Hà Nội

Cách cấp cứu người bị bỏng điện

14-08-2012 18:07 | Phòng mạch online
google news

Hiện nay đang là mùa mưa bão, dễ gây đổ cây kéo theo đường dây điện chạy trên cao bị đứt gây điện giật nếu vô tình chạm hoặc vướng phải.

(SKDS) - Hiện nay đang là mùa mưa bão, dễ gây đổ cây kéo theo đường dây điện chạy trên cao bị đứt gây điện giật nếu vô tình chạm hoặc vướng phải. Ngoài ra, điện giật cũng có thể xảy ra trong gia đình khi sửa chữa điện. Tai nạn do điện giật rất nguy hiểm vì có thể gây bỏng sâu, gây rối loạn hoặc ức chế các chức phận sống của cơ thể. Bên cạnh đó, việc sơ cứu nạn nhân bị điện giật rất phức tạp nhưng nếu người cấp cứu thành thạo có thể tránh được nhiều biến chứng nguy hiểm cho nạn nhân.

Ngắt nguồn điện: Tìm mọi cách tách nguồn điện ra khỏi cơ thể nạn nhân. Lưu ý người cứu phải bình tĩnh ngắt cầu giao điện hoặc cầu chì. Nếu không ngắt được nguồn điện thì tìm cách gỡ hoặc kéo nạn nhân khỏi nguồn điện bằng cách dùng các vật không dẫn điện như gậy khô, que nhựa, cao su...

Cách xơ cứu:

Kiểm tra xem nạn nhân còn thở không? Còn mạch đập không? Nếu nạn nhân ngừng tim, ngừng hô hấp, phải nhanh chóng tiến hành hô hấp nhân tạo và ép tim ngoài lồng ngực tại chỗ.

Hô hấp nhân tạo: Để nạn nhân nằm ở nơi thoáng đãng, nới rộng quần áo và dây thắt lưng, đệm dưới cổ cho đầu hơi ngửa ra sau để đảm bảo đường hô hấp được thông thoáng. Một tay bịt mũi nạn nhân, tay kia kéo hàm xuống dưới để miệng hở ra, người cấp cứu ngậm chặt miệng nạn nhân rồi thổi liên tục 2 hơi đối với người lớn, một hơi đối với trẻ em dưới 8 tuổi, sau đó để lồng ngực tự xẹp xuống rồi lại thổi tiếp.

Người lớn và trẻ em trên 8 tuổi, mỗi phút phải thổi ngạt 20 lần. Trẻ dưới 8 tuổi, mỗi phút phải thổi ngạt từ 20 - 30 lần. Trẻ sơ sinh hiếm khi bị điện giật, nếu có ngừng thở, phải thổi ngạt từ 30 - 60 lần một phút.

Ép tim ngoài lồng ngực: Thực hiện khi có ngừng tim và phải thực hiện ngay lập tức vì ngừng tim trong vòng 1 phút, khả năng cứu sống có thể tới 95%. Ngừng tim sau 5 phút, khả năng cứu sống chỉ còn 1% và sẽ để lại di chứng thần kinh rất nặng nề vì tế bào não sẽ bị chết sau 5 phút thiếu ôxy. Người tiến hành ép tim ngồi bên trái nạn nhân, hai bàn tay chồng lên nhau rồi để trước tim, tương ứng với núm vú hoặc khoang liên sườn 4 - 5 bên ngực trái, từ từ ấn mạnh và sâu xuống khoảng từ 1/3 cho đến một nửa bề dày lồng ngực, sau đó nới lỏng tay ra. Người lớn và trẻ em trên 1 tuổi, số lần ép tim trong một phút khoảng 100 lần. Trẻ dưới 1 tuổi, mỗi phút ép tim hơn 100 lần. Trẻ sơ sinh có thể phải ép tim đến 120 lần mỗi phút.

 Cần hết sức thận trọng khi tách nạn nhân khỏi nguồn điện để tránh bị điện giật.

Nếu phải kết hợp cả ép tim với thổi ngạt, cứ 5 lần ép tim lại thổi ngạt một lần, ngoại trừ trẻ sơ sinh là 3 lần ép tim thổi ngạt một lần.

Tại chỗ tổn thương bỏng có thể đắp gạc, băng che phủ vết thương.

Chú ý: Chỉ vận chuyển đến cơ sở y tế khi sơ cứu tại chỗ đã khôi phục tuần hoàn và hô hấp.

Những điều cần chú ý

Mối nguy hiểm của điện giật phụ thuộc vào mức điện thế cao bao nhiêu, dòng điện truyền qua cơ thể như thế nào, tình trạng sức khoẻ chung của nạn nhân và mức độ xử trí nhanh chóng. Đối với người cấp cứu cho nạn nhân cũng cần phải đảm bảo an toàn cho bản thân mình nên cần thận trọng, quan sát. Chỉ chạm trực tiếp vào nạn nhân khi đã chắc chắn ngắt được nguồn điện. Nếu chưa ngắt được dòng điện có thể sẽ truyền sang người bạn. Không tới gần dây điện cao thế cho tới khi nguồn điện được ngắt. Đứng cách xa ít nhất 6m và phải xa hơn nếu dây điện đang đung đưa và đánh điện. 

BS.Đỗ Thanh Hải


Ý kiến của bạn