Cách chăm sóc trẻ tiêu chảy cấp do Rotavirus

26-07-2020 17:46 | Bệnh thường gặp
google news

SKĐS - Tiêu chảy cấp là loại bệnh thường gặp ở trẻ em lứa tuổi mầm non và những năm đầu cấp tiểu học. Trong đó, bệnh tiêu chảy cấp cho Rotavirus là nguyên nhân hàng đầu gây bệnh tiêu chảy nặng, thậm chí là tử vong ở trẻ nhỏ.

Bệnh tiêu chảy do Rotavirus thường gặp ở trẻ nhỏ. Tiêu chảy cấp do Rotavirus là bệnh có khả năng lây lan nhanh với đường lây truyền phổ biến là phân - miệng. Khi trẻ cầm nắm đồ chơi hoặc chạm tay vào các bề mặt có virus rồi đưa tay lên miệng, virus sẽ dễ dàng xâm nhập đường tiêu hóa của trẻ và gây bệnh. Sau khi bị lây nhiễm khoảng 24 - 48 giờ, bệnh bắt đầu bằng những biểu hiện: sốt, ói mửa nhiều và sau đó là tiêu chảy. Phân lỏng hoàn toàn, có lúc màu xanh nhưng không có máu, tiêu chảy và nôn ói lên đến 20 lần mỗi ngày. Do bị nôn và đi tiêu lỏng nhiều nên trẻ rất dễ bị mất nước, nhanh chóng khô kiệt nếu không được chăm sóc kịp thời. Thông thường, bệnh kéo dài từ 3-8 ngày, một số trường hợp có thế kéo dài đến 2 tuần dù trẻ đã chơi và ăn trở lại.

Lớp bảo vệ của ruột non bị phá hủy vì  tổn thương do Rotavirus nên ảnh hưởng đến sự hấp thu của thức ăn, đặc biệt là sữa. Khi đó, trẻ có thể không dung nạp men lactose (men phân hủy sữa) khiến bé tạm thời  không thể hấp thu sữa hoàn toàn và tiếp đến có những triệu chứng như đau bụng, đau mông, tiêu chảy nhiều hơn và đầy hơi, khó tiêu. Điều này dẫn đến tình trạng sụt cân và suy dinh dưỡng ở trẻ bị tiêu chảy. Các biến chứng liên quan tới sự mất cân bằng muối và nước có thể dẫn đến suy yếu, đầy hơi và mất cân bằng acid máu, thường phải nhập viện kịp thời để điều trị. Khi không được điều trị thích hợp, tiêu chảy có thể dẫn đến tử vong.

Cha mẹ nên lưu ý một số yếu tố làm tăng nguy cơ trẻ mắc bệnh tiêu chảy cấp do Rotavirus: Trẻ dễ mắc bệnh từ 6-11 tháng tuổi. Trẻ bị suy dinh dưỡng, suy giảm miễn dịch.

Điều trị cho trẻ mắc tiêu chảy, quan trọng nhất là bù nước.

Điều trị cho trẻ mắc tiêu chảy, quan trọng nhất là bù nước.

Chăm sóc trẻ bị tiêu chảy do Rotavirus

Rotavirus có thể sống nhiều giờ trên bàn tay, vài ngày trên các bề mặt rắn và tồn tại đến 21 ngày trong phân. Vì vậy, nếu trẻ bị bệnh, nên cho trẻ nghỉ học cho đến khi hết tiêu chảy để tránh lây lan cho các trẻ khác. Giữ vệ sinh tay sạch sẽ, rửa tay sạch bằng xà phòng là biện pháp cơ bản để phòng bệnh. Nên tập cho trẻ có thói quen rửa tay trước khi cầm nắm thức ăn, trước khi ăn, sau khi đi vệ sinh.

Trên thực tế, hiện nay, vẫn chưa có thuốc trị liệu đặc biệt đối với Rotavirus. Khi trẻ mắc bệnh, phải cho trẻ đi khám. Tùy trường hợp, trẻ có thể phải nhập viện, các bác sĩ sẽ điều trị triệu chứng như bù dịch bằng đường uống hoặc truyền tĩnh mạch, hạ sốt cùng với một chế độ dinh dưỡng phù hợp. Trường hợp nhẹ sẽ được bác sĩ hướng dẫn cho dùng thuốc, chăm sóc tại nhà.

Bù nước là phương pháp điều trị cơ bản cho các bệnh nhân mắc bệnh tiêu chảy. Trong đó, bù nước bằng đường miệng vẫn là biện pháp an toàn và hiệu quả nhất. Cần bù nước cho trẻ bằng oresol: pha đúng cách theo chỉ dẫn của gói thuốc, với trẻ nhỏ uống oresol từng thìa nhỏ, 1-2 phút/thìa, bù nước 50ml oresol sau mỗi lần đi ngoài. Có thể bù nước bằng cách khác như: cho uống nước cháo muối: Dùng tay bốc một nắm gạo đem vo sạch, đổ và xoong và thêm 6 chén nước. Dùng 3 ngón tay: cái, trỏ và giữa bốc một nhúm muối bỏ vào xoong. Nấu cho tới khi gạo nở bung ra, không cần nấu thật nhừ. Chắt lấy nước cháo cho người bệnh uống. Phần cháo còn lại có thể nấu với thịt, cá... cho bệnh nhi ăn. Nên nhớ, nước cháo này để bù nước chớ không phải để thay bữa ăn. Trong trường hợp không có gói ORS hoặc không chuẩn bị kịp nước cháo muối thì có thể cho bệnh nhi uống nước muối đường: lấy 1 muỗng cà phê muối, 8 muỗng cà phê đường pha trong 1 lít nước chín. Ngoài ra, có thể cho trẻ uống các loại nước trái cây như: nước dừa, nước cam, nước chanh...

Nếu trẻ không thể bù nước bằng đường uống và có biểu hiện mất nước, cần đưa ngay đến bệnh viện để truyền dịch kịp thời. Dinh dưỡng cho trẻ: cho trẻ ăn uống thức ăn lỏng, mềm, dễ tiêu hóa, cho trẻ ăn từng thìa nhỏ, nếu trẻ bị nôn ói, cho trẻ nghỉ một chút rồi đút lại, chậm hơn. Đối với trẻ nhỏ nếu bị tiêu chảy thì vẫn cho trẻ bú, ăn bình thường. Có thể chia nhỏ bữa ăn làm nhiều lần. Không nên bắt ép trẻ ăn.

Không được tự ý sử dụng bất kỳ loại thuốc nào để tự chữa bệnh khi trẻ mắc tiêu chảy do Rotavirus. Kháng sinh không có tác dụng đối với bệnh tiêu chảy cấp do Rotavirus. Tuyệt đối không dùng thuốc cầm tiêu chảy cho trẻ vì các thuốc này làm giảm nhu động ruột, làm liệt ruột khiến phân không được thải ra ngoài, làm virus - nguyên nhân gây tiêu chảy ứ đọng lâu hơn, lâu ngày có thể dẫn đến trướng bụng, tắc ruột, tử vong...


BS. Lê Anh
Ý kiến của bạn