Thiết bị phòng cháy bán tràn lan trên mạng
Gần đây nhiều vụ cháy xảy ra liên tục với hậu quả thương tâm, nhiều gia đình ở Hà Nội tá hỏa đi mua các thiết bị phòng cháy. Bà Lê Thị Loan (Mễ Trì, Hà Nội) có khu nhà cho thuê trọ với 12 phòng, 5 tầng. Để phòng ngừa hỏa hoạn, bà gọi thợ đến lắp cửa chống cháy ở tầng 1 để khói không lan lên các tầng trên nếu không may xảy ra sự cố. Gọi điện cho một đơn vị nhận làm cửa chống cháy, bà được giới thiệu nhiều loại chất liệu khác nhau với giá 3,5 triệu đồng/m. Diện tích cầu thang nhà bà nhỏ nên đầu tư làm cửa chống cháy có giá khoảng 8 triệu đồng.
"Tìm hiểu các thiết bị chống cháy khác thì tôi thấy loạn hết cả giá. Loại thang dây có chỗ báo giá 500 ngàn đồng/m, có chỗ trên sàn thương mại điện tử lại chỉ bán 250 ngàn đồng/m. Ngoài ra, các loại bình chữa cháy, bọt chữa cháy... cũng mỗi nơi một giá, không biết thế nào mới là đúng chuẩn", bà Lê Thị Loan chia sẻ.
Thực tế, trang bị thiết bị phòng cháy chữa cháy là cần thiết nhưng không phải ai cũng đủ kiến thức để trang bị cho mình sản phẩm đạt chuẩn chất lượng. Hiện nay tình trạng mua phải hàng giả, hàng chưa qua kiểm duyệt, kém chất lượng là vấn đề người dân lo ngại. Nhiều cửa hàng trên các sàn thương mại điện tử rao bán rất nhiều thiết bị phòng cháy chữa cháy giá rẻ bất ngờ.
Theo thống kê từ Cục Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy cứu nạn và cứu hộ, năm 2023, cả nước có gần 3500 vụ hỏa hoạn khiến 150 người chết, thiệt hại gần 900 tỷ đồng. Nguyên nhân hàng đầu gây ra các vụ cháy là do sự cố hệ thống, thiết bị điện. Chỉ tính trong 4 tháng đầu năm 2024 cả nước có gần 1.560 vụ cháy, gây nhiều thiệt hại về tính mạng và tài sản.
Để khống chế đám cháy người dân cần có kiến thức cơ bản và được đào tạo cơ bản nghiệp vụ về phòng, chữa cháy. Thiếu các trang thiết bị phòng cháy chữa cháy, cứu nạn cứu hộ cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến thiệt hại lớn về người và tài sản.
Chỉ cần gõ trên mạng xã hội cụm từ "mặt nạ phòng cháy", "thang dây" sẽ cho ra nhiều hội nhóm, fanpage, cá nhân rao bán với đủ chủng loại, mẫu mã, giá cả và nguồn gốc xuất xứ. Theo tìm hiểu của phóng viên, mặt nạ trùm kín mặt có được rao bán nhiều nhất, nhưng giá cả mỗi nơi mỗi khác. Loại này trước đây chỉ có giá 60.000 đồng/chiếc thì nay lên 80.000 - 100.000 đồng/chiếc. Có nơi bán 200.000 - 300.000 một chiếc.
Thượng tá, PGS.TS Nguyễn Tuấn Anh, Trưởng khoa Chữa cháy, Trường Đại học Phòng cháy chữa cháy Hà Nội cho biết, việc trang bị phương tiện an toàn phòng cháy chữa cháy như bình chữa cháy, búa, kìm phá khóa, mặt nạ phòng độc, dây thoát hiểm thả chậm… cho gia đình là cần thiết đối với công tác phòng ngừa, sẵn sàng ứng phó với hỏa hoạn tại chỗ. Tuy nhiên, việc mua phải hàng giả cũng là điều mà người dân lo ngại, rất cần tuyên truyền và hướng dẫn người dân một cách cặn kẽ về cách thức lựa chọn sản phẩm không đảm bảo an toàn, chất lượng.
"Việc tuyên truyền, hướng dẫn trang bị và sử dụng các thiết bị phòng cháy chữa cháy có ý nghĩa rất lớn. Việc này sẽ giúp cho người dân có thể một là lựa chọn đúng loại trang thiết bị phương tiện vừa với gia đình mình. Thứ hai là hướng dẫn kỹ năng và cách thức sử dụng cho hợp lý để khi xảy ra cháy thì mình sẽ lựa chọn phương tiện nào và lựa chọn cách thức sử dụng ra sao", Thượng tá, PGS.TS Nguyễn Tuấn Anh chia sẻ.
Nhận biết thiết bị phòng cháy đúng chuẩn
Theo chuyên gia Nguyễn Tuấn Anh, dấu hiệu nhận biết các hoạt động thương mại điện tử rao bán hàng giả, hàng nhái trên mạng xã hội và các sàn thương mại điện tử rất tinh vi. Sản phẩm được rao bán với giá cực kỳ hấp dẫn, thường rẻ hơn rất nhiều so với giá thị trường. Đây có thể là dấu hiệu của hàng giả, hàng nhái hoặc gian lận.
Cần cảnh giác khi người bán không cung cấp đủ thông tin chi tiết về sản phẩm, như thông số kỹ thuật, nguồn gốc, chất lượng, thông tin về nhà cung cấp và bảo hành. Sản phẩm nhận được đánh giá và nhận xét tích cực một cách quá mức, không tự nhiên hoặc không đáng tin cậy. Đây có thể là một chiêu trò để tạo lòng tin và thuyết phục người mua.
Để phân biệt các thiết bị phòng cháy chữa cháy chính hãng hay không phụ thuộc vào nhãn mác của sản phẩm. Thông tin bên ngoài thiết bị phòng cháy chữa cháy bao gồm thông số kỹ thuật, nơi sản xuất, thời gian sản xuất… Trên mỗi bình chứa cháy chính hãng sẽ có một mã quét, khi kiểm tra sẽ nhận được toàn bộ thông tin của thiết bị.
Thượng tá, PGS.TS Nguyễn Tuấn Anh khuyên, người dân không nên vì giá rẻ mà mua những thiết bị phòng cháy chữa cháy không rõ nguồn gốc, chất lượng. Chỉ nên mua các sản phẩm được cơ quan chức năng kiểm định, mua tại các cửa hàng được cấp phép kinh doanh đầy đủ.
Loại bình chữa cháy thông dụng nhất, phù hợp với hộ gia đình hiện nay có 2 loại là bình bột và bình khí. Các loại bình này có nhiều trọng lượng khác nhau, tuy nhiên trong gia đình thường dùng bình có trọng lượng từ 4kg - 8 kg (bình bột) và 3kg - 5kg (bình khí C02).
Trên đầu vòi bình chữa cháy đều có đồng hồ hiển thị vạch "xanh, vàng, đỏ" tương đương với mức độ sử dụng an toàn khác nhau. Kim đồng hồ luôn chỉ vạch xanh là bình đang sử dụng tốt, vàng là sử dụng kém hơn và kim chỉ vạch đỏ là báo bình hết tác dụng.
Bình chữa cháy bán trên thị trường rất đa dạng, tuy nhiên tất cả các sản phẩm đều được dán tem quy chuẩn của cơ quan kiểm định chất lượng, do Cục Cảnh sát PCCC - Bộ Công an quy định. Hơn nữa, khi mua bình chữa cháy, người dân cần bảo quản đúng cách, để trong phòng nơi thoáng mát, dễ quan sát, không cho trẻ em nghịch tránh việc xì khí làm giảm áp lực trong bình, dẫn đến hư hỏng và khi cần không sử dụng được.
Xem thêm video đang được quan tâm:
Bản tin dự báo thời tiết mới nhất hôm nay ngày 19/6 | SKĐS