Vì vậy, cần phát hiện sớm các dấu hiệu của bệnh để điều trị kịp thời tránh biến chứng ảnh hưởng lâu dài tới sức khỏe.
Nguyên nhân nào gây bệnh?
Viêm đường hô hấp trên có rất nhiều nguyên nhân khác có thể do dị ứng với thời tiết với các loại dị nguyên khác nhau (kháng nguyên) có trong không khí, trong bụi hoặc tác động của hóa chất, khói thuốc lá (hút hoặc hít phải khói thuốc lá, thuốc lào do người khác nhả ra) hoặc do vi sinh vật gây bệnh (vi nấm, vi khuẩn, virus). Vi khuẩn bao gồm nhiều loại khác nhau, nhưng thường có một số vi khuẩn sống ký sinh ở đường hô hấp trên. Bình thường, chúng không gây bệnh nhưng do gặp yếu tố thuận lợi, đặc biệt sức đề kháng của cơ thể giảm sút, các vi khuẩn ký sinh ở đường hô hấp trên gây bệnh.
Bệnh viêm đường hô hấp trên thường xuất hiện theo mùa, nhất là mùa đông, mùa hanh khô, thời tiết lạnh, sức đề kháng giảm, những người mắc bệnh mạn tính rất dễ tái phát như: bệnh hen, viêm phế quản mạn, viêm phổi viêm xoang...
Giữ ấm để phòng bệnh viêm đường hô hấp trên.
Các dấu hiệu phát hiện sớm
Thông thường, viêm đường hô hấp trên được chia thành 2 loại: viêm đường hô hấp trên cấp tính và viêm đường hô hấp trên mạn tính.
Thể cấp tính: Bệnh xảy ra khi gặp một số yếu tố thuận lợi tác động vào cơ thể như thay đổi thời tiết từ nóng sang lạnh; uống nước quá lạnh hoặc nằm, ngồi trước luồng gió lạnh... Triệu chứng gặp đầu tiên là sốt (có thể sốt nhẹ, đôi khi sốt cao và rét run) kèm theo là ho (ho húng hắng hoặc ho liên tục), hắt hơi và chảy nước mũi. Ngoài ra còn có triệu chứng đau họng khi nuốt nước bọt, khi ăn. Nếu không được điều trị hoặc điều trị không dứt điểm thì rất dễ dàng chuyển thành viêm đường hô hấp trên mạn tính.
Thể mạn tính: Khi gặp điều kiện thuận lợi, thời tiết thay đổi khiến bệnh viêm đường hô hấp mạn tính dễ tái phát. Biểu hiện của viêm đường hô hấp trên mạn tính là ho húng hắng, rát họng, thấy vướng khi nuốt (như có vật gì nằm trong họng), chảy nước mũi thường xuyên (một hoặc cả hai bên mũi). Nghẹt mũi (một bên hoặc cả hai) do hiện tượng phì đại cuốn mũi... Ở những trường hợp bị viêm xoang thường có kèm theo triệu chứng đau đầu...
Một số trẻ em bị VA mạn tính kéo dài mà căn nguyên do trực khuẩn mủ xanh (Pseudomonas aeruginosa) thì chất nhày chảy ra ở mũi thường có màu xanh, thường gọi là “thò lò mũi xanh”. Ngoài chảy nước mũi, khi ngủ, trẻ thường thở bằng miệng.
Chăm sóc đúng
Trẻ chảy nhiều nước mũi, có thể quánh dính dẫn đến nghẹt mũi, tắc mũi (do tăng tiết nhiều ở đường hô hấp trên). Vì vậy, cần làm thông thoáng mũi cho trẻ bằng cách dùng khăn mềm, khô (tốt nhất dùng khăn giấy mềm) để không gây kích thích nhiều ở mũi dẫn đến đau mũi, đỏ mũi do lau quá nhiều lần. Dùng nước muối 9‰ nhỏ vào từng bên mũi để làm loãng dịch mũi, sau đó loại bỏ dịch mũi, nếu là trẻ nhỏ thì dùng bằng dụng cụ hút mũi, dùng tăm bông sạch, khô ngoáy mũi lại. Đối với trẻ, cần làm thông mũi cho trẻ trước khi ăn hoặc bú nếu dịch nhiều, quánh, dính để tránh nôn. Tuy nhiên, đối với trẻ em, tránh lạm dụng nước muối để hút mũi quá nhiều vì sẽ gây teo niêm mạc mũi của trẻ. Tuyệt đối không được nhỏ nước ép tỏi vì tỏi có vị cay dễ gây bỏng niêm mạc. Giữ ấm cơ thể nếu là mùa đông, mùa hè không cần mặc áo quá dày.
Làm gì để phòng bệnh?
Để phòng bệnh viêm đường hô hấp trên trong mùa đông, quan trọng nhất là đẩy mạnh công tác vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường sống.
Đối với vệ sinh cá nhân, nhất là trẻ em và người cao tuổi, mùa đông cần mặc áo ấm, giữ ấm cổ, cần quàng khăn, đi găng tay, tất chân... Cần vệ sinh răng miệng hàng ngày. Nên tập một thói quen tốt là đánh răng trước và sau khi ngủ dậy. Khi ra đường, nên đeo khẩu trang để hạn chế hít phải nhiều bụi, trong đó có những loại bụi có mang cả các dị nguyên và vi sinh vật.
Đối với vệ sinh gia đình và cộng đồng: Mùa đông lạnh, nhà ở cần sạch sẽ, thông thoáng, không bị gió lùa (tránh mở hai cửa lưu thông nhau). Giường ngủ gọn gàng, thường xuyên giặt chăn, màn... Tuyệt đối không hút thuốc lá, thuốc lào. Những gia đình dùng bếp than cần có biện pháp hạn chế đến mức tối đa hít phải khí độc do than khi đốt cháy thải ra. Những gia đình dùng bếp củi, rơm, rạ nên dùng loại bếp ít khói.
Khuyến cáo của thầy thuốc
Khi có một số dấu hiệu của bệnh viêm đường hô hấp trên như: ho, sốt, sổ mũi, hắt hơi..., cần đến cơ sở y tế để được bác sĩ khám và điều trị đúng. Không tự ý sử dụng thuốc, không điều trị theo lời mách bảo của người khác. Đặc biệt, không được tự ý dùng thuốc kháng sinh để điều trị.