Triệu chứng của đường ruột không khỏe
Sức khỏe đường ruột là một yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến sức khỏe toàn diện của cơ thể. Đường ruột không chỉ có chức năng tiêu hóa và hấp thu chất dinh dưỡng, mà còn là nơi sinh trưởng của hàng trăm triệu vi khuẩn có lợi cho sức đề kháng, miễn dịch và chống viêm.
Khi đường ruột bị rối loạn, các vi khuẩn có hại sẽ tăng sinh và gây ra các triệu chứng như đầy bụng, khó tiêu, tiêu chảy, táo bón, viêm loét dạ dày hay hội chứng ruột kích thích. Ngoài ra, sức khỏe đường ruột còn ảnh hưởng đến tâm trạng, trí nhớ, da dẻ và cân nặng.
Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng có sự liên kết giữa vi khuẩn đường ruột và nguy cơ mắc bệnh tim mạch. Vi khuẩn có hại đường ruột có thể sản sinh ra các chất gây viêm, làm tăng huyết áp, làm xơ vữa động mạch và gây rối loạn chuyển hóa. Do đó, việc chăm sóc đường ruột là rất cần thiết để duy trì một cơ thể khỏe mạnh và cân bằng.
Triệu chứng của đường ruột không khỏe là khi thường xuyên tiêu chảy hoặc táo bón, đầy hơi, chướng bụng hoặc cảm giác khó chịu sau khi ăn. Các triệu chứng ở các vùng khác của cơ thể như: Mệt mỏi, đau cơ và khớp, phát ban trên da, suy giảm nhận thức, đau đầu và các vấn đề về tâm trạng cũng có thể là do điều gì đó bất thường xảy ra trong đường ruột của bạn.
Điều này có nghĩa là tất cả chúng ta đôi khi đều bị đầy hơi hoặc khó tiêu sau ăn. Nhưng không có nghĩa tất cả chúng ta có bệnh đường ruột thật sự. Điều đáng lo ngại là có các triệu chứng mạn tính, kéo dài (thường trên 3 tháng), hoặc các triệu chứng gây giảm sức khỏe và hiệu quả công việc khi liên tục gặp rắc rối về tiêu hóa.
Thói quen giúp cải thiện sức khỏe đường ruột
Ngủ đúng giờ, ngủ đủ giấc
Ngủ ngon khoảng 7 tiếng mỗi đêm khiến lợi khuẩn đường ruột chiếm ưu thế. Cơ thể chúng ta hoạt động theo nhịp sinh học, vi khuẩn của chúng ta cũng vậy. Khoảng 10 giờ là thời điểm tốt để bắt đầu giấc ngủ, hoặc ít nhất cần đi ngủ khi bắt đầu thấy buồn ngủ. Nếu khó ngủ có thể đến gặp bác sĩ để được tư vấn.
Ăn chậm
Nhai kỹ thức ăn và ăn chậm có thể giúp thúc đẩy quá trình tiêu hóa và hấp thụ đầy đủ các chất dinh dưỡng, giúp giảm triệu chứng khó chịu về tiêu hóa đồng thời giúp duy trì sức khỏe của đường ruột.
Uống đủ nước
Các nghiên cứu đã chứng minh uống nhiều nước có tác dụng có lợi cho niêm mạc ruột, cũng như cân bằng vi khuẩn tốt trong ruột. Cung cấp đủ nước cho cơ thể để thúc đẩy đường ruột khỏe mạnh. Trung bình khoảng 2 lít/ngày, tăng giảm thêm tùy thuộc vào chế độ sinh hoạt của mỗi người, mất nước dễ gây viêm nhiễm.
Tập thể dục thường xuyên
Tập thể dục cường độ vừa phải đến cường độ cao trong 30 đến 90 phút, ít nhất ba lần mỗi tuần trong 8 tuần có thể thay đổi hệ vi sinh vật ở cả người khỏe mạnh và những người có vấn đề về sức khỏe. Tăng thời gian vận động như đi bộ, giảm thời gian tĩnh tại, ngồi/đứng tại chỗ, những người dành thời gian đi lại tích cực (đi bộ hoặc đi xe đạp) sẽ có nhiều vi sinh vật đường ruột có lợi hơn.
Giảm mức độ stress
Mức độ stress cao sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe, bao gồm cả đường ruột. Một số hoạt động như thiền, đi bộ, dành thời gian cho bạn bè, người thân, sử dụng tinh dầu, giảm lượng caffein, tập yoga… có thể giúp giảm tình trạng căng thẳng.
Thay đổi chế độ ăn uống
Giảm tiêu thụ lượng thức ăn chế biến sẵn, nhiều đường và nhiều chất béo có thể góp phần cải thiện sức khỏe đường ruột.
Ngoài ra, bạn nên sử dụng nhiều thực phẩm có nguồn gốc thực vật và protein nạc có thể tác động tích cực đến đường ruột.
Chế độ ăn giàu chất xơ đã được chứng minh đóng góp rất nhiều vào hệ vi sinh vật đường ruột khỏe mạnh.
Nhìn chung các chuyên gia khuyến nghị nên đa dạng hóa các loại thực phẩm tiêu thụ để tăng cường cả sức khỏe đường ruột và sức khỏe tổng thể.
Kiểm tra sự không dung nạp thực phẩm nếu có các triệu chứng như chuột rút, chướng bụng, đau bụng, tiêu chảy, phát ban, buồn nôn, mệt mỏi và trào ngược acid... xuất hiện thì có thể được xem như dấu hiệu đang mắc chứng không dung nạp thực phẩm.
Nên thử tránh sử dụng các loại thực phẩm gây kích ứng để có thể tìm được nguyên nhân cụ thể liên quan đến đường ruột.