracetamol và ibuprofen đều có thể đáp ứng nhu cầu của trẻ bị sốt khác nhau ở nhiều khía cạnh khác nhau, nhưng khi trẻ sốt chỉ sử dụng một loại thuốc để kiểm soát nhiệt độ cơ thể, không nên sử dụng xen kẽ paracetamol và ibuprofen hoặc kết hợp cả hai loại thuốc này với nhau sẽ làm tăng nguy cơ phản ứng có hại của thuốc.
4. Các bước sử dụng thuốc hạ sốt đúng cách
Khi sử dụng thuốc phải tuân thủ nghiêm ngặt liều lượng và tần suất dùng thuốc trong ngày theo hướng dẫn, không tự ý tăng liều lượng để tăng hiệu quả của thuốc.
Đối với thuốc hạ sốt dạng hỗn dịch, hầu hết hoạt chất chìm xuống đáy chai ở trạng thái tĩnh, cần lắc nhiều lần trước khi sử dụng để trộn đều thuốc.
Khi nhiệt độ cơ thể hạ thường kèm theo tình trạng ra nhiều mồ hôi, nên cha mẹ cũng cần chú ý bổ sung nước và điện giải cho trẻ kịp thời. Trẻ uống nhiều nước ấm cũng thúc đẩy nhanh quá trình phục hồi thể chất.
Cần chú ý theo dõi chặt chẽ tình trạng sức khỏe của trẻ. Nếu xuất hiện các dấu hiệu: Sốt cao trên 39,5 độ C; trẻ không uống được nước hoặc bị co giật; trẻ lơ mơ, buồn ngủ, ngủ li bì hoặc khó đánh thức; trẻ thở rít thanh quản; thở gấp và xuất hiện vết lõm ở phần dưới thành ngực... cần đưa trẻ đi khám ngay.
Tóm lại, nếu trẻ bị sốt, điều quan trọng là phải tìm ra nguyên nhân gây sốt và điều trị triệu chứng sốt khi cần thiết. Nếu cơn sốt xảy ra liên tục trong hơn 2 ngày hoặc xuất hiện những tình trạng vừa nêu trên, cha mẹ cần đưa trẻ đi khám.
Mời xem thêm video được quan tâm:
Sốt xuất huyết có tự khỏi được không? Dấu hiệu nào cho biết đã khỏi bệnh?