Hà Nội

Cách cha mẹ giúp con có tâm lý vững vàng giảm áp lực trong thi cử

08-06-2023 06:45 | Bệnh trẻ em

SKĐS - Năm nào cũng vậy, cứ vào mùa thi là có sĩ tử nhập viện vì bị rối loạn tâm thần. Điều này là do áp lực học tập, lịch học kín mít, cộng với sự kỳ vọng của các bậc phụ huynh đã khiến cho nhiều học sinh mắc bệnh.

Trẻ bị stress do áp lực thi cử, cha mẹ cần làm gì?Trẻ bị stress do áp lực thi cử, cha mẹ cần làm gì?

SKĐS - Hiện đang là mùa thi chuyển cấp, nhiều gia đình đã “kỳ vọng” quá nhiều vào con, khiến trẻ luôn phải nỗ lực cố gắng để vượt qua. Bên cạnh những ưu điểm thì việc này đã gây áp lực rất lớn cho trẻ, dẫn đến tình trạng stress của trẻ ngày càng tăng cao.


Theo một nghiên cứu của Bệnh viện Nhi Trung ương với đối tượng là học sinh từ 10 - 19 tuổi cho thấy, có khoảng 55,6% số trẻ có sang chấn tâm lý (áp lực học tập 20%, áp lực gia đình 20,5%, quan hệ bạn trong trường 8,9%). Và kết quả nghiên cứu cũng chỉ ra rằng: Stress và trầm cảm gặp nhiều nhất ở lứa tuổi 14 và 17, là thời điểm các cháu học sinh thi chuyển cấp lên trung học phổ thông và đại học.

Không đặt mục tiêu quá cao

Thi cử luôn là những trải nghiệm rất căng thẳng đối với học sinh, nhất là khi đứng trước các kỳ thi quyết định như thi chuyển cấp, thi tốt nghiệp THPT. Rất nhiều trường hợp học sinh đã có những biểu hiện của rối loạn tâm thần do áp lực của chuyện thi cử. Các kỳ thi đôi khi còn là trải nghiệm khó khăn trong một thời điểm hay một giai đoạn, nhưng cũng có người vẫn bị ảnh hưởng một thời gian dài sau đó.

Có người trưởng thành rồi thi thoảng vẫn nằm mơ về các kỳ thi ấy với tâm trạng lo lắng, thậm chí gặp ác mộng.

Vì vậy, để giảm những áp lực của kỳ thi, cha mẹ cũng như trẻ cần xác định mục tiêu vừa phải, không đặt mục tiêu quá cao, không đặt kỳ vọng quá lớn, vì điều này sẽ khiến trẻ áp lực hơn.

Trên thực tế đã có trường hợp bị thất vọng trong các kỳ thi, làm cho bản thân mất tự tin, tự đánh giá bản thân thấp đi và đây là những "di chứng" ảnh hưởng đến nhiều vấn đề cảm xúc sau này. Nhất là khi kết quả của kỳ thi không đạt được như mong muốn, rất dễ xảy ra thất vọng, buồn chán… thậm chí nhiều học sinh còn có ý định tự sát.

Cha mẹ hãy cùng con xác định mục tiêu cho đúng, để trẻ có một tâm thế thoải mái trước khi vào phòng thi. Điều này sẽ giúp con tự tin hơn rất nhiều, như thế cũng là một chiến thắng trong mùa thi đầy áp lực này.

Cha mẹ hãy đồng hành cùng con để “Tâm lý vững vàng - Chiến thắng mùa thi” - Ảnh 2.

Stress thường có diễn biến âm thầm, là kết quả của một thời gian tích tụ, dồn nén áp lực.

Cha mẹ hãy áp dụng "liệu pháp tinh thần"

Có câu: "Không được rèn giũa thì không có ngọc sáng". Điều này hoàn toàn đúng, tuy nhiên ôn thi và học hành là một quãng đường dài.

Gần ngày thi, cha mẹ hãy áp dụng các liệu pháp tinh thần để cho con vững tâm, tránh rơi vào trường hợp stress bệnh lý hoặc rối loạn tâm thần liên quan đến stress trong mùa thi.

Cha mẹ phải hiểu một sự kiện có trở thành yếu tố gây stress hay không còn tùy thuộc vào nhận thức, đánh giá của mỗi người về nó. Nếu trẻ đánh giá kỳ thi này nguy hiểm và không có khả năng giải quyết, thì rất có thể khiến trẻ bị stress bệnh lý.

Vì vậy, mục đích liệu pháp tinh thần này giúp cho sĩ tử không quá hồi hộp, mất bình tĩnh, không quá căng thẳng để phòng tránh stress.

Cha mẹ hãy gần gũi con và giúp con nhìn nhận vấn đề thi cử là tất yếu, chẳng có gì là nguy hiểm cả.

Chúng ta mong sẽ vượt qua, nhưng nếu khi thi không đạt được như kỳ vọng thì cũng là chuyện bình thường, không đến nỗi tồi tệ lắm, "thua keo này ta bày keo khác...".

Hãy đánh giá: "Khả năng con có thể vượt qua cuộc thi này bởi con học khá", "học tài, thi phận là bình thường". "Nếu cố gắng nhất định sẽ vượt qua kỳ thi", có niềm tin như vậy sẽ là sức mạnh lớn lao giúp trẻ vượt qua kỳ thi.

Cha mẹ hãy giúp con, đồng hành cùng con thay đổi bản thân để thích nghi với cuộc sống. "Con phải ôn tập cho tốt để thi đạt kết quả...".

Lưu ý trước ngày thi: Cha mẹ nhắc nhở trẻ không miệt mài học, vì cảm xúc căng thẳng có thể ngăn cản sự suy nghĩ minh mẫn khi làm bài.

Đêm hôm trước ngày thi cần có giấc ngủ ngon, không nên cố gắng học kiểu nhồi sọ, sẽ làm rối trí, học sẽ không có kết quả. Vì giấc ngủ là điều cần thiết cho sức khỏe thể chất và tinh thần. Với trẻ từ 6 đến 12 tuổi nên ngủ từ 9 đến 12 tiếng mỗi đêm. Thanh thiếu niên cần 8 đến 10 giờ mỗi đêm. Giấc ngủ là yếu tố cần được ưu tiên để kiểm soát căng thẳng.

Cha mẹ hãy gần gũi con, động viên nhắc nhở con bình tĩnh, cần hít thở sâu mỗi khi thấy lo lắng. Gia đình, cha mẹ hãy là nơi bình yên nhất cho con. Chú ý hơn đến sức khỏe của con bằng chế độ ăn uống hợp lý, bổ sung thêm cho các sĩ tử các vi chất dinh dưỡng, các vitamin và khoáng chất… giúp bồi bổ cơ thể, tăng cường sức khỏe.

Trong những ngày thi, nên chuẩn bị các món ăn quen thuộc hàng ngày để hạn chế sự cố không đáng có về sức khỏe của trẻ. Tránh ăn thực phẩm khó tiêu và nhiều gia vị, vì điều này sẽ kích thích ống tiêu hóa và hệ thần kinh thực vật, làm trẻ có cảm giác khó chịu, sẽ ảnh hưởng đến việc làm bài thi.

Stress thường có diễn biến âm thầm, là kết quả của một thời gian tích tụ, dồn nén áp lực. Các phụ huynh cần quan tâm đến những biểu hiện của trẻ, nhất là trong khoảng thời gian kiểm tra, thi cử. Nếu trẻ lo lắng quá mức, than phiền đau đầu, chóng mặt, căng cứng cơ... khiến trẻ luôn bất an, khô miệng, khó nuốt, sợ đến trường. Đây có thể là biểu hiện của các rối loạn lo âu lan tỏa. Bên cạnh đó, còn có những dạng stress cơ năng như trẻ bị đau bụng, đau đầu, đau dạ dày, xuất huyết tiêu hóa, tiêu chảy…

Áp lực thi cử và những hệ lụyÁp lực thi cử và những hệ lụy

SKĐS - Cứ mỗi mùa thi đến, không ít bạn học sinh, sinh viên lại gặp phải những vấn đề về sức khỏe.

Mời độc giả xem thêm video:

Chuyên Gia Khuyến Cáo Gì Để Phòng Nguy Cơ Đột Quỵ, Sốc Nhiệt Trong Đợt Cao Điểm Nắng Nóng? | SKĐS

BS Trần Anh Tuấn
BV Đại học Y Hà Nội
Ý kiến của bạn