Cách cấp cứu khi bị rắn lục cắn

30-07-2015 14:39 | Y học 360
google news

SKĐS - Ngày 2/6, Nguyễn Thị Ngọc H, 12 tuổi, nhà ở xã Thành Thới A, huyện Mỏ Cày Nam, tỉnh Bến Tre bị rắn lục cắn, gia đình đưa vào bệnh viện cấp cứu. Bé H cho biết, trong nhà bán tạp hóa, khi em kéo một cái thùng gỗ

Lên để lấy đồ thì có một con rắn lục nằm sẵn dưới đáy thùng cắn vào ngón chân cái của em. Hai ngày sau nhập viện, nơi vết cắn không chảy máu, nhưng dưới da chân em xuất hiện nhiều vết xuất huyết đỏ bầm, sau đó em ói ra khoảng một chén máu tươi. Bệnh viện đã cấp cứu truyền huyết thanh tươi, huyết thanh kháng nọc rắn lục, sau hai ngày thì em ổn định.

Em Võ Hoàng Anh K, 15 tuổi, nhà ở xã Thạnh Nhựt, Gò Công Tây, tỉnh Tiền Giang cũng bị rắn lục cắn phải vào viện. Em kể với bác sĩ là em đang chơi ngoài sân trước nhà, khi dẫm vào một bụi cỏ thì em cảm thấy đau nhói, giở chân lên thì thấy con rắn lục đang tìm đường lẩn trốn sau khi cắn vào mu bàn chân của em. Tại mu bàn chân bác sĩ nhìn thấy hai vết răng sâu đang rỉ máu, nên đã khẩn trương truyền dịch, cấp cứu cho em.

Đây là hai trường hợp bị rắn lục cắn gần nhất, trong nhiều trường hợp rắn cắn phải vào điều trị tại bệnh viện đa khoa Tiền Giang. Theo các nhà chuyên môn, rắn lục thông thường sống ở những khu vực rừng núi, hoặc nơi có nhiều cây cối rậm rạp. Tuy nhiên, hiện nay rừng đã bị con người tàn phá nghiêm trọng, cây cối ở các khu vực thì bị đốn bỏ, nên rắn mất dần môi trường sinh sống, nên sống gần nhà dân, mặt khác nguồn thức ăn của rắn là chuột, nên khi nhà có nhiều chuột thì rắn cũng lần theo vào nhà tìm thức ăn, khi đó con người vô tình bị rắn tấn công. Rắn lục đuôi đỏ là một trong số các loài rắn có nọc độc cực mạnh, chỉ đứng sau loài rắn hổ mang chúa. Khi bị rắn lục đuôi đỏ cắn, nạn nhân có thể gặp các hiện tượng như chảy máu, phù nề, hoại tử, trụy tim mạch.

Ngoài việc cảnh giác tránh để rắn cắn, quan trọng nhất là biết cách cấp cứu khi bị rắn lục cắn để tránh nguy hiểm. Đầu tiên là trấn an nạn nhân bình tĩnh, không di chuyển xa nơi bị rắn cắn, cần giữ cho nạn nhân nằm yên bất động bởi vận động lúc này sẽ làm cho nọc độc xâm nhập vào cơ thể nhanh hơn. Nếu gần vùng bị cắn có đeo đồ trang sức thì nên nhanh tay cởi để tránh bị chèn ép, gây sưng nề. Băng ép bất động để làm chậm quá trình di chuyển của nọc độc. Cách băng ép: dùng tay, gạc hoặc khăn sạch ép lên phía trên vết thương. Để nạn nhân nằm thoải mái, đặt phần bị thương cao hơn để giảm áp lực máu. Sau đó, dùng dây vải băng ép miếng gạc hoặc khăn vào vết thương, buộc một cách chắc chắn nhưng vẫn đủ để máu lưu thông. Nên băng ép chặt phía trên vết thương từ 5 - 10 cm để ngăn chất độc lan ngược lại các bộ phận khác. Sau đó vận chuyển nhanh nạn nhân đến cơ sở y tế gần nhất để truyền huyết thanh kháng nọc rắn, tốt nhất là nên truyền trong 4 giờ đầu sau khi rắn cắn. Khi vận chuyển cần chú ý, cố gắng giữ cho nạn nhân nằm yên. Nếu nạn nhân có biểu hiện khó thở thì có thể thực hiện hô hấp nhân tạo.

Khi bị rắn lục cắn không nên băng bó vết thương quá chặt bằng garo vì dễ dẫn đến hoại tử; không đắp lá, hút nọc theo cách dân gian mà chỉ cố định vết thương, di chuyển nhẹ nhàng. Bệnh nhân phải đến bệnh viện sớm nhất có thể, sau khi truyền huyết thanh vài ngày thì có thể giảm các triệu chứng lâm sàng.

Để phòng tránh rắn lục đuôi đỏ tấn công cần:

- Dọn dẹp xung quanh nhà, cắt ngắn cỏ, phát quang bụi rậm bởi đây có thể trở thành nơi trú ngụ của rắn lục đuôi đỏ.

- Kiểm tra kỹ các kẽ nứt, khe hở xung quanh nhà bởi đó cũng chính là nơi mà những con rắn lục đuôi đỏ hay lẩn trốn.

- Trồng các loại cây như: sả, sắn dây, hoa lan tỏi… để ngăn không cho rắn lục đuôi đỏ đến gần.

BS. NGUYỄN THÀNH ÚC

 

 


Ý kiến của bạn