Hà Nội

Cách chăm sóc dinh dưỡng cho người bệnh đột quỵ theo hướng dẫn của bác sĩ

SKĐS - Bên cạnh việc xử trí đúng cách và kịp thời, một chế độ dinh dưỡng hợp lý sẽ giúp người bệnh đột quỵ nhanh hồi phục, hạn chế di chứng. BS. Trần Trọng Nhân, Khoa Dinh dưỡng, Bệnh viện Nhân dân 115 sẽ hướng dẫn chi tiết trong bài viết này.

Người bị đột quỵ sau khi trải qua giai đoạn nguy kịch, đa số phải chăm sóc kéo dài để cải thiện chất lượng cuộc sống. Trong đó nuôi ăn đúng cách là việc không thể thiếu trong chăm sóc người bệnh, đặc biệt ở người bệnh không tự ăn được mà phải nuôi ăn qua ống thông dạ dày.

1. Nhu cầu dinh dưỡng cho người bệnh đột quỵ

1. 1 Nhu cầu năng lượng

Đối với người bệnh nằm tại giường, không đi lại được thì chỉ cần cung cấp khoảng 25 kcal/kg cân nặng/ngày. Tinh bột và chất béo là hai nguồn cung cấp năng lượng chính cho cơ thể, vì thế cần giảm năng lượng từ 2 nguồn này so với lúc khỏe mạnh. Trung bình mỗi ngày cần cung cấp khoảng 1.200-1.500 kcal cho người có cân nặng trung bình 50-55kg.

1.2. Nhu cầu chất đạm

Chất đạm là thành phần quan trọng nhất cho sự phục hồi và cải thiện sức khỏe. Cung cấp đủ chất lượng và số lượng giúp giảm các tình trạng viêm nhiễm, teo cơ, suy giảm miễn dịch… Cần lựa chọn nguồn cung cấp đạm chất lượng cao, ít chất béo bão hòa, ít cholesterol.

Chăm sóc dinh dưỡng cho người bệnh đột quỵ - Ảnh 2.

Người bệnh đột quỵ nên lựa chọn những thực phẩm cung cấp chất đạm cao, ít chất béo.

Cần đảm bảo chất đạm 1g/kg cân nặng/ngày. Tổng lượng chất đạm cần khoảng 50-60g/ngày cho người có cân nặng trung bình 50-55kg. Nếu có bệnh khác kèm theo như suy thận, suy gan, đái tháo đường thì cần tham khảo ý kiến bác sĩ dinh dưỡng để điều chỉnh lượng đạm cho phù hợp.

1.3. Nhu cầu vitamin và khoáng chất

Vitamin và khoáng chất giúp chuyển hóa các chất đa lượng, kích thích các hoạt động trao đổi chất trong cơ thể, bảo vệ cơ thể. Trong đó, vitamin C, E có vai trò chống ôxy hóa. Canxi làm ổn định huyết áp, điều hòa nhịp tim, sắt và acid folic để tạo máu. Selen chống ôxy hóa…

Ngoài ra, vitamin và khoáng chất tăng cường cung cấp đủ chất xơ tạo phân giảm táo bón nếu giảm nhu động ruột và prebiotic duy trì cân bằng hệ vi khuẩn đường ruột do dùng thuốc kéo dài.

2. Nguyên tắc dinh dưỡng với người bệnh đột quỵ

Chăm sóc dinh dưỡng cho người bệnh đột quỵ - Ảnh 3.

BS. Trần Trọng Nhân - Khoa Dinh dưỡng, Bệnh viện Nhân dân 115.

2.1 Ở mức độ nhẹ

Người bệnh còn ăn bằng miệng được nhưng có rối loạn về nuốt, thì cần chú ý các điểm sau:

  • Dịch đặc sẽ dễ nuốt hơn.
  • Thức ăn ấm dễ nuốt hơn.
  • Nên ăn và nuốt thật chậm, từng ít một.
  • Nếu ăn thịt nên ăn thịt hầm nhừ hay các loại thức ăn có nước sốt.
  • Chia ăn nhiều bữa nhỏ, đầy đủ dinh dưỡng.

2.2 Ở mức độ nặng

Với người bệnh đột quỵ ở mức độ nặng, việc nuôi ăn qua đường ống thông là rất cần thiết. Đối với bệnh nhân nằm trong bệnh viện thì hầu hết việc nuôi ăn qua ống thông đều do nhân viên tại khoa và khoa dinh dưỡng đảm trách, nhưng khi xuất viện mà vẫn còn ăn qua ống thông thì gia đình phụ trách chăm sóc. Vì vậy việc hướng dẫn cho gia đình biết cách chế biến thức ăn, cách cho ăn, cách xử trí những vấn đề thường gặp khi nuôi ăn qua ống là rất cần thiết.

3. Nuôi ăn qua đường ống thông đúng cách

Nuôi dưỡng qua ống thông là một phương pháp thay thế bắt buộc cho những bệnh nhân bị đột quỵ không thể ăn qua đường miệng và cần phải được hỗ trợ dinh dưỡng nhờ vào một ống thông để đưa thức ăn xuống tận dạ dày. Một số bệnh lý khác cũng có nhu cầu nuôi qua ống thông như chấn thương sọ não, hôn mê, suy kiệt nặng…

Thức ăn được chế biến để nuôi qua ống thông cần phải lỏng để chảy được qua ống và không gây tắc nghẹt ống nhưng vẫn đảm bảo đủ năng lượng, đủ chất đạm, chất béo, đủ vitamin, chất khoáng…

3.1 Loại thức ăn cho qua ống

Chăm sóc dinh dưỡng cho người bệnh đột quỵ - Ảnh 4.

Súp xay là một trong những bữa ăn của người bệnh đột quỵ.

Có thể dùng các sản phẩm chế biến công nghiệp như sữa hoặc bột dinh dưỡng cao năng lượng hoặc cũng có thể tự nấu súp xay theo hướng dẫn.

Chọn một trong các chế độ ăn qua ống như: Chế độ sữa, bột dinh dưỡng, chế độ súp xay hoặc chế độ kết hợp 2 hoặc 3 loại trên.

Để tiện lợi, kinh tế nhưng vẫn đảm bảo đủ chất dinh dưỡng, có thể chọn công thức nuôi ăn xen kẽ sữa, bột dinh dưỡng và súp xay.

Ví dụ: 6 giờ uống sữa, 9 giờ ăn bột dinh dưỡng, 12 giờ súp xay, 15 giờ súp xay, 18 giờ bột dinh dưỡng, 21 giờ uống sữa.

Nên dùng các loại sữa và bột dinh dưỡng có đậm độ dinh dưỡng cao, có đầy đủ và cân đối các thành phần dinh dưỡng (sữa năng lượng chuẩn).

Tránh dùng sữa tươi, sữa đặc có đường, sữa đậu nành… vì không đảm bảo đủ năng lượng và các chất dinh dưỡng cần thiết khi nuôi ăn qua ống. Chỉ dùng theo chỉ định của bác sĩ trong những trường hợp bệnh lý đặc biệt.

3.2 Ăn bao nhiêu là đủ?

Lượng dinh dưỡng thông thường với người bệnh đột quỵ cần đạt 1.500 kcal/ngày (tương đương 1.500ml/ngày).

Lượng thức ăn trong ngày được chia đều cho các bữa ăn, trung bình mỗi bữa từ 250 - 30ml.

Nên bắt đầu cho ăn với lượng ít và tăng dần lên trong vài ngày nếu mới bắt đầu cho ăn qua ống.

Ví dụ: Bệnh nhân 50kg bị tai biến mạch máu não, tình trạng chung ổn định, nhưng vẫn chưa ăn được và cần nuôi dưỡng qua ống thông tại nhà. Nhu cầu năng lượng trung bình là 1.500 kcal/ngày tương đương 1500ml pha theo đúng hướng dẫn.

Mỗi ngày cho ăn 6 lần (6 giờ - 9giờ - 12giờ -15giờ - 18giờ - 21giờ). Mỗi lần cho ăn 250ml.

3.3 Cách cho ăn

Có 2 cách nuôi dưỡng người bệnh đột quỵ:

Cách 1: Cho ăn bằng bơm tiêm (60cc): Cho thức ăn chảy từ từ, không dùng piston để đẩy cho chảy nhanh.

Cách 2: Cho ăn nhỏ giọt: Nếu bệnh nhân bị trướng hơi sau ăn, hoặc có trào ngược thức ăn nên cho ăn nhỏ giọt chậm qua túi ăn có nút điều chỉnh giọt, nâng đầu cao khoảng 30-45 độ khi cho ăn và giữ như vậy khoảng 30 - 60 phút.

Trước và sau khi ăn nên tráng ống bằng 30ml nước chín.

Chăm sóc dinh dưỡng cho người bệnh đột quỵ - Ảnh 6.

Người bệnh đột quỵ nên ăn nhiều bữa nhỏ, đảm bảo nhu cầu dinh dưỡng.

3.4. Cách làm súp xay

Nguyên liệu dùng để nấu 1 lít súp xay: 120g gạo, 120g thịt nạc, 50g bí đỏ, 50g khoai lang, 20g dầu đậu nành (4 muỗng cà phê), 15g đường cát (3 muỗng cà phê gạt), 2g muối (2 muỗng gạt yaourt).

Cách chế biến: Cho 1.5 lít nước để sau khi nấu xong còn 1 lít (tương đương 4 chén). Súp sau khi nấu phải đặc mới đạt yêu cầu chất lượng. Sau đó đem xay nhuyễn. Cuối cùng, lọc súp qua rây. Súp sau khi lọc sẽ lỏng và chảy tốt qua ống thông.

1 lít súp xay cung cấp 850 kcal, 30g đạm, 30g chất béo và 120g chất bột đường (khi lọc qua rây chất đạm sẽ bị giảm do bị giữ lại trên rây).

1 lít súp xay có thể chia làm 3 đến 4 lần ăn.

Có thể thay gạo bằng bột gạo, khi đó nấu thịt và rau củ trước, xay nhuyễn rồi cho bột gạo vào sau và khuấy cho chín, sau đó cũng cho men vào để làm lỏng bột.

Nên dùng thay đổi các loại thịt, cá, trứng và các loại rau củ (50g thịt lợn, thịt bò bằng 50g cá hoặc 1 trứng gà hoặc 2 lòng trắng trứng).

Chú ý: Không cần hầm xương vì vừa mất thời gian và cũng không tăng thêm dinh dưỡng. Không chứa súp đã xay trong bình thủy giữ nóng quá 4 giờ vì vi khuẩn sẽ sinh sôi nhanh ở nhiệt độ ấm.

3.5 Cách pha bột và sữa

Pha theo hướng dẫn ghi trên trên bao bì sản phẩm, hoặc theo hướng dẫn của bác sĩ chuyên khoa, ví dụ: 

  • Pha 230ml sữa bột: thông thường dùng 195ml nước ấm + 6 muỗng gạt sữa.
  • Pha 1 ly bột dinh dưỡng (loại bột để ăn qua ống): thông thường cho 2 gói nhỏ (25g/gói), thêm 180ml nước nóng 70 độ C khuấy đều, sau khi pha 15 phút bột sẽ tự lỏng dần.

4. Nguyên tắc chế biến thực phẩm

Chế biến và bảo quản thực phẩm thật cẩn thận, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.

Nấu chín kỹ mọi đồ ăn.

Thức ăn cho bệnh nhân đặt ống thông phải ở dạng lỏng, được xoay nhuyễn, ưu tiên các món như cháo xay, súp, thức ăn hầm nhuyễn, cháo, bột dinh dưỡng.

Ưu tiên các thực phẩm giàu năng lượng, giàu dinh dưỡng, tránh các thực phẩm ít năng lượng có thể làm tăng thể tích thức ăn, gây khó khăn trong việc cho bệnh nhân ăn.

Tốt nhất là ăn bữa nào chế biến bữa đó. Tránh việc bảo quản thực phẩm trong tủ lạnh, bảo quản thực phẩm quá lâu, hoặc nấu đi nấu lại sẽ làm mất dinh dưỡng của món ăn.

- Một số bệnh nhân không dung nạp được sữa, khi dùng sữa dễ bị tiêu chảy thì đổi sữa sang dùng bột dinh dưỡng cao năng lượng, súp xay hoặc một loại sữa đặc biệt theo hướng dẫn của bác sĩ.

- Những trường hợp nuôi ăn dài ngày, hoặc hoàn cảnh kinh tế khó khăn thì thay sữa bằng bột dinh dưỡng.

- Có thể thay súp xay bằng bột dinh dưỡng hoặc sữa nếu không có thời gian thực hiện súp xay.

- Một số bệnh lý đặc biệt (đái tháo đường, suy thận, lọc thận…) thì nên tham khảo ý kiến bác sĩ hoặc chuyên gia dinh dưỡng để có chế độ dinh dưỡng phù hợp.

Đột quỵ: Nguyên nhân, dấu hiệu và cách phòng tránh  khi trời lạnh đột ngộtĐột quỵ: Nguyên nhân, dấu hiệu và cách phòng tránh khi trời lạnh đột ngột

SKĐS - Đột quỵ hay còn gọi là tai biến mạch máu não, là bệnh lý cấp tính nguy hiểm thường xảy ra đột ngột nhất là khi thời tiết lạnh, bệnh có thể gây nhiều di chứng hoặc tử vong nếu không được sơ cứu đúng cách và cấp cứu kịp thời.

Xem thêm video đang được quan tâm:

Cháo trai - món ăn bổ dưỡng.

BS. Trần Trọng Nhân
Khoa Dinh dưỡng - Bệnh viện Nhân dân 115
Ý kiến của bạn