Hà Nội

Cách cho trẻ ăn Tết đủ dinh dưỡng cha mẹ cần biết

TTƯT.ThS.BS. Lê Thị Hải

TTƯT.ThS.BS. Lê Thị Hải

Chủ tịch Hội Dinh dưỡng Nhi khoa

10-01-2017 15:01 | Phòng mạch online
google news

SKĐS - Giữa la liệt các loại đồ ăn thức uống ngày Tết khiến không ít các bậc phụ huynh cảm thấy bối rối không biết nên cho con trẻ ăn gì, ăn bao nhiêu là đủ. Trong khi đó, hầu như đứa trẻ nào cũng chỉ thích bánh kẹo, các loại đồ uống ngọt, hoặc có gas. ThS.BS dinh dưỡng Lê Thị Hải đã có những hướng dẫn cụ thể về chế độ ăn cho trẻ dịp Tết.

Tránh “no dồn đói góp”

Làm sao để cân bằng dinh dưỡng cho bé trong những ngày Tết mà không mất nhiều thời gian nấu nướng? Đây là sự trăn trở của không ít các bà mẹ. Theo ThS.BS Lê Thị Hải, Nguyên Giám đốc Trung tâm Khám, tư vấn Dinh dưỡng, Viện Dinh dưỡng quốc gia, riêng đối với trẻ em, ở Trung tâm Dinh dưỡng, sau dịp Tết, thường thấy có hai tình trạng xảy ra: một là nhiều cháu rơi vào tình trạng ăn quá nhiều, ăn đồ ngọt, đồ xào rán... khiến cân lên vù vù, rơi vào tình trạng béo phì.

Trường hợp khác lại là các cháu bé, do bố mẹ quá bận rộn, không có thời gian chăm sóc con, cho nên trong dịp tết, các cháu thường ăn uống lung tung, dẫn tới việc bị rối loạn tiêu hóa, bị sụt cân, suy dinh dưỡng. Vì vậy, các bậc cha mẹ có con nhỏ xin lưu ý vào dịp tết là nên cố gắng giữ cho nhịp độ sinh hoạt của các cháu đều đặn, dù biết là không được như ngày thường song cũng đừng quá chênh lệch, tránh tình trạng no dồn đói góp…

táo bónCần cho trẻ ăn cân bằng dinh dưỡng ngày Tết tránh rối loạn tiêu hóa. Ảnh minh họa.

“Các món ăn dễ dàng nhất cha mẹ có thể nấu cho các cháu nhân dịp tết là nấu cháo, có sẵn thịt, xương để nấu nước dùng. Hoặc có thể nấu bún, phở, nấu súp thập cẩm, nhiều dinh dưỡng cho các cháu. Có thể nấu súp khoai tây, cà rốt, bí đỏ, bí xanh. Hoặc có thể cho con ăn ít bánh mỳ gối. Cha mẹ nên mua tích trữ ít sữa tươi cho các cháu”- ThS. Hải tư vấn.

Hạn chế bánh kẹo, tăng cường rau xanh

Bánh kẹo là loại thực phẩm khiến nhiều trẻ em thích thú, đôi khi lại ăn được nhiều hơn cả cơm canh hàng ngày. Tuy nhiên, chuyên gia dinh dưỡng Lê Thị Hải khuyên, cha mẹ không nên cho con ăn quá nhiều bánh ngọt, uống nước ngọt, nước có gas...

ThS. Hải cho rằng, cần lưu ý là con trẻ vào tuổi này rất thích ăn bánh kẹo, nhưng các bậc cha mẹ nên hạn chế các con, tăng cường cho các con ăn rau xanh, hoa quả. Cha mẹ có thể ép các loại nước quả như nước ổi, dứa..., thay vì cho con uống nước ngọt.

Việc chế biến thực phẩm này, theo ThS. Hải, không quá mất nhiều thời gian của phụ huynh mà vẫn đảm bảo đủ dinh dưỡng cho các con nhỏ trong dịp lễ, tết.

rối loạn tiêu hóaẢnh minh họa.

Coi chừng chứng táo bón

Với trẻ em, ngày Tết là ngày trẻ mong chờ nhất, bởi vì ngày thường, trẻ hay bị bố mẹ, ông bà cấm đoán không được ăn cái nọ, cái kia nhưng đến ngày Tết, người lớn thường lơ là, để cho trẻ con ăn uống thỏa thích. Tuy nhiên, nếu ăn nhiều đồ ngọt, nhiều thịt thì rất dễ khiến trẻ bị chứng táo bón.

“Vì khi ăn quá nhiều đồ ngọt, nhiều thịt thì cơ thể bị thiếu chất xơ; ăn quá nhiều chất đạm, cơ thể cần rất nhiều nước để chuyển hóa chất đạm, đạm vào cơ thể chuyển hóa thành ure, ure thải trừ qua nước tiểu, khi đi tiểu nhiều thì dẫn tới kích thích ruột già, khiến thành ruột tăng sự hấp thụ nước, khiến phân khô cứng lại, gây táo bón. Thêm vào đó trẻ lại ít ăn rau, không chịu uống nước lọc mà lại uống nước ngọt, nước có gas, nước có chất caffeine càng khiến tình trạng táo bón nặng nề hơn”- ThS. Hải lý giải.

Do đó, bác sĩ dinh dưỡng khuyến cáo, cha mẹ nên chọn các món rau mà trẻ yêu thích, thay đổi cách chế biến, tăng cường cho trẻ ăn hoa quả tươi, có tính chất nhuận tràng như bưởi, chuối, thanh long... Có thể thay vì cho trẻ ăn bánh, kẹo ngọt thì cha mẹ cho trẻ ăn sữa chua hàng ngày, uống các loại nước quả ép, nước rau củ quả luộc. Hoặc có thể nấu rau thành dạng súp, dạng canh để cho các cháu ăn, giúp tránh táo bón trong dịp tết. Ngoài ra, cũng có thể mua thêm men vi sinh, trong trường hợp trẻ không chịu ăn sữa chua.

Không tự ý mua thuốc táo bón cho trẻ uống

Về vấn đề táo bón ở trẻ em, PGS.TS Nguyễn Thị Diệu Thúy, Trưởng Bộ môn Nhi, Trường Đại học Y Hà Nội cho biết: Táo bón không gây ra hậu quả ngay tức khắc nên chúng ta không để ý nhiều. Trên thực tế, có những đứa trẻ bị táo bón rất lâu ngày mới được đưa đến bệnh viện thăm khám. Ngoài chế độ dinh dưỡng, cha mẹ cần kiên trì tập cho trẻ đi ngoài vào một thời điểm nhất định trong ngày. Cần phải tập cho trẻ rặn đi ngoài, hàng ngày đều đều mát xa bụng cho trẻ, để kích thích cơn đi ngoài của trẻ. Táo bón là vấn đề rất hay tái đi tái lại, do đó phải duy trì chế độ dinh dưỡng lành mạnh một cách thường xuyên, bền vững nếu không táo bón sẽ lại quay lại và hậu quả ngày càng khó khăn hơn.

Các bà mẹ, khi thấy con bị táo bón, không nên ra ngay hiệu thuốc mua một loại thuốc điều trị táo bón, gây tiêu chảy, gây ra những hậu quả không như mong muốn. Thuốc điều trị táo bón phải được bác sĩ kê, mới được dùng, không được lạm dụng thuốc.

Dương Hải
Ý kiến của bạn