1. Tổng quan sốt xuất huyết trẻ em
Sốt xuất huyết là bệnh truyền nhiễm cấp tính, có thể gây thành dịch do virus Dengue gây ra. Bệnh lây lan do muỗi vằn đốt người bệnh nhiễm virus sau đó truyền bệnh cho người lành qua vết đốt. Bệnh xảy ra ở tất cả các nước nằm trong vùng khí hậu nhiệt đới.
Ở Việt Nam, bệnh lưu hành rất phổ biến, ở cả 4 miền Bắc, Trung, Nam và Tây Nguyên, kể cả ở thành thị và vùng nông thôn, bệnh xảy ra quanh năm nhưng thường bùng phát thành dịch lớn vào mùa mưa, nhất là vào các tháng 7, 8, 9, 10.
Bệnh chưa có thuốc điều trị đặc hiệu và chưa có vaccine phòng bệnh. Thường gây ra dịch lớn với nhiều người mắc cùng lúc, làm cho công tác điều trị hết sức khó khăn, có thể gây tử vong nhất là với trẻ em, gây thiệt hại lớn về kinh tế, xã hội.
2. Dấu hiệu trẻ bị sốt xuất huyết
Bệnh nhi thường khởi phát bệnh với sốt cao đột ngột, trước đó trẻ hoàn toàn khỏe mạnh, thời gian sốt từ 2 - 7 ngày, kèm theo biểu hiện sau:
- Đỏ phừng mặt, da xung huyết
- Đau nhức cơ, đau khớp
- Đau đầu
- Trong 1 số trường hợp kèm đau họng, viêm kết mạc mắt, mệt mỏi, buồn nôn và nôn.
- Ở trẻ nhũ nhi có thế kèm triệu chứng ho sổ mũi hay tiêu chảy.
Tiếp theo đó, bệnh nhi có thể biểu hiện xuất huyết như chấm xuất huyết (những chấm đỏ không biến mất khi ấn vào), thường ở cẳng tay, cẳng chân, nách, ngực, thắt lưng, xuất huyết niêm mạc như chảy máu mũi, chảy máu răng, đi cầu ra máu. Gan có thể to sau vài ngày.
Từ ngày thứ 3 - 7 của bệnh, trẻ bắt đầu hạ sốt 37.5 - 38 độ C hoặc thấp hơn, một số bệnh nhi có thể xuất hiện các dấu hiệu cảnh báo như:
- Lừ đừ
- Mệt mỏi
- Ói nhiều
- Đau bụng
- Xuất huyết niêm mạc
- Gan to
- Một số trường hợp diễn biến đến sốc sốt xuất huyết với biểu hiện chân tay lạnh, mạch nhanh nhẹ, huyết áp kẹt không đo được.
3. Biến chứng sốt xuất huyết
Phụ huynh không nên chủ quan, bởi sốt xuất huyết rất dễ khiến cơ thể trẻ mệt mỏi đến mức suy kiệt, sau đó gây ra các biến chứng nguy hiểm. Trong đó có biến chứng sốc dẫn đến tử vong.
- Cấp độ 1: Người bệnh chỉ sốt, chưa có triệu chứng xuất huyết.
- Cấp độ 2: Người bệnh sốt có triệu chứng xuất huyết (xuất huyết dưới da, chảy máu cam, chảy máu chân răng, khạc ra máu, thậm chí nôn ra máu, tiểu ra máu hoặc kinh nguyệt kéo dài (trẻ gái).
- Cấp độ 3: Người bệnh bắt đầu có dấu hiệu sốc và cấp 4 thì đã bị sốc nặng.
Đặc biệt, cần lưu ý là xuất huyết không phải là một triệu chứng bắt buộc, có hay không xuất huyết thì bệnh vẫn có thể xảy ra sốc. Sốc là biến chứng nguy kịch nhất của bệnh sốt xuất huyết. Đa số trẻ sốt xuất huyết bị tử vong là do sốc nặng.
Sốc là một hội chứng (gồm nhiều triệu chứng) với sự thể hiện tụt nhiệt độ cơ thể (thân nhiệt giảm xuống dưới mức bình thường), nếu thân nhiệt giảm cùng với thời điểm của thuốc hạ nhiệt tác động mạnh thì rất nguy hiểm. Người bệnh có thể bị giảm tri giác, tinh thần biểu hiện kém lanh lợi, lờ đờ, thậm chí lơ mơ, mê sảng. Kèm theo các biểu hiện đó là tụt huyết áp.
4. Điều trị bệnh sốt xuất huyết ở trẻ em
Bệnh sốt xuất huyết chưa có thuốc đặc trị cũng như vaccine phòng bệnh, chủ yếu là điều trị triệu chứng như:
- Giảm đau, hạ sốt bằng Paracetamol,
- Mặc quần áo thoáng mát và lau mát bằng nước ấm,
- Uống nhiều nước Oresol hoặc nước sôi để nguội, nước trái cây (nước dừa, cam, chanh tránh đừng làm quá chua) hoặc nước cháo loãng với muối.
5. Chăm sóc trẻ khi mắc sốt xuất huyết tại nhà
Phần lớn các trường hợp sốt xuất huyết Dengue đều được điều trị ngoại trú và theo dõi tại y tế cơ sở. Điều trị chủ yếu là điều trị triệu chứng và theo dõi chặt chẽ nhằm phát hiện sớm các dấu hiệu nặng để xử trí kịp thời.
- Uống thuốc hạ sốt theo đúng hướng dẫn của bác sĩ. Không tự ý cho trẻ uống thuốc.
- Không cạo gió, vì sẽ làm đau và có thể gây chảy máu, nhiễm trùng cho trẻ. Không cho trẻ uống những loại nước giải khát có màu đen hoặc đỏ… vì có thể gây nhầm lẫn với tình trạng xuất huyết tiêu hóa ở trẻ. Không dùng hạ sốt bằng Aspirin, Ibuprofen (vì dễ gây xuất huyết nặng).
- Không cho trẻ sốt xuất huyết truyền dịch tại các phòng khám tư hoặc cơ sở y tế không đủ điều kiện.
- Chú ý đến dinh dưỡng cho trẻ mắc sốt xuất huyết:
- Cho trẻ ăn những thứ ăn lỏng, giàu dinh dưỡng, dễ tiêu hóa như cháo, súp, sữa và nên cho nhiều bữa nhỏ.
- Cho trẻ uống nhiều nước hơn bình thường: Nước điện giải Oresol, nước lọc, nước sôi nguội, nước trái cây, nước cam, nước chanh.
- Cung cấp thêm vitamin các nhóm A, B, C để tăng cường hoạt động chuyển hóa cho cơ thể và tăng cường miễn dịch, sức đề kháng cho cơ thể chống lại bệnh tật.
6. Khi nào trẻ mắc sốt xuất huyết cần tái khám?
Nếu có một trong các dấu hiệu sau cần phải đưa trẻ ngay vào bệnh viện:
- Bỏ bú, không ăn uống được
- Tay chân lạnh, ẩm
- Đau bụng, nôn nhiều, nôn khan
- Biểu hiện hành vi thay đổi như lú lẫn, quấy khóc tăng kích thích, vật vã hoặc li bì, bứt rứt, mệt lả.
- Chảy máu mũi, miệng hoặc ói ra máu, tiêu phân đen hoặc xuất huyết âm đạo.
- Không tiểu tiện trên 6 giờ.
7. Cách phòng bệnh sốt xuất huyết
Cách phòng bệnh tốt nhất là diệt muỗi, lăng quăng/bọ gậy và phòng chống muỗi đốt.
- Loại bỏ nơi sinh sản của muỗi, diệt lăng quăng/bọ gậy bằng cách:
- Đậy kín tất cả các dụng cụ chứa nước để muỗi không vào đẻ trứng.
- Thả cá vào các dụng cụ chứa nước lớn (bể, giếng, chum, vại...) để diệt lăng quăng/bọ gậy.
- Thau rửa các dụng cụ chức nước vừa và nhỏ (lu, khạp…) hàng tuần.
- Thu gom, hủy bỏ các vật dụng phế thải trong nhà và xung quanh nhà như chai, lọ, mảnh chai, mảnh lu vỡ, ống bơ, vỏ dừa, lốp/vỏ xe cũ, hốc tre, bẹ lá... dọn vệ sinh môi trường, lật úp các dụng cụ chứa nước khi không dùng đến.
- Bỏ muối hoặc dầu vào bát nước kê chân chạn/tủ đựng chén bát, thay nước bình hoa/bình bông.
- Phòng chống muỗi đốt:
- Mặc quần áo dài tay.
- Ngủ trong màn/mùng kể cả ban ngày.
- Dùng bình xịt diệt muỗi, hương muỗi, kem xua muỗi, vợt điện diệt muỗi...
- Dùng rèm che, màn tẩm hóa chất diệt muỗi.
- Cho người bị sốt xuất huyết nằm trong màn, tránh muỗi đốt để tránh lây lan bệnh cho người khác.
- Tích cực phối hợp với chính quyền và ngành y tế trong các đợt phun hóa chất phòng, chống dịch.
Mời độc giả xem thêm video:
Mối nguy hại khi trẻ em xem tivi quá nhiều và cách khắc phục.